Phản đối hòa đàm Taliban, cố vấn diều hâu của TT Trump bị loại ra rìa
Khi những cố vấn hàng đầu của Tổng thống Trump chuẩn bị cho cuộc họp quan trọng về tương lai Afghanistan, danh sách tham dự bất ngờ thiếu tên Cố vấn An ninh Quốc gia Bolton.
Việc Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton không có tên trong danh sách ban đầu không phải là do nhầm lẫn, theo tiết lộ của nhiều quan chức Mỹ với Washington Post.
Nổi tiếng với lập trường ủng hộ gia tăng hiện diện quân sự Mỹ trên khắp thế giới, Bolton dần trở thành lực cản đối với nỗ lực hòa đàm với Taliban nhằm kết thúc cuộc chiến dài nhất lịch sử Mỹ ở Afghanistan.
"Việc cố vấn an ninh quốc gia không tham gia vào các nỗ lực này thật kỳ quặc. Ông ấy thật sự đang gặp vấn đề lớn về sự tin tưởng", một quan chức cấp cao của chính phủ Tổng thống Donald Trump tiết lộ.
Sự vắng mặt của Bolton làm dấy lên những hoài nghi về sức ảnh hưởng của ông Bolton trong nhiều vấn đề chính sách, từ bài toán rút quân khỏi Afghanistan, đến tham vọng đạt thỏa thuận hạt nhân với Triều Tiên và triển vọng tiếp cận Tổng thống Iran Hassan Rouhani.
Theo tiết lộ của nhiều quan chức Mỹ, ông Bolton đứng ở phe phản đối các nỗ lực này và ngày càng bị đẩy ra rìa trong các tranh luận.
Rạn nứt với các cộng sự
Vào giai đoạn đỉnh cao ảnh hưởng của Bolton ở Washington, ông giành được sự tín nhiệm của Tổng thống Trump bằng bản năng hung hăng trong những vấn đề an ninh. Ông cũng vượt mặt nhiều thành viên nội các vốn ít kinh nghiệm hơn trong những vấn đề mang tính liên bộ. Tuy nhiên, kiểu quản trị bàn tay sắt và thế giới quan hiếu chiến của Bolton khiến quan hệ giữa ông và nhiều đồng nghiệp rạn nứt.
Một trong những cuộc đối đầu xảy ra gần đây liên quan đến Afghanistan. Cố vấn Bolton đề nghị được cung cấp bản dự thảo thỏa thuận hòa bình Mỹ muốn ký với Taliban. Trưởng phái đoàn đàm phán Zalmay Khalilzad không chấp nhận.
Ông nói Bolton có thể đọc bản dự thảo khi có một quan chức cấp cao khác góp mặt, nhưng không được giữ một bản sao cho riêng mình. Vụ việc khiến Bolton giận dữ, trong khi có người nói bản dự thảo cuối cùng cũng được gửi cho nhân viên trong Hội đồng An ninh Quốc gia.
"Đây là ví dụ rõ nhất cho thấy vị cố vấn an ninh quốc gia đang bị cho ra rìa. Điểm khác biệt của lần này với các cuộc đấu đá nội bộ trước là ông Bolton đã tự đặt mình vào vị trí chống lại một chính sách mà rõ ràng tổng thống đang ủng hộ", Tom Wright, chuyên gia an ninh quốc tế tại Viện Brookings, cho biết.
Tổng thống Trump ngày 29/8 khẳng định ông đang lên kế hoạch giảm số quân đóng tại Afghanistan xuống còn 8.600 người, sau đó tùy vào tình hình sẽ quyết định bước đi kế tiếp là gì. Dù Bolton không có vấn đề gì với tiến trình rút quân, ông lại phản đối gay gắt thỏa thuận hòa bình với Taliban mà Khalilzad đang theo đuổi.
Theo dự thảo, Mỹ chấp nhận rút một phần quân đội với điều kiện Taliban cắt quan hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda, đồng thời ngăn tổ chức này tuyển mộ, vận động quỹ và huấn luyện chiến binh.
