Phấn đấu tạo môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất trong nước
Sáng ngày 17/12, tại trụ sở Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
NGĂN CHẶN HIỆU QUẢ TÌNH TRẠNG BUÔN BÁN HÀNG NHẬP LẬU, HÀNG GIẢ, HÀNG GIAN LẬN THƯƠNG MAI, KÉM CHẤT LƯỢNG
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công Thương, trong năm 2024, Tổng cục QLTT đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc toàn lực lượng triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp để ngăn chặn tình trạng vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại, kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Triển khai chỉ đạo của Tổng cục QLTT, Cục QLTT ở các tỉnh, thành phố căn cứ vào tính chất địa bàn, nguồn nhân lực đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, chú trọng kiểm tra, xử lý các vấn đề nổi cộm; tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các kho tàng, bến bãi; tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động kinh doanh trên môi trường online; công tác niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết; tăng cường giám sát các cửa hàng kinh doanh xăng dầu nhằm ngăn ngừa các hành vi vi phạm. Trong đó chú trọng kiểm tra, xử lý vi phạm đối với mặt hàng vàng, xăng dầu, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng...
Năm 2024, toàn lực lượng QLTT đã thanh tra, kiểm tra 68.280 vụ; phát hiện, xử lý 47.135 vụ vi phạm; chuyển cơ quan điều tra 178 vụ có dấu hiệu tội phạm (tăng 2%). Thu nộp NSNN trên 541 tỷ đồng (tăng 8%). Trị giá hàng hóa vi phạm 425 tỷ đồng.
Một trong những điểm nhấn trong hoạt động kiểm tra kiểm soát của lực lượng QLTT trong năm 2024 được thể hiện qua việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trên môi trường TMĐT. Theo đó, tiếp tục triển khai Đề án 319 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tổng cục QLTT đã chỉ đạo thành lập Tổ TMĐT tại 64 đơn vị nghiệp vụ tại các địa phương nhằm chủ động nắm bắt tình hình, tiếp nhận thông tin cũng như thực hiện các biện pháp nghiệp vụ liên quan đến các vụ việc về thương mại điện tử. Theo đó, trong năm 2024, Lực lượng QLTT đã phát hiện, xử lý 3.124 vụ vi phạm (tăng 266 % so với năm 2023), chuyển cơ quan điều tra 04 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 48 tỷ đồng (tăng 220 % so với năm 2023); trị giá hàng hóa vi phạm trên 34 tỷ đồng (tăng 440 % so với năm 2023).
Bên cạnh lĩnh vực thương mại điện tử, lĩnh vực hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tiếp tục đạt được những thành quả nhất định. Theo đó, trong năm 2024, toàn lực lượng QLTT đã phát hiện, xử lý 5.430 vụ vi phạm đối với lĩnh vực này, chuyển cơ quan điều tra 102 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 76 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 38 tỷ đồng.
Một số vụ việc nổi bật như: Kiểm tra Công ty Cổ phần Dược phẩm Boston Việt Nam tại tỉnh Bình Dương; phát hiện công ty sản xuất hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là thuốc chữa bệnh, trị giá 4,6 tỷ đồng; Hay vụ chuyển Cơ quan điều tra khởi tố 6 đối tượng trong đường dây sản xuất, mua bán nước giặt giả quy mô lớn tại Hà Nội; tại TP.HCM, lực lượng QLTT đã kiểm tra điểm chứa trữ, kinh doanh hàng hóa tại Quận 12, phát hiện trên 24.000 sản phẩm nước hoa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng ước tính trị giá hơn 1 tỷ đồng. Tại Bắc Ninh, lực lượng QLTT đã triệt xóa cơ sở sản xuất gạo ST25 giả mạo bao bì nhãn hàng hóa "Gạo Ông Cua" trên địa bàn huyện Tiên Du, thu giữ hơn 4 tấn hàng hóa vi phạm. Tại Quảng Ninh, lực lượng QLTT đã kiểm tra, phát hiện 11.200 chiếc bugi xe máy giả mạo nhãn hiệu NGK đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Đối với một số lĩnh vực khác như an toàn thực phẩm, lượng lượng QLTT đã phát hiện, xử lý 9.074 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 57,9 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu trên 62 tỷ đồng. Đối với mặt hàng vàng, lực lượng QLTT đã phát hiện, xử lý 953 vụ, chuyển cơ quan điều tra 01 vụ; xử phạt vi phạm hành chính 23,3 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 29 tỷ đồng. Đối với mặt hàng đường cát: phát hiện, xử lý 113 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 2,9 tỷ đồng, số lượng hàng hóa tạm giữ, tịch thu, tiêu hủy gần 400 tấn đường các loại. Đối với mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp: phát hiện, xử lý 1.800 vụ vi phạm, chuyển cơ quan điều tra 6 vụ. xử phạt vi phạm hành chính gần 18,7 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm 10,4 tỷ đồng. Đối với mặt hàng thuốc lá điếu, thuốc lá thế hệ mới: phát hiện, xử lý 970 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 3,6 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 6,2 tỷ đồng. Đối với mặt hàng Xăng dầu: phát hiện, xử lý 406 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 12 tỷ đồng, thu giữ 2.470 lít dầu các loại trị giá 52 triệu đồng.
