Phấn khởi đầu năm

Xuân Giáp Thìn năm 2024 vừa kết thúc, cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đón xuân trong không khí vui tươi, đầm ấm, an toàn, tiết kiệm. Trong mùa xuân mới 2024, huyện Kế Sách đã thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội để mọi người được hưởng cái Tết đủ đầy, đặc biệt là tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn huyện được giữ vững trước, trong và sau tết Nguyên đán.

Tổ chức họp mặt các đồng chí cán bộ hưu trí đã trở thành thông lệ hằng năm để lãnh đạo, cán bộ huyện Kế Sách (Sóc Trăng) tiếp thu các kiến nghị, đề xuất, vận dụng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: THÚY LIỄU

Tổ chức họp mặt các đồng chí cán bộ hưu trí đã trở thành thông lệ hằng năm để lãnh đạo, cán bộ huyện Kế Sách (Sóc Trăng) tiếp thu các kiến nghị, đề xuất, vận dụng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: THÚY LIỄU

Theo đồng chí Lê Hoàng Phong - Phó Chủ tịch UBND huyện Kế Sách, trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, huyện đã đảm bảo tốt lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trên địa bàn, do đó không có sự biến động mạnh, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Bảo vệ người tiêu dùng, ngay từ đầu năm 2024, huyện đã thành lập đoàn kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiểm tra việc niêm yết giá, kê khai giá và bán theo giá niêm yết... Qua kiểm tra, các tổ chức và hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện đều thực hiện tốt việc chấp hành các quy định của ngành chuyên môn về tiêu chuẩn hàng hóa được bán ra thị trường. Giá bán các mặt hàng có tăng nhẹ trong dịp Tết và so với cùng kỳ năm 2023.

Nhằm tạo diện mạo mới cho huyện trong dịp Tết, huyện cũng đã trang hoàng các tuyến đường tại trung tâm huyện, bằng cách lắp đặt đèn trang trí; treo các băng rôn, pano và lập lại trật tự, mỹ quan đô thị. Đồng thời vận động hộ dân, các đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh... sơn mới nhà cửa, trụ sở làm việc, dọn dẹp vệ sinh xung quanh mặt tiền, khuôn viên để đón Tết.

“Về công tác chăm lo các đối tượng chính sách, xã hội hưởng được cái Tết sung túc, đủ đầy, UBND huyện đã huy động hơn 14 tỷ đồng để trao tặng và hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có điều kiện ăn Tết. Huyện ủy - UBND huyện đã thành lập các đoàn đi thăm viếng, tặng quà cho các đồng chí là cán bộ lão thành cách mạng, các thương bệnh binh, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người có công với cách mạng, gia đình thuộc đối tượng chính sách. Cùng với đó, huyện đã tổ chức Lễ viếng Nghĩa trang liệt sĩ huyện và tổ chức họp mặt cán bộ hưu trí. Để đón chào tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, huyện đã tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao mừng Đảng, mừng xuân. Tổ chức trưng bày, triển lãm hiện vật truyền thống và hình ảnh kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương; tổ chức Hội báo xuân…”, đồng chí Cao Minh Thơm - Phó Chủ tịch UBND huyện Kế Sách thông tin.

Cũng theo lãnh đạo UBND huyện Kế Sách, để đảm bảo việc khám, chữa bệnh cho người dân trong dịp tết Nguyên đán 2024 vừa qua, huyện chỉ đạo các đơn vị chuyên môn chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, vật tư và các phương tiện và sẵn sàng ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra. Chuẩn bị tốt các phương án cho việc cấp cứu, khám, chữa bệnh cho nhân dân trong dịp Tết, bảo đảm tất cả người bệnh và người cấp cứu đều được khám và điều trị kịp thời. Về công tác đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, Công an huyện đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa kết hợp tấn công trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội. Qua đó, tình hình trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn huyện trước, trong và sau Tết luôn được đảm bảo.

Trong những ngày vui xuân đón Tết, huyện luôn quan tâm, theo dõi và chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tập trung chăm sóc và bảo vệ cây trồng, