Phản đối chính phủ, vì sao người biểu tình Solomon tấn công các cơ sở của Trung Quốc?

Ngày 26/11, cuộc biểu tình chống Thủ tướng Sogavare ở Quần đảo Solomon đã bước sang ngày thứ ba. Người biểu tình đã đốt phá các tòa nhà ở thủ đô Honiara, gồm các công ty Trung Quốc, Bắc Kinh đã phản ứng mạnh mẽ

 Một nhà máy của Công ty vốn Trung Quốc bị người biểu tình phóng hỏa (Ảnh: Singtao).

Một nhà máy của Công ty vốn Trung Quốc bị người biểu tình phóng hỏa (Ảnh: Singtao).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 26/11, những người biểu tình ở Quần đảo Solomon hôm thứ Tư (24/11) đã bao vây trụ sở Quốc hội và phóng hỏa, yêu cầu Thủ tướng Manasseh Sogavare từ chức. Cuộc biểu tình dần dần trở thành bạo loạn. Những người trẻ tuổi mang gậy gộc xuống đường, cướp giật hàng hóa từ các cửa hàng và xung đột với cảnh sát. Vào đêm thứ Năm (25/11), những người biểu tình phớt lờ lệnh giới nghiêm của cảnh sát, cướp phá các cửa hàng, lửa cháy khắp nơi. Các ngân hàng, trường học, đồn cảnh sát và các công ty Trung Quốc trong thành phố đều bị đốt cháy, và cũng có tin một trong những ngôi nhà của ông Sogavare ở Lunga đã bị phóng hỏa.

Cảnh tan hoang tại một khu phố của người Trung Quốc ở thủ đô Honiara ngày 26/11 (Ảnh: AP).

Australia đã điều khoảng 100 cảnh sát và quân đội tới để bảo vệ sân bay, bến cảng của đảo quốc này. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Andrews cho biết, hôm 25/11 có 23 cảnh sát liên bang đã được Australia cử đến thủ đô Honiara và khoảng 50 người khác sẽ đến vào ngày thứ Sáu (26/11) để giúp lập lại trật tự địa phương. Bà mô tả tình hình trên Quần đảo Solomon là rất bất ổn và bạo loạn ngày càng gia tăng trong vài ngày qua.

Theo Đông Phương, nguyên nhân chính bùng phát bạo loạn ở quần đảo Solomon là do chính phủ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan vào năm 2019 và chuyển sang thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc đại lục. Ông Sogavare hôm thứ Sáu đã lên tiếng bảo vệ quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh.

Người biểu tình xông vào khu Chinatown đốt phá và cướp các cửa hiệu (Ảnh: Getty).

Ông nói: “Trong 36 giờ qua, Quần đảo Solomon, đặc biệt là thủ đô Honiara đã bị tê liệt. Thành phố của chúng ta đã bị cướp sạch, tài sản bị thiêu hủy”, nhưng ông cho biết không có ý định từ chức, nói: “Nếu tôi bị bãi chức, thì điều đó sẽ xảy ra tại Quốc hội”. Ông nói, dân chúng đã bị các thông tin sai lệch dẫn dắt, những người tham gia biểu tình, bạo loạn “đã bị một số chính khách và cá nhân lợi dụng để thúc đẩy thói tư lợi và ích kỉ của bản thân”.

Ông cũng cho rằng các cuộc biểu tình bạo động đã bị ảnh hưởng và kích động bởi các thế lực nước ngoài, tình hình đã bị ảnh hưởng do áp lực từ bên ngoài, nhưng ông không muốn nêu tên cụ thể đó là nước nào. Sogavare tuyên bố rằng ông sẽ không khuất phục trước bất kỳ ai và sẽ bảo vệ nền dân chủ. Ngoại trưởng Australia Marie Payne không đồng tình với việc cho rằng có nước khác kích động bạo loạn ở Quần đảo Solomon, đồng thời nhấn mạnh Australia không muốn nhìn thấy bạo lực và hy vọng tình hình Solomon sẽ trở lại ổn định.

Lửa khói bao phủ thủ đô Honiara (Ảnh: Getty).

Cũng theo Đông Phương, cuộc biểu tình đã nổ ra tại thủ đô Honiara của đảo quốc Solomon vào hôm thứ Tư (24/11). Những người biểu tình yêu cầu Thủ tướng Sogavare từ chức, xông vào phóng hỏa và cướp bóc ở khu Chinatown của người Trung Quốc. Lệnh giới nghiêm ở địa phương đã được áp dụng trong 36 giờ. Những người biểu tình tràn đến từ hòn đảo của tỉnh Malaita lân cận, cư dân trên hòn đảo này bất bình với việc họ bị chính quyền trung ương phớt lờ và phản đối việc chính phủ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và quay sang thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc đại lục vào năm 2019.

Một dãy phố khu Chinatown bị đốt sáng 26/11 (Ảnh: Getty).