Đặc biệt, trong năm 2024, lực lượng QLTT đã chuyển Cơ quan điều tra 178 vụ có dấu hiệu hình sự. Đến thời điểm hiện tại, Cơ quan tố tụng đã tiến hành khởi tố 29 vụ án. Trị giá hàng hóa vi phạm chuyển giao cơ quan điều tra gần 100 tỷ đồng.
Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, Tổng cục QLTT chú trọng đến công tác truyền thông giúp người dân nhận biết và phòng ngừa.
Trong năm 2024, các kênh thông tin truyền thông của Tổng cục QLTT đã đăng tải gần 8.000 tin bài và gần 400 video, bản tin về hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường. Bên cạnh đó, Tổng cục QLTT duy trì việc sản xuất Bản tin QLTT hàng tuần nhằm tổng hợp các vụ việc nổi bật được lực lượng QLTT kiểm tra xử lý trong tuần để bạn đọc dễ dàng nắm bắt, tiếp cận. Tổng cục QLTT cũng duy trì và đẩy mạnh hoạt động Phòng trưng bày Nhận diện hàng thật - hàng giả tại 62 Tràng Tiền. Trong năm 2024, Tổng cục QLTT tổ chức thành công 04 kỳ trưng bày với các chủ đề khác nhau về Mỹ phẩm, thực phẩm, sách giáo khoa và đồ dùng học tập. Phòng trưng bày thu hút sự quan tâm của hàng trăm khách tham quan, tìm hiểu thông tin mỗi ngày và được người tiêu dùng đánh giá cao về ý nghĩa cũng như hiệu quả mang lại.
HỘI NGHỊ LỊCH SỬ, TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT 18 SẮP XẾP, TINH GỌN BỘ MÁY.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của lực lượng Quản lý thị trường, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, đây không chỉ là hội nghị tổng kết năm mà còn là hội nghị lịch sử, triển khai Nghị quyết 18 thực hiện chủ trương tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy hoạt động của các bộ, ngành, đơn vị, trong đó có lực lượng Quản lý thị trường.
Hội nghị cũng nhằm tổng kết, đánh giá và nhìn lại hiệu quả của mô hình hoạt động Tổng cục Quản lý thị trường theo ngành dọc sau hơn 6 năm hoạt động kể từ tháng 10/2018. Tổng kết không phải là kết thúc mà mở ra chương mới hoạt động, dù ở đâu, Quản lý thị trường cũng phải phát huy hiệu lực, hiệu quả, xứng đáng là lực lượng tiên phong trong công tác phòng, chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dung – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Trong năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ, lực lượng Quản lý thị trường đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong triển khai thực hiện nhiệm vụ và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên biểu dương, đánh giá cao công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường của toàn lực lượng.
Thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ, đồng chí Nguyễn Hồng Diên ghi nhận, biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng những kết quả mà Tổng cục và toàn lực lượng Quản lý thị trường đã đạt được trong 6 năm qua, đặc biệt là trong năm 2024.
Phát biểu kết luận và chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, năm 2025, tình hình kinh tế - xã hội nói chung và ngành Công Thương nói riêng được dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức. Nền kinh tế mở cùng với tốc độ gia tăng cao của thương mại điện tử (nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới) sẽ ngày càng đặt ra nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp hơn cho công tác QLTT. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng bùng phát và ngày càng tinh vi hơn. Bên cạnh đó, kinh tế nước ta đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, với việc tham gia nhiều các Hiệp định thương mại sẽ mang lại nhiều thời cơ, thuận lợi cho hoạt động ngoại thương nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề về quản lý hàng hóa nhập khẩu, nhất là hàng tạm nhập, tái xuất.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, mục tiêu chung của công tác QLTT năm tới là tập trung đấu tranh, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, phấn đấu tạo môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất trong nước.
