Phân đội dân quân nữ trực chiến xã Tiến Hóa (Quảng Bình): Những bông hồng thép bắn rơi máy bay Mỹ
Ngày 30/4 năm nay, cả nước long trọng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Trên khắp mọi miền Tổ quốc, từ nông thôn đến thành thị, đâu đâu cũng rợp cờ hoa, vang dội khí thế hào hùng, nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau về một giai đoạn lịch sử bất khuất của dân tộc.
Tác giả gặp gỡ, trò chuyện với O Trần Thị Hoa, thành viên Phân đội nữ dân quân xã Tiến Hóa
Trong dòng chảy thiêng liêng ấy, là người con của quê hương Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình - nơi sản sinh ra những người con gái thép đã viết nên bản anh hùng ca chói lọi bằng chính máu xương và lòng quả cảm, tôi đã tìm gặp, trao đổi với những “bông hồng thép” thuộc Phân đội nữ dân quân trực chiến xã Tiến Hóa đã từng bắn rơi máy bay Mỹ ngay tại mảnh đất quê hương.
Dưới cái “chang chang nắng lửa” của miền quê Quảng Bình, đầy nắng và gió, tôi đã gặp gỡ, trò chuyện với O Cao Thị Mỹ, 79 tuổi, thôn Cương Trung C, xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, nguyên Phân đội phó Phân đội nữ trực chiến xã Tiến Hóa, giai đoạn1967 - 1969.
O kể, tháng 6 năm 1967, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Tiến Hóa thành lập Phân đội dân quân nữ trực chiến với 10 thành viên, biên chế thành hai khẩu đội với súng 12 ly 7, cử O Nguyễn Thị Hội làm Phân đội trưởng, Cao Thị Mỹ làm Phân đội phó. O Trần Thị Hoa làm Khẩu đội trưởng khẩu đội 1, O Nguyễn Thị Phép làm Khẩu đội trưởng khẩu đội 2 và 6 pháo thủ, gồm các O: Phạm Thị Phúc, Lê Thị Trừ, Trần Thị Duận, Trần Thị Đang, Nguyễn Thị Thanh và Hoàng Thị Tiệu. Họ là những người con gái chân chất, mộc mạc, tuổi đời còn rất trẻ, với lòng yêu nước, lòng căm thù giặc Mỹ sâu sắc, đã xung phong tham gia trận địa Cồn Phủ canh giữ bầu trời quê hương. Mỗi người là một bông hồng rực cháy trong ngọn lửa chiến đấu, đạp lên sợ hãi, nhằm thẳng quân thù mà bắn.
Phân đội dân quân nữ trực chiến được đồng chí Lê Song Hào, Lương Thanh Đàm và đồng chí Tạo là những sĩ quan dày dạn kinh nghiệm của huyện đội hướng dẫn, huấn luyện sử dụng súng 12 ly 7. Chỉ hơn hai tuần huấn luyện, các chiến sĩ đã thành thạo các thao tác sử dụng súng, kỹ thuật, chiến thuật, sẵn sàng chiến đấu.
Theo O Cao Thị Mỹ, Phân đội được bố trí ở trận địa Cồn Phủ, thôn Cương Trung B bởi lúc bấy giờ, trên địa bàn xã Tiến Hóa, kẻ địch tập trung đánh phá cầu cống giao thông tuyến quốc lộ 12A (qua địa phận xã), đánh vào khu vực kho quân sự ở Hang Thâu, tàu Hải Quân (nay là cảng Lèn bảng) vào lấy hàng hóa, vũ khí ở kho quốc phòng Hang Thâu, Kho dự trữ xăng dầu Lèn Na, Hói Cương Trung,… với mức độ đánh phá ác liệt bất kể ngày đêm với đủ các loại bom, rốc két,… và nơi đây có vị trí trung tâm, chiến lược có bán kính ngắn nhất bảo vệ các mục tiêu giao thông, quân sự (Kho quốc phòng Hang Thâu - Lèn Bảng, bến bãi tàu quân sự lấy vũ khí, hang hóa,…). Ở vị trí này có Lèn Bảng là điểm cao mà máy bay Mỹ bay vào phải né tránh và lợi dụng hai tuyến hai bên Lèn Bảng để bay thấp theo sông Gianh và theo quốc lộ 12A tránh ra đa của lực lượng phòng không.