Các quan chức Mỹ cũng kỳ vọng thỏa thuận này sẽ thúc đẩy đàm phán giữa Taliban và chính phủ Afghanistan, hướng đến một lệnh ngừng bắn cho phép Mỹ và NATO rút quân toàn bộ vào cuối năm 2020. Những câu hỏi gai góc về duy trì hiện diện nguồn lực chống khủng bố của Mỹ tại khu vực vẫn chưa tìm ra lời giải. Khalilzad tiếp tục đàm phán với chính quyền Kabul và Taliban trong tuần qua nhưng quyết định cuối cùng vẫn nằm ở ông Trump.
Bất đồng với tổng thống
Tình cảnh bị cô lập của John Bolton được thể hiện rõ hơn với cuộc họp cấp cao ngày 16/8. Các quan chức hàng đầu của Mỹ được triệu tập đến khu nghỉ dưỡng và sân golf của ông Trump tại New Jersey để đánh giá thỏa thuận hòa bình sẽ gửi cho chính quyền Afghanistan và phe Taliban.
Các quan chức đến dự họp có Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford, Phó tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Mike Pompeo, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) Gina Haspel và trưởng đoàn đàm phán Khalilzad. Chỉ có Bolton là không nằm trong danh sách khách mời ban đầu. Đội ngũ của ông Trump lo ngại cố vấn an ninh quốc gia sẽ phản đối thỏa thuận hòa bình, sau đó cho đội ngũ của mình rò rỉ thỏa thuận tạo dư luận bất lợi.
Một quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ tiết lộ đội ngũ của ông Bolton nổi tiếng với chiến thuật rò rỉ thông tin mật khi tranh luận thua.
Cuối cùng thì Bolton cũng xin được một ghế trong cuộc họp sau khi phàn nàn với quyền Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney. Khi đến New Jersey, vị cố vấn "diều hâu" lại tranh cãi với Tổng thống Trump về những lựa chọn chính sách cho Afghanistan. Ông cho rằng Mỹ không thể tin tưởng Taliban giữ đúng lời hứa.
Những bất đồng giữa Bolton và Tổng thống Trump không dừng lại ở vấn đề Afghanistan. Nhà lãnh đạo Mỹ đã bày tỏ ý định gặp người đồng cấp Iran Hassan Rouhani. Ông cũng muốn chấm dứt những tham vọng thay đổi chế độ ở Tehran và tìm cách thuyết phục những nước khác bảo trợ uy tín cho nền kinh tế đang gặp khủng hoảng của Iran.
Trong khi đó, ông Bolton suốt nhiều năm qua luôn theo đuổi mục tiêu thay đổi chế độ ở Iran. Ông cũng ủng hộ áp đặt thêm lệnh trừng phạt bất chấp gia tăng rủi ro nổ ra xung đột quân sự giữa hai nước.
Trong vấn đề Triều Tiên, Tổng thống Trump nỗ lực thúc đẩy đàm phán thỏa thuận hạt nhân đến mức sẵn sàng ngó lơ các vụ thử tên lửa vừa qua của nước này. Ở chiều ngược lại, Cố vấn Bolton lại công khai chỉ trích các vụ thử tên lửa, nhấn mạnh những hoạt động này vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Quan điểm cứng rắn này khiến ông Trump loại Bolton ra khỏi nhiều cuộc họp quan trọng giữa Mỹ và Triều Tiên.
Dù sức ảnh hưởng của vị cố vấn diều hâu lúc lên lúc xuống, ông vẫn có những khoảnh khắc tạo ra dấu ấn chính sách đáng kể. Điển hình là lần Tổng thống Trump đổi ý vào phút chót, không chấp nhận một thỏa thuận hạt nhân mới với Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh tháng 2 ở Việt Nam. Các quan chức Mỹ tiết lộ Bolton đã phản đối kịch liệt đề xuất phi hạt nhân hóa từng phần mà phía Triều Tiên đề xuất.
Tổng thống Trump dự kiến ra quyết định cuối cùng về hòa đàm với Taliban và tương lai Afghanistan trong vài ngày tới. Ông muốn hoàn thành lời hứa kết thúc "cuộc chiến vô tận" ở Trung Á mà ông đã cam kết với cử tri. Quá trình đi đến quyết định này sẽ là phép thử cho mối quan hệ giữa ông và vị cố vấn an ninh quốc gia.
"Bolton thường nói ông là người ủng hộ tổng thống và công việc của ông là thực thi tầm nhìn của tổng thống. Trong một thời gian dài, hai người đó khá hợp nhau. Giờ thì họ bắt đầu xa cách", Tom Wright nhận định.