Phân định rõ định mức hao hụt bảo quản đối với gạo, thóc dự trữ quốc gia
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 19/2024/TT-BTC quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật bảo quản hàng dự trữ quốc gia và định mức hao hụt thóc, gạo dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý.
Đối tượng áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật bảo quản hàng dự trữ quốc gia và định mức hao hụt thóc, gạo dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý áp dụng đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý, bảo quản hàng dự trữ quốc gia.
Về định mức bảo quản cụ thể, Thông tư số 19/2024/TT-BTC nêu rõ, định mức hao hụt đối với gạo bảo quản kín trong thời gian bảo quản dưới 12 tháng là 0,050%; thời gian bảo quản từ 12 đến 18 tháng là 0,058%; Thời gian bảo quản trên 18 tháng là 0,066%.
Định mức hao hụt đối với thóc bảo quản đổ rời và thóc đóng bao trong điều kiện áp suất thấp từ 1 tháng đến 3 tháng là 0,3%; từ trên 3 tháng đến 6 tháng là 0,5%; từ trên 6 tháng đến 9 tháng là 0,7%; từ trên 9 tháng đến 12 là 0,9%; từ trên 12 tháng đến 18 tháng là 1,1%; từ trên 18 tháng đến 24 tháng là 1,3%; từ trên 24 tháng đến 30 tháng là 1,4%.
Định mức hao hụt đối với thóc bảo quản đổ rời và thóc đóng bao bảo quản kín bổ sung khí Nitơ duy trì nồng độ ≥ 98% từ 1 tháng đến 3 tháng là 0,3%; từ trên 3 tháng đến 6 tháng là 0,5%; từ trên 6 tháng đến 9 tháng là 0,6%; từ trên 9 tháng đến 12 tháng là 0,7%; từ trên 12 tháng đến 18 tháng là 0,8%; từ trên 18 tháng đến 24 tháng là 0,9%; từ trên 24 tháng đến 30 tháng là 1%.
Thông tư số 19/2024/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 10/5/2024. Đối với thóc nhập kho dự trữ quốc gia từ năm 2021 bảo quản đổ rời và đóng bao kín bổ sung khí nitơ duy trì nồng độ lớn hơn hoặc bằng 98% được áp dụng định mức hao hụt theo Thông tư này.