Phấn đấu thu nhập bình quân của người thiểu số bằng 1/2 bình quân của cả nước

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2026-2030, Bộ Dân tộc và Tôn giáo nêu mục tiêu thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung cả nước.

Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã xây dựng xong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt là Chương trình 1719) giai đoạn 2026-2030.

Một số chỉ tiêu đáng chú ý gồm:

Thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; Cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn; 70% số xã vùng đồng dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới.

Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hàng năm thu hút 3% lao động sang làm các ngành, nghề: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Có 40% lao động người dân tộc thiểu số biết làm các ngành, nghề: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Phấn đấu có 80% số hộ nông dân người dân tộc thiểu số làm kinh tế nông - lâm nghiệp hàng hóa.

Xóa cơ bản tình trạng nhà ở tạm, dột nát. Trên 85% số xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.

Giải quyết căn bản tình trạng di cư không theo kế hoạch trong đồng bào dân tộc thiểu số. Quy hoạch sắp xếp, di dời, bố trí 100% hộ dân tộc thiểu số đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở.

Cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra trong Mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững đến năm 2030.

Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là đầu tư cho phát triển bền vững đất nước. Ảnh: Lê Anh Dũng

Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là đầu tư cho phát triển bền vững đất nước. Ảnh: Lê Anh Dũng

Để đạt các mục tiêu trên, thời gian tới, ngành Dân tộc và Tôn giáo sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Nâng cao hiệu quả và mở rộng vốn tín dụng ưu đãi đối với các dự án, hộ gia đình, cá nhân, tổ chức phát triển sản xuất, kinh doanh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bộ Dân tộc và Tôn giáo khẳng định: Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là đầu tư cho phát triển bền vững đất nước. Bởi thế, cần tích hợp chính sách đồng bộ, thống nhất, thu gọn đầu mối quản lý, phân công nhiệm vụ rõ ràng; phát huy vai trò, chức năng của cơ quan công tác dân tộc; bảo đảm và nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư; ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho địa bàn đặc biệt khó khăn, nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đặc biệt, các nội dung đề xuất thực hiện Chương trình giai đoạn 2026-2030 phải bám sát nội dung 10 dự án thành phần của Chương trình được phê duyệt tại Nghị quyết số 88/2019/QH14.

Trong đó tập trung giải quyết đồng bộ nhóm vấn đề “5 nhất” vẫn còn tính thời sự cao tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi: Điều kiện cơ sở hạ tầng khó khăn nhất; Chất lượng nhân lực thấp nhất; Kinh tế - xã hội chậm phát triển nhất; Tiếp cận dịch vụ khó khăn nhất; Tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.

Bình Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/phan-dau-thu-nhap-binh-quan-cua-nguoi-thieu-so-bang-1-2-binh-quan-cua-ca-nuoc-2386712.html