Phấn đấu thành đô thị hiện đại, thông minh, giàu bản sắc văn hóa xứ Đông
Ngày 10/1, tỉnh Hải Dương công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ngày 19/12/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1639/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Quy hoạch, tỉnh Hải Dương phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, là trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, có quy mô nền kinh tế lớn trong cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; hệ thống đô thị phát triển theo hướng xanh, thông minh, hiện đại, giàu bản sắc; đạt một số tiêu chí cơ bản của TP trực thuộc Trung ương.
Đến năm 2050, Hải Dương phấn đấu đạt tiêu chí của TP trực thuộc Trung ương: Hiện đại, xanh, thông minh, an ninh, an toàn, bền vững, hội nhập quốc tế sâu rộng, giàu bản sắc văn hóa xứ Đông; là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng. Phát triển công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao phục vụ các hoạt động sản xuất trên địa bàn và toàn vùng; phát triển kinh tế nông nghiệp đa giá trị tạo sự ổn định cho nền kinh tế.
Phát biểu tại Lễ công bố, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng tỉnh Hải Dương đã khẩn trương xây dựng, hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hải Dương hội tụ nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển KTXH nhanh và bền vững, là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tạo động lực phát triển cho Hải Dương và lan tỏa cho vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Hội nghị hôm nay là sự tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ, vùng Thủ đô và tỉnh Hải Dương, nhất là Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thủ tướng cũng cho rằng đây là Diễn đàn quan trọng, là cơ hội tốt để các đối tác, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước trực tiếp đối thoại với lãnh đạo Tỉnh, để tìm hiểu, nắm bắt tư duy, tầm nhìn, không gian phát triển mới, những tiềm năng, thế mạnh, cơ hội, các dự án cụ thể của Hải Dương; đồng thời lãnh đạo các bộ, ngành TW có ý kiến, gợi mở về định hướng phát triển, các giải pháp thúc đẩy hợp tác, tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn.
Thu ngân sách hàng năm vượt 20.000 tỷ đồng. Hải Dương là một trong số các địa phương bảo đảm tự cân đối ngân sách. Hệ thống kết cấu hạ tầng, đô thị không ngừng được hoàn thiện, là 1 trong 5 tỉnh trong cả nước sớm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Các lĩnh vực xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực. Chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn được khẳng định, đứng ở vị trí tốp đầu cả nước. Hệ thống y tế được đầu tư, nâng cấp; văn hóa, thể thao và du lịch tiếp tục phát triển…
Thời gian tới, Hải Dương sẽ tập trung phát triển 5 trụ cột chính là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; dịch vụ chất lượng cao; đô thị xanh, hiện đại, thông minh; nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.
Xây dựng ba nền tảng hỗ trợ là văn hóa và con người xứ Đông - phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đời sống và môi trường văn hóa lành mạnh; môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch; kinh tế số, khoa học công nghệ, hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Bốn trục phát triển không gian gồm trục phát triển Bắc - Nam; trục phát triển theo hướng Đông Tây đi qua khu vực phía Bắc của tỉnh, trục phát Đông - Tây trung tâm tỉnh; và trục phát triển kinh tế dọc các tuyến sông.
Phát triển hệ thống đô thị của tỉnh với 28 đô thị, trong đó: 14 đô thị hiện hữu và thêm mới 14 đô thị, bao gồm:1 đô thị loại I là TP Hải Dương; 1 đô thị loại II là TP Chí Linh; 1 đô thị loại III là thị xã Kinh Môn (dự kiến thành lập TP); 7 đô thị loại IV; 18 đô thị loại V trong đó có 4 đô thị hiện hữu, 2 đô thị đã được công nhận mới, 12 đô thị nâng cấp trên cơ sở nâng cấp các xã nông thôn.
Chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị; kết nối liên xã, liên huyện; mở rộng và hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng trung tâm cấp huyện, trong đó: chú trọng đầu tư hình thành và phát triển hệ thống cung ứng, kết nối nông sản; thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thành lập mới 21 KCN khi đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn về KCN, phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có 32 KCN với tổng diện tích là 5.661ha. Ngoài ra, sẽ thành lập thêm một số KCN sau khi được điều chỉnh, bổ sung thêm chỉ tiêu sử dụng đất (nhu cầu bổ sung thêm khoảng 2.340 ha).
Đến năm 2030, toàn tỉnh dự kiến có tổng số 61 CCN với quy mô diện tích khoảng 3.210 ha (trong đó có 58 CCN đã thành lập). Dự kiến phát triển thêm 25 CCN có tiềm năng (tổng diện tích khoảng 1.600ha), được thành lập khi có đủ điều kiện theo quy định.
Trên địa bàn tỉnh có 4 khu du lịch cấp tỉnh được công nhận: Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, TP Chí Linh; Khu di tích lịch sử và thắng cảnh Phượng Hoàng, TP Chí Linh; quần thể di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, thị xã Kinh Môn; khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quần thể Đền Cao, TP Chí Linh. Trong đó từng bước đầu tư hạ tầng khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đạt tiêu chí công nhận là Khu du lịch quốc gia.