Phấn đấu tăng trưởng trên 7%

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2024 diễn ra ngày 7-10

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết tăng trưởng kinh tế quý III/2024 ước đạt 7,4%; tính chung 9 tháng, tăng trưởng đạt 6,82%. Một số địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3 vẫn giữ được đà tăng trưởng cao như TP Hải Phòng (9,77%), tỉnh Quảng Ninh (8,02%), Phú Thọ (9,56%)...

Nhiều điểm sáng

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục là điểm sáng với tổng vốn đăng ký 9 tháng năm 2024 đạt khoảng 24,8 tỉ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ.

Bắc Giang là địa phương duy trì tăng trưởng đứng đầu cả nước với tốc độ tăng GRDP 9 tháng đạt 13,89%; kim ngạch xuất khẩu đạt 39,8 tỉ USD - tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Nguyễn Văn Gấu cho hay bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh còn gặp một số khó khăn do ảnh hưởng của bão số 3, do đó kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ khắc phục hậu quả mưa bão để nhanh chóng ổn định tình hình, khôi phục sản xuất.

Đứng thứ 2 cả nước về tăng trưởng GRDP là tỉnh Thanh Hóa, với tốc độ 12,46%. Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết hoạt động thu ngân sách, thu hút vốn FDI và tình hình thành lập doanh nghiệp (DN) mới của địa phương đều đạt kết quả khả quan. Giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đạt 66,6% kế hoạch Thủ tướng giao. "Tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, thể chế với tinh thần vướng ở đâu gỡ ở đó, vướng cái gì gỡ cái đó, đúng pháp luật nhưng phù hợp với thực tiễn, nhanh, hiệu quả" - ông Tuấn khẳng định.

Các đại biểu đều đánh giá cao Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã tích cực hỗ trợ người dân, DN ứng phó, phòng chống và khắc phục hậu quả của bão số 3. Trong đó, đã huy động được 3.400 tỉ đồng cùng nhiều vật tư, nhu yếu phẩm; Chính phủ cấp 432,6 tấn gạo hỗ trợ người dân; các bộ, ngành, địa phương đang tập trung thực hiện các biện pháp hỗ trợ...

Tạo đột phá giải ngân vốn công

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP năm 2024 khoảng trên 7%, tăng trưởng quý IV/2024 từ 7,5%-8%.

Thủ tướng cũng yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; không điều hành "giật cục". Ngân hàng Nhà nước giữ ổn định tỉ giá, phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tăng tiếp cận vốn tín dụng, tập trung cho lĩnh vực ưu tiên, phấn đấu tăng tín dụng cả năm khoảng 15%, kiểm soát rủi ro nợ xấu. Bộ Tài chính được giao khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phát hành thêm 100.000 tỉ đồng đầu tư cho các công trình hạ tầng chiến lược quốc gia.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh, tạo đột phá giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy mạnh mẽ 3 chương trình mục tiêu quốc gia, phấn đấu đạt tỉ lệ giải ngân ít nhất 95%. "Đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia; hệ thống đường bộ cao tốc; chuẩn bị đầu tư các dự án đường sắt quan trọng. "Cần xử lý dứt điểm các vấn đề, dự án tồn đọng, kéo dài; các ngân hàng yếu kém; các dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức" - người đứng đầu Chính phủ lưu ý.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới như kinh tế vùng, liên kết vùng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, công nghệ cao... Cùng với đó, cần quan tâm thúc đẩy hoàn thiện thể chế, pháp luật; tháo gỡ vướng mắc pháp lý, cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh.

Thủ tướng nhấn mạnh cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ theo yêu cầu của Hội nghị Trung ương 10 với quan điểm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". "Không có lý do gì mà chúng ta không phân cấp, phân quyền; không có lý do gì mà không xóa bỏ cơ chế xin - cho. Việc thực hiện có thể có vướng mắc, xuất hiện các mâu thuẫn thì chúng ta tiếp tục giải quyết" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương không để thiếu lương thực, thực phẩm, điện, xăng dầu, nước, thuốc, vật tư y tế, các vật tư đầu vào cho sản xuất - kinh doanh và đời sống nhân dân; sớm hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở với các hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai; triển khai gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội...