Một số lượng lớn người biểu tình đã tụ tập bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở Honiara vào hôm 24/11. Sau đó họ đã phóng hỏa ở nhiều nơi trong thành phố. Khu Chinatown là nơi đầu tiên phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Một số lượng lớn các tòa nhà bốc cháy, các cửa hàng của thương gia Trung Quốc bị cướp và đốt phá. Cảnh sát đã bắn hơi cay để giải tán những người biểu tình, cho biết vào thời điểm đó rằng tình hình đã được kiểm soát, không có thương vong nào được báo cáo. Những người biểu tình ngày hôm sau tiếp tục xuống đường, bất chấp lệnh giới nghiêm, tấn công các nhân viên cảnh sát và cướp phá các cửa hàng ở khu Chinatown.

Dân chúng Honiara cho biết đã có mấy trăm người biểu tình xuống đường hôm 24/11 và mục tiêu chính của họ là hạ bệ thủ tướng. Trước khi Quần đảo Solomon cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, tỉnh Malaita đã có quan hệ thân thiết với Đài Loan và chính quyền địa phương này đã nhiều lần bày tỏ phản đối việc chính phủ quay lưng với Đài Loan. Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa quần đảo Solomon và Trung Quốc, tỉnh Malaita đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập vào năm ngoái, nhưng chính quyền trung ương đã phản bác, cho rằng cuộc trưng cầu này được tổ chức bất hợp pháp.

Australia đã quyết định đưa hơn 100 cảnh sát và binh sĩ tới Quần đảo Solomon hỗ trợ giữ gìn trật tự an ninh (Ảnh: TheAustralian).

Thủ tướng Sogavare mô tả cuộc bạo loạn là một sự kiện đáng buồn và đáng tiếc, nhằm lật đổ một chính phủ được bầu cử dân chủ và đe dọa pháp luật sẽ trừng phạt những người chịu trách nhiệm về vụ việc. Lãnh tụ phe đối lập, ông Matthew Wale yêu cầu ông Sogavare từ chức, nói rằng lệnh phong tỏa do cảnh sát áp đặt không thể dập tắt các cuộc bạo loạn. Đại sứ quán Trung Quốc tại Quần đảo Solomon tuyên bố rằng các cửa hàng của các thương gia Trung Quốc ở địa phương đã bị tấn công, cướp bóc và đốt phá, bị thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, đồng thời cũng nhắc nhở các công dân Trung Quốc tăng cường các biện pháp phòng ngừa an toàn.

Thủ tướng Australia Scott Morrison quyết định đưa cảnh sát và binh sĩ tới giúp Chính phủ Quần đảo Solomon (Ảnh: TheAustralian).

Theo Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc, hôm 25/11, nhiều thương gia người Trung Quốc ở Solomon đã gọi điện mô tả với báo này tình trạng thê thảm của khu Chinatown và bày tỏ muốn nhanh chóng rời khỏi nước này. Thời báo Hoàn cầu nói, ông Tổng thư ký Tổng hội người Hoa tại Solomon nói: tất cả các khu vực đều bị đốt phá, nhưng khu Chinatown bị nặng nhất, thiệt hại nghiêm trọng nhất, hầu hết mọi cửa hàng đều bị cướp, phần lớn bị đốt, nhưng người thì tạm thời an toàn, không có thông tin có người bị thương vong. Ông nói, người Hoa có thuê nhân viên an ninh, nhưng bọn cướp quá đông nên không kiểm soát được tình hình.

Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết, số cảnh sát liên bang và quân đội Australia được cử đến Quần đảo Solomon, một số đã hỗ trợ ứng phó với bạo loạn và số còn lại chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh cho các cơ sở hạ tầng quan trọng. Họ dự kiến sẽ ở lại đó trong vài tuần. Ông tuyên bố hành động này là để đáp lại yêu cầu của Thủ tướng Sogavare và nhắc lại rằng động thái lần này của Australia là nhằm mang lại sự ổn định và an ninh và Australia không có ý định can thiệp vào công việc nội bộ của Quần đảo Solomon.

Người biểu tình chống chính phủ trên đường phố Honiara (Ảnh: Guanghwa).

Tờ The Australian viết, chính phủ của Thủ tướng Scott Morison khá lo ngại về việc ủng hộ chính quyền của Sogavare vì ông này luôn chỉ trích chính phủ Australia, “nhưng nếu Australia không can thiệp thì Sogavare có thể sẽ kêu gọi Trung Quốc tới giúp đỡ”.

Về phía Trung Quốc, ngày 25/11, ông Triệu Lập Kiên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố: “Trung Quốc quan tâm sâu sắc sự phát triển của tình hình quần đảo Solomon, ủng hộ Chính phủ quần đảo chấm dứt bạo loạn. Trung Quốc bày tỏ quan ngại về việc một số công dân Trung Quốc và Công ty vốn Trung Quốc bị tấn công, đã yêu cầu Chính phủ nước này áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ an toàn của mọi công dân và Công ty Trung Quốc”. Ông nói: “Tất cả mọi mưu đồ định phá hoại quan hệ Trung Quốc – Solomon phát triển bình thường đều sẽ vô ích”.

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/phan-doi-chinh-phu-vi-sao-nguoi-bieu-tinh-solomon-tan-cong-cac-co-so-cua-trung-quoc-post152460.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_tinmoi_vt&utm_campaign=click_tinmoi