Phấn đấu thu ngân sách đạt cao hơn mức dự báo

Đến thời điểm này, trên cơ sở sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương, sự quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính, dự kiến thu ngân sách giảm khoảng 100 nghìn tỷ đồng, thấp hơn mức dự báo trước đó.

Miễn, giảm, giãn thuế … là một trong những biện pháp được Bộ Tài chính đề xuất để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Miễn, giảm, giãn thuế … là một trong những biện pháp được Bộ Tài chính đề xuất để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Báo cáo tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Bộ Tài chính dự kiến số giảm thu ngân sách năm 2020 là khoảng 190 nghìn tỷ đồng.Tuy nhiên, đến thời điểm này, trên cơ sở sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương, sự quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính, dự kiến thu ngân sách giảm khoảng 100 nghìn tỷ đồng, thấp hơn mức dự báo trước đó.

Thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách khả quan hơn

Năm 2020, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động phức tạp, khó lường; cộng với thiên tai, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách.

Trong kế hoạch, năm 2020 đặt mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,8%, thu ngân sách nhà nước (NSNN) tăng cao trong điều kiện thu NSNN năm 2019 vượt rất lớn so với dự toán (9,9% - tương đương 134.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2020, Chính phủ đã đánh giá tăng trưởng năm nay chỉ ở khoảng 2,5% - 3%. Mặc dù đây là mức thấp so với mục tiêu đề ra nhưng Việt Nam vẫn là một điểm sáng, một trong những nền kinh tế trong khu vực có có tăng trưởng kinh tế dương.

Việc thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2020 cũng là năm đặc biệt khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, thiên tai, lũ lụt, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Chúng ta một mặt phải thực hiện nhiều biện pháp miễn, giảm, giãn thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời phải tăng chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cộng với an sinh xã hội.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, đến thời điểm hiện nay, Bộ Tài chính đang rà soát, đánh giá và thấy rằng, nếu tiếp tục kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, thì kết quả hoạt động tài chính – ngân sách cũng sẽ khả quan hơn mức đã báo cáo Quốc hội.

Cụ thể, trên cơ sở kết quả làm việc với các địa phương tháng 8 - thời điểm bùng phát dịch lần 2 ở Đà Nẵng và một số địa phương, Bộ Tài chính đã báo cáo Quốc hội đánh giá thu năm nay đạt 87,5% dự toán, hụt gần 190 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh và nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các địa phương, thu NSNN đến hết tháng 11 đã đạt 83,4% dự toán (thu ngân sách trung ương đạt 77,4% dự toán và thu ngân sách địa phương đạt 91,2% dự toán).

Phấn đấu cả năm thu đạt khoảng 93 - 95% dự toán

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11, Bộ Tài chính đã báo cáo để đưa vào nghị quyết phiên họp nội dung về các giải pháp về thu NSNN trong tháng cuối năm, trên tinh thần quyết tâm phấn đấu để thu NSNN cả năm đạt khoảng 93 - 95% dự toán, trong đó tập trung vào thu ngân sách trung ương. Dự kiến, số hụt thu ngân sách cả năm ở khoảng 100.000 tỷ đồng (thấp hơn so với dự báo trước đó là 190.000 tỷ đồng).

Tại cuộc làm việc giữa Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính với Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, Hà Nội sẽ phấn đấu đạt và vượt dự toán thu ngân sách trên địa bàn. Trong cuộc làm việc với TP. Hải Phòng trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã đề nghị Hải Phòng phấn đấu đạt kế hoạch 93,3% dự toán trung ương giao, tăng trưởng kinh tế địa bàn khoảng 14%, tạo tiền đề tốt cho những năm tiếp theo có động lực để phát triển.

Thời điểm kết thúc năm không còn nhiều, nhưng cũng không phải quá ngắn, do đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã đề nghị Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan tập trung đẩy mạnh thu ngân sách. Bộ trưởng lưu ý “phải phấn đấu hoàn thành dự toán thu, đặc biệt là thu nội địa”.

Trong thời gian gần 1 tháng còn lại của năm, với quyết tâm hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách năm 2020, đặc biệt là đối với những địa phương trọng điểm thu có tiến độ đạt thấp, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách kích thích kinh tế, an sinh xã hội đã ban hành thời gian qua, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc thủ tục hành chính (thuế, đất đai…) cho người dân và doanh nghiệp; góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Đồng thời, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 90% kế hoạch vốn được giao năm 2020, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu vững chắc cho NSNN.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề nghị cần duy trì Ban Chỉ đạo chống thất thu và thu hồi nợ đọng thuế để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào ngân sách theo quy định, bao gồm cả các khoản thuế, tiền thuê đất đã hết thời gian được gia hạn nộp NSNN theo quy định của Nghị định số 41/2020/NĐ-CP và Nghị định số 109/2020/NĐ-CP của Chính phủ…

23/63 địa phương hoàn thành dự toán thu

Đến nay, đã có 23/63 địa phương hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, 31/63 địa phương đã hoàn thành dự toán thu cân đối được Thủ tướng Chính phủ giao; 33/63 địa phương có tăng trưởng thu so cùng kỳ. Tuy nhiên, đây phần lớn là các địa phương nhỏ, có số thu thấp, ít phụ thuộc vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ chịu tác động của đại dịch Covid-19.

Có 11 địa phương, trong đó có nhiều địa phương trọng điểm thu, có số thu nội địa đạt dưới 80% dự toán giao, như: Hà Nội đạt 79%, TP. Hồ Chí Minh đạt 76,8%, Vĩnh Phúc đạt 67,4%, Hải Phòng đạt 72,2%, Quảng Ngãi đạt 63,9%, Khánh Hòa đạt 64,5%, Đà Nẵng đạt 64,7%, Quảng Nam đạt 54,5%.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-12-11/phan-dau-thu-ngan-sach-dat-cao-hon-muc-du-bao-96673.aspx