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Ảnh: NHẬT BẮC

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Ảnh: NHẬT BẮC

"Hạ nhiệt" giá nhà ở tại những thành phố lớn

Tại cuộc họp báo diễn ra chiều cùng ngày, báo chí đã đặt vấn đề giá nhà ở các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội và TP HCM đang tăng rất cao, có dấu hiệu "ảo". Bộ Xây dựng có giải pháp nào để đưa bất động sản về đúng giá trị, tránh "bong bóng" và để những người có nhu cầu thực có thể mua được nhà?

Ông Nguyễn Việt Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng có 3 nguyên nhân chính dẫn đến giá bất động sản tăng đột biến trong thời gian qua. Thứ nhất, là do nhu cầu lớn hơn nguồn cung quá nhiều; thứ hai là có tình trạng đẩy giá, thổi giá, đấu giá đất cao rồi bỏ cọc như báo chí phản ánh thời gian qua và thứ ba là do chi phí đầu tư, đầu vào của bất động sản tăng cao.

Đối với hành vi thổi giá, thao túng thị trường bất động sản, ông Nguyễn Việt Hùng cho biết Bộ Luật Hình sự, Luật Cạnh tranh, Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản đã có quy định rất rõ ràng. Trong đó, Luật Kinh doanh bất động sản cấm hành vi thao túng thị trường, đẩy giá, thổi giá với những quy định rõ ràng, mạnh mẽ. Bên cạnh đó, vừa qua, Thủ tướng đã có công điện chỉ đạo các bộ ngành, địa phương kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất.

Để "hạ nhiệt" giá nhà ở các thành phố lớn, Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng cho biết Bộ Xây dựng đã kiến nghị các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường thanh - kiểm tra việc thực thi các quy định liên quan các dự án, chủ đầu tư, đơn vị môi giới có hiện tượng thổi giá, trục lợi, xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Bộ Xây dựng cũng đề nghị địa phương đẩy mạnh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư, giải phóng mặt bằng, xác định tiền sử dụng đất... nhằm bảo đảm nguồn cung cho thị trường, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM.

Bộ Xây dựng đã kiến nghị Chính phủ giao cơ quan này phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, thí điểm mô hình "Trung tâm giao dịch bất động sản và giao dịch quyền sử dụng đất do nhà nước quản lý" nhằm hạn chế rủi ro về giá và pháp lý cho người mua. Cùng với đó, kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu chính sách thu thuế phù hợp nhằm hạn chế tình trạng nhà, đất đã được mua - bán nhưng bỏ hoang, không sử dụng, gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Bộ Xây dựng cũng kiến nghị các địa phương thường xuyên công bố, công khai thông tin về thị trường bất động sản; các chương trình, kế hoạch phát triển khu đô thị, nhà ở; các dự án được phê duyệt, các dự án đầu tư đáp ứng điều kiện huy động vốn theo quy định, qua đó bảo đảm minh bạch thông tin thị trường, ngăn chặn gian lận, lừa đảo trong kinh doanh bất động sản.

Biểu dương TP HCM và một số địa phương

Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương sự nỗ lực, cố gắng vượt khó của một số bộ, ngành, địa phương, nhất là Hà Nội và TP HCM đã đóng góp trên 51% tổng thu ngân sách cả nước, trong đó Hà Nội đóng góp 25,93% và TP HCM đóng góp 25,45%.

Thủ tướng biểu dương một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên cũng có sự nỗ lực lớn như Đắk Lắk, Đắk Nông; các tỉnh đạt tăng trưởng trên 10% như Bắc Giang, Hà Nam, Thanh Hóa, Khánh Hòa, đặc biệt là 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu.

MINH CHIẾN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phan-dau-tang-truong-tren-7-196241007215349662.htm