Chiến tranh ác liệt, mũi tên hòn đạn của kẻ thù luôn thường trực hòng tước đoạt mạng sống bất cứ lúc nào nhưng các O không sợ khó khăn, gian khổ, không sợ hy sinh, luôn sẵn sàng chiến đấu, bắt giặc lái Mỹ phải phải trả giá cho những tội ác mà chúng đã gây ra đối với quê hương, đất nước của mình.
Ký ức ùa về, với giọng tự hào, O Mỹ kể, trận đánh ngày 14 tháng 8 năm 1968, là một kỷ niệm đáng nhớ đối với O và cả Phân đội. Sáng hôm ấy, nhiều tốp máy bay Mỹ từ biển Đông bay vào vùng trời Tiến Hóa. Tốp đầu tiên liệng vòng quan sát rồi bay lên cao vòng về phía biển. Tốp thứ 2 bay vào liệng vòng, bổ nhào bắn rốc két vào khu vực trận địa trực chiến của Phân đội. Với tinh thần chiến đấu kiên cường, cả hai khẩu đội của Phân đội dân quân nữ trực chiến đã nhằm thẳng vào chiếc máy bay thứ 3 khi nó bay thấp bổ nhào cắt bom mà bắn. Máy bay F4H của địch trúng đạn, bốc cháy, rơi tại đồi núi ở gần đó phía sau thôn Cương Trung hiện nay trong niềm vui chiến thắng của quân và dân xã Tiến Hóa.
Trận đánh này, O bị thương ở cánh tay, phải điều trị ở trạm xá dã chiến khu B, thuộc thôn Đông Tân, xã Tiến Hóa, rồi chuyển điều trị ở bệnh viện tuyến trên. Sau một tháng rưỡi, khi sức khỏe bình phục, O trở lại đơn vị tiếp tục cùng chị em bám trụ trận địa. Ghi nhận thành tích chiến đấu anh dũng, kiên cường, bất khuất của Phân đội Gái, tháng 9/1968, O Lê Thị Bích Hội, Phân đội trưởng, vinh dự được đi báo các thành tích bắn rơi máy bay Mỹ ở Tỉnh đội và dự hội nghị cán bộ toàn tỉnh Quảng Bình.
Tiếp đó, ngày 20 tháng 10 năm 1968, máy bay địch từ biển Đông bay vào đánh phá khu vực kho tàng quân sự Lèn Bảng, nơi có tàu neo đậu chờ lấy hàng ở lạch sông Gianh. Phát huy tinh thần chiến đấu, Phân đội dân quân nữ trực chiến phối hợp với Phân đội Nam bắn rơi một chiếc máy bay F4H của giặc Mỹ rơi tại núi phía sau thôn Cương Trung. Với chiến công này, cuối tháng 10 năm 1968, một lần nữa, O Nguyễn Thị Bích Hội lại được thay mặt chị em dự hội nghị báo cáo thành tích bắn rơi máy bay Mỹ ở Quân khu 4. O Hội còn được tặng thưởng huy hiệu ảnh Bác Hồ, được đi thăm và chụp ảnh lưu niệm tại Làng Sen quê Bác.
O Mỹ nói, với thành tích trên, cả phân đội được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Nhì, một số cán bộ chiến sĩ của Phân đội được thưởng Huân chương chiến công hạng Ba và nhiều bằng khen, giấy khen các cấp. O Hội vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng ngay tại trận địa Cồn Phủ. Những chiến công ấy là minh chứng cho ý chí và lòng trung kiên của những người phụ nữ nông thôn thời chiến.
Với O Trần Thị Hoa, 78 tuổi, thôn Tây Trúc, những kỷ niệm về Phân đội dân quân nữ trực chiến vẫn còn vẹn nguyên trong kí ức của mình. O Hoa cho biết, để thắng những “thần sấm”, “con ma” của giặc, chị em chúng tôi không chỉ có tinh thần thép, ý chí sắt đá trong chiến đấu mà còn được huấn luyện rất bài bản. Chúng tôi được các sĩ quan của huyện đội trực tiếp cầm tay chỉ từng thao tác, từ lắp ráp đến bắn thử, từ lý thuyết và thực hành rất kỹ càng. Ngoài ra, sự hỗ trợ từ Hợp tác xã nông nghiệp, Hợp tác xã mua bán và chính quyền địa phương đã giúp các chị em chúng tôi yên tâm chiến đấu.
Hợp tác xã nông nghiệp cấp mỗi chiến sĩ 12kg thóc và ngô, thuốc men sơ cứu và tính công điểm để chia thực phẩm theo vụ. Hợp tác xã mua bán cung cấp nhu yếu phẩm: ni lông, xoong nồi, nước mắm, ruốc. Huyện đội trợ cấp mỗi chiến sĩ 21 đồng mỗi tháng. Dù còn nhiều thiếu thốn, khó khăn nhưng tình làng nghĩa xóm, sự tiếp sức từ nhân dân là hậu phương lớn lao để các nữ chiến sĩ Phân đội yên tâm ngày đêm trực chiến canh những “thần sấm”, “con ma” để bảo vệ quê hương.
Đến giai đoạn 1971 - 1973, Phân đội nữ bám trụ ở năm trận địa xung yếu: Cầu Sắt (Chợ Cuồi), Hang Thâu, tàu Hải Quân, Kho xăng dầu (thôn Bàu 3), Cây Thị. O Lê Thị Hồng Nhị, nguyên cán bộ Phòng thông tin huyện, sau khi được huấn luyện 12 ly 7 đã về tham gia Phân đội, kể lại.
O Lê Thị Hồng Nhị, 73 tuổi, thôn Bàu 3, xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, nguyên cán bộ Phòng thông tin huyện Tuyên Hóa từ tháng 9 năm 1968 đến tháng 2 năm 197. O từng tham gia lực lượng thanh niên xung phong từ năm 1967 đến năm 1968 tại chiến trường B, binh trạm 18 miền Tây Quảng Trị đoàn 559.
Tháng 3 năm 1971, khi đang làm nhiệm vụ tại Phòng thông tin huyện Tuyên Hóa thì O nhận được lệnh điều động tập huấn 12 ly 7 ở huyện đội. Huấn luyện xong, O được phân công về Phân đội dân quân nữ trực chiến xã Tiến Hóa. Phân đội giai đoạn 1971 - 1973 có 12 thành viên do O Trần Hiền làm Phân đội trưởng. O và O Nguyễn Thị Lữu làm khẩu đội trưởng. Các O: Cao Thị Diên, Nguyễn Thị Hóa, Nguyễn Thị Lý (B) làm xạ thủ 1. Xạ thủ 2 có O: Nguyễn Thị Lý (A), Lê Thị Lý và Nguyễn Thị Tuyết. Xạ thủ 3, gồm O: Hồ Thị Đề và Nguyễn Thị Thơ.