Để thực hiện tốt mục tiêu trên và kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém thời gian qua, Bộ trưởng đề nghị toàn lực lượng tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, thực hiện thắng lợi, toàn diện các nhiệm vụ năm 2025 được giao, thông qua các nhiệm vụ:
Một là, tiếp tục quán triệt thật sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ (qua các Nghị định, Thông tư, Chỉ thị, Công điện…), cùng với khuyến nghị của các Bộ, ngành liên quan và chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương để thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Quản lý thị trường, tạo môi trường lành mạnh cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Lực lượng Quản lý thị trường cần tiếp tục chủ động, tích cực tham mưu cho Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương ban hành mới (hoặc sửa đổi, bổ sung) các quy định, cơ chế chính sách bảo đảm đồng bộ, khả thi nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của toàn lực lượng.
Hai là, tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm kịp thời phát hiện và xử lý thật nghiêm các sai phạm, nhất là những sai phạm có tính phổ biến trong sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chú trọng kiểm tra, xử lý các sai phạm trong các ngành hàng thiết yếu như: xăng dầu, phân bón; các loại thực phẩm, đồ uống, thuốc lá (nhất là thuốc lá thế hệ mới); thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, hàng thời trang, hàng điện tử...
Trong bối cảnh mới, cả nước đang tích cực và khẩn trương thực hiện Nghị quyết 18, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đặc biệt nhấn mạnh tinh thần, không có khoảng trống, không bị đứt đoạn trong công tác triển khai, thực thi nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thị trường của lực lượng Quản lý thị trường.
“Các đồng chí phải quyết liệt thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Công Thương. Tổng cục Quản lý thị trường vẫn phải cùng Cục Quản lý thị trường các địa phương quán triệt thực hiện nhiệm vụ cho đến khi có quy định mới" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo.
Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn với các lực lượng trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong thương mại điện tử, đặc biệt là thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết của UBTV Quốc hội về giám sát chuyên đề Thương mại điện tử và các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương trong lĩnh vực thương mại điện tử (như Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025; Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ; tăng cường công tác hậu kiểm trong quản lý hoạt động thương mại điện tử).
Ba là, tập trung chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong chỉ đạo điều hành và ý thức chấp hành pháp luật của công chức trong toàn lực lượng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm, nhất là đối với hành vi bảo kê, tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức, sự đồng thuận trong hành động và sự chia sẻ, ủng hộ của xã hội đối với các hoạt động của ngành; đồng thời, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong mọi hoạt động, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trên các mặt công tác trong toàn lực lượng.
Năm là, về sắp xếp tổ chức bộ máy của lực lượng Quản lý thị trường thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và yêu cầu, định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Chính phủ về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo kết thúc mô hình tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường và chuyển các Cục Quản lý thị trường ở địa phương về UBND các tỉnh, thành phố quản lý, kiến nghị mô hình Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở.
"Đây là là việc khó, phức tạp, nhạy cảm nhưng không thể không làm và không thể làm chậm trễ hơn. Do đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này, tôi đề nghị cấp ủy, Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường và các Cục Quản lý thị trường địa phương cần quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc chủ trương của Bộ Chính trị và yêu cầu, định hướng của Ban Chỉ đạo Chính phủ và của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần phát huy cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, quyết liệt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ này" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Bộ trưởng nêu rõ, toàn lực lượng cần làm thật tốt công tác chính trị tư tưởng, công tác cán bộ (nhất là việc bố trí, sắp xếp và thực hiện chính sách cán bộ), tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động trong toàn lực lượng và từng cơ quan, đơn vị
Trong quá trình tổ chức thực hiện việc sắp xếp, tổ chức bộ máy bên trong, Tổng cục và các Cục Quản lý thị trường địa phương phải bám sát yêu cầu, định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Ban Chỉ đạo Chính phủ và Ban Chỉ đạo của Bộ để bảo đảm chất lượng, tiến độ triển khai và chỉ tiêu sắp xếp tối thiểu được giao; đồng thời, cần lưu ý các vấn đề liên quan đến xử lý tài chính, ngân sách, tài sản công và chuyển tiếp quản lý dự án đầu tư công trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy. Bên cạnh đó, cần chủ động rà soát, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành mới hoặc sửa đổi bổ sung các quy định, cơ chế chính sách phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy mới để bảo đảm mô hình bộ máy mới phải tốt hơn mô hình cũ và phải đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, bỏ trống địa bàn phụ trách.
Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương sẽ chủ động kiến nghị với cấp có thẩm quyền, cũng như trao đổi, làm việc với các Bộ, ngành liên quan và cấp ủy, chính quyền địa phương để có chính sách cán bộ hợp lý, tạo thuận lợi cho cán bộ công chức trong lực lượng QLTT khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo mô hình mới – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ./.