Phấn đấu sản lượng sâm Việt Nam đến năm 2030 đạt 300 tấn mỗi năm

Hội thảo 'Chung tay vì sự phát triển sâm quốc bảo' đã được tổ chức tại TP HCM để các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu về sâm giao lưu, trao đổi kinh nghiệm. Theo Quyết định 611/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu sản lượng sâm Việt Nam đến năm 2030 đạt 300 tấn/năm.

Ngày 15.11.2024, tại TP.HCM, Báo Thanh Niên tổ chức hội thảo với chủ đề “Chung tay vì sự phát triển sâm quốc bảo”. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn; Bộ Y tế; Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, Lai Châu, Kon Tum, lãnh đạo các sở, ban ngành địa phương, các nhà khoa học nghiên cứu chuyên sâu về sâm Việt Nam; các doanh nghiệp sản xuất, chế biến sâm và gần 150 đại biểu, khách mời có quan tâm đếm sâm Việt.

 Đại diện lãnh đạo các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu về sâm trao đổi về hoạt động trồng sâm tại hội thảo.

Đại diện lãnh đạo các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu về sâm trao đổi về hoạt động trồng sâm tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, nhà báo Lâm Hiếu Dũng, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên chia sẻ Việt Nam được thiên nhiên ban tặng cho hai loại sâm được Chính phủ xác định là "quốc bảo" đó là sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu. Trong đó, hàm lượng Saponin của sâm Việt Nam được nhiều nhà khoa học đánh giá là có hàm lượng cao hơn so với nhiều quốc gia khác.

 Nhà báo Lâm Hiếu Dũng, Phó Tổng biên tập Báo Thanh Niên nhận xét về ngành sâm Việt Nam

Nhà báo Lâm Hiếu Dũng, Phó Tổng biên tập Báo Thanh Niên nhận xét về ngành sâm Việt Nam

Tiềm lực của ngành sâm Việt Nam rất lớn nhưng sản lượng mỗi năm chỉ đạt vài tấn, giá thành lại cao, từ 3.000 - 4.000 USD/kg. Trong khi tại Hàn Quốc, sản lượng sâm mỗi năm lên tới 23.000 tấn, giá thành dao động từ 30 - 150 USD/kg, mỗi năm mang về hàng tỷ USD doanh thu. Sản lượng sâm Việt Nam quá thấp, giá quá cao thì khó trở thành hàng hóa thật sự", nhà báo Lâm Hiếu Dũng trăn trở.

Về hoạt động phát triển ngành trồng sâm tại Việt Nam, Quyết định 611/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” đã đặt ra mục tiêu như sau: Phấn đấu diện tích trồng sâm Việt Nam đạt khoảng 21.000 ha vào năm 2030, 100% diện tích trồng sâm Việt Nam được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý. Sản lượng khai thác sâm Việt Nam đến năm 2030 đạt khoảng 300 tấn/năm (diện tích khai thác khoảng 1.000 ha/năm), đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GACP - WHO (thực hành tốt nuôi trồng và thu hái) hoặc tương đương. Đầu tư, xây dựng các cơ sở sơ chế và chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Việt Nam gắn với vùng nguyên liệu, sản xuất theo chuỗi, trong đó có khoảng 50% cơ sở sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng GMP-WHO (thực hành sản xuất tốt). Định hướng đến năm 2045 phát triển sâm Việt Nam trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho các địa phương, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm lớn trên thế giới.

 Các nhà nghiên cứu chia sẻ thông tin về tiềm năng của sâm Việt Nam tại hội thảo.

Các nhà nghiên cứu chia sẻ thông tin về tiềm năng của sâm Việt Nam tại hội thảo.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, địa phương trồng sâm đã trao đổi, tìm giải pháp để nhân rộng diện tích trồng sâm Việt Nam theo quy mô công nghiệp, đem lại sản lượng lớn và giá trị kinh tế cao như ngành nhân sâm Hàn Quốc đang triển khai rất thành công. Thông qua hội thảo, các doanh nghiệp và các địa phương quy hoạch vùng trồng sâm tập trung có thể đề xuất, tham mưu Chính phủ và các Bộ, ngành T.Ư, các địa phương chung tay tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông ách tắc liên quan đến cơ chế chính sách, quy hoạch và phát triển ngành sâm Việt Nam theo định hướng chung của Chính phủ.

Hội thảo cũng là dịp để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và chế biến sâm giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Đặc biệt, từ những đề xuất, kiến giải và gợi ý của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sâm có thêm gợi ý để xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu cho sâm Việt Nam... góp phần vào sự phát triển kinh tế Việt Nam theo hướng chuyển đổi xanh bền vũng.

Thế Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phan-dau-san-luong-sam-viet-nam-den-nam-2030-dat-300-tan-moi-nam-post321444.html