Kỉ niệm mà O Nhị nhớ nhất đó là trận đánh diễn ra ngày 14 tháng 4 năm 1972. Lúc ấy, trên bầu trời Tiến Hóa bất chợt xuất hiện 12 chiếc máy bay từ biển Đông ập vào oanh tạc dữ dội kho gạo, kho muối quốc gia. Trong tiếng gầm rú vang dội của máy bay phản lực, tiếng bom rơi, đạn xé, Phân đội với khẩu hiệu: “Chúng ta không sợ hy sinh gian khổ, quyết chiến đấu bắn rơi máy bay giặc, bảo vệ mục tiêu” đã phối hợp cùng các lực lượng khác, bắn rơi một chiếc F105. Trận đánh là một minh chứng cho lòng anh dũng, chí kiên cường của chị em tôi. Chiến thắng đó đã góp phần nhỏ bé cùng toàn dân đánh thắng kẻ thù xâm lược, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Tác giả gặp gỡ, trò chuyện với O Trần Thị Hoa, thành viên Phân đội nữ dân quân xã Tiến Hóa
Còn O Hồ Thị Đề, 72 tuổi, sinh sống tại thôn Cương Trung, xã Tiến Hóa, tâm sự, O là con gái của gia đình liệt sĩ. Khi tham gia Phân đội Gái, O được phân công nhiệm vụ xạ thủ 3. Là người trẻ nhất của Phân đội nên khi mang súng lên đỉnh Lèn Bảng, O luôn được các chú, các anh trong Phân đội Nam giúp đỡ vác thay phần của mình vì chân súng 12ly 7 nặng 420 kg, còn nòng súng thì nặng 360 kg, mỗi thùng đạn chứa 100 viên đạn.
Chia sẻ thêm về việc phải đưa khẩu 12 ly 7 lên đỉnh Lèn Bảng, O Nguyễn Thị Tuyết, cho biết, Lèn Bảng có độ cao nên có vị trí quan sát rất tốt để cảnh giới báo động khi có máy bay địch bay vào, đưa súng lên Lèn Bảng nhằm nối dài tầm bắn và sẽ bắn được máy bay địch từ nhiều hướng và sẽ phối hợp tốt với các trận địa chiến đấu của dân quân các xã Văn Hóa, Cảnh Hóa, Châu Hóa, Mai Hóa và trận địa Cồn Phủ.
Việc đưa súng lên Lèn Bảng là việc làm cực kì khó khăn, nguy hiểm vì đường lên Lèn Bảng phải luồn lách các vách đá dựng đứng. Để đưa được khẩu 12 ly 7 lên đỉnh Lèn Bảng, chúng tôi phải tháo khẩu 12 ly 7 ra thành từng bộ phận, lấy dây thừng buộc lại kéo lên đỉnh Lèn Bảng theo từng bậc, người lên trước thì hỗ trợ người lên sau và sau đó lắp ráp lại. Điều đó đã làm nên chiến thắng của Phân đội trong việc bắn rơi máy bay Mỹ.
Tôi cũng đã được gặp gỡ, trò chuyện với các O: Nguyễn Thị Lửu, 73 tuổi; Nguyễn Thị Tuyết, 71 tuổi; Trần Thị Hoa, 78 tuổi, ngụ tại xã Tiến Hóa. Trò chuyện với các O, tôi nhận thấy “những bông hồng thép” của Phân đội dân quân nữ trực chiến xã Tiến Hóa đều có điểm chung đó là tình yêu nước nồng nàn, lòng quả cảm, dám dấn thân, không quản ngại khó khăn gian khổ nơi mũi tên hòn đạn, dám chấp nhận hy sinh vì quê hương, đất nước thật đáng trân quý, tự hào và là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập và noi theo.
Đất nước thống nhất. Trở về với cuộc sống đời thường, các O luôn tiên phong dẫn đầu trong mọi phong trào ở địa phương hàn gắn vết thương chiến tranh, chung tay xây dựng quê hương Tiến Hóa ngày càng giàu đẹp. Các O nay có người đã về với tiên tổ, có người cũng ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng luôn tự hào, kiêu hãnh về những năm tháng hào hùng của thời tuổi trẻ. Các O mãi mãi là những “bông hồng thép” suốt đời tỏa ngát hương thơm giữa quê hương Tiến Hóa anh hùng.
Chú Trần Ngọc Minh, nguyên Phân đội trưởng Phân đội Nam xã Tiến Hóa khi nói về những chiến công của các O Phân đội nữ dân quân, đã khẳng định: Với chiến công bắn rơi máy bay Mỹ của chị em Phân đội nữ đã phản ánh sự dũng cảm, tinh thần đoàn kết, phối kết hợp tác chiến với nhau trong chiến đấu với các đơn vị bạn rất hiệu quả. Thành tích bắn rơi 3 máy bay giặc Mỹ là chiến công lớn của Phân đội và cũng là thành tích lớn của quân và dân xã Tiến Hóa. Ngày 25 tháng 8 năm 1970, xã Tiến Hóa được nhà nước tuyên dương anh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Phân đội nữ dân quân được tặng Huân chương chiến công hạng Nhất, Huân chương chiến công hạng Nhì. Các chiến sĩ dân quân Phân đội nữ được tặng Huân chương chiến công hạng Ba và nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý khác.
Cụ Nguyễn Duy Đức, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tiến Hóa lúc bấy giờ và là người trực tiếp chỉ huy cả Phân đội Nam và Phân đội nữ dân quân, chia sẻ: Có thể nói rằng, chiến công của Phân đội nữ dân quân là biểu tượng của tinh thần yêu nước quật cường không mệt mỏi, là biểu tượng của lòng quả cảm, dám nghĩ, dám làm, dám hy sinh cuộc sống riêng tư để bảo vệ quê hương, hoàn thành sứ mệnh cao cả mà Đảng và nhà nước giao phó.
Còn đồng chí Hoàng Trọng Tài, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tiến Hóa, tự hào: Xã Tiến Hóa là địa phương giàu truyền thống cách mạng, nơi có trận địa Cồn Phủ ghi dấu những năm tháng chiến đấu anh dũng, kiên cường của Phân đội nữ dân quân nói riêng, của quân và dân xã Tiến Hóa nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tại trận địa này, những cô gái tuổi mười tám, đôi mươi đã chiến đấu bắn rơi 3 máy bay Mỹ. Chiến thắng oanh liệt của Phân đội nữ dân quân đã góp phần không nhỏ cùng với cả nước bảo vệ làng xóm quê hương, xứng đáng rạng danh truyền thống cách mạng.
Các O đã làm nên một mốc son chói ngời trong lịch sử chống chiến tranh phá hoại của xã nhà, góp phần không nhỏ vào thành tích chung của toàn huyện, toàn tỉnh và cả nước trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chiến công bắn rơi máy bay Mỹ đã gây tiếng vang lớn tới các xã lân cận, thôi thúc các đội dân quân tự vệ các xã cùng tham gia trực chiến, sẵn sàng chiến đấu khi có máy bay của kẻ địch xuất hiện.
Với những thành tích và cống hiến của Phân đội nữ dân quân xã Tiến Hóa, chính quyền địa phương đã trình các cấp có thẩm quyền ra Quyết định xếp hạng di tích lịch sử để ghi nhớ thành tích của Phân đội. Đây cũng là nguyện vọng của các mẹ, các chị nguyên là chỉ huy, chiến sĩ Phân đội nữ dân quân Tiến Hóa để lưu giữ những giá trị lịch sử tiêu biểu trên địa bàn.
Ngày 13 tháng 10 năm 2022 Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã ra Quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với Trận địa pháo phân đội nữ dân quân xã Tiến Hóa. Đây là niềm vinh dự, tự hào của phân đội nữ dân quân và chính quyền địa phương. Di tích lịch sử Trận địa pháo là nơi để giáo dục thế hệ trẻ trên địa bàn tự hào về các bà, các chị và truyền thống lịch sử của quê hương, tô thắm lòng yêu nước, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, phát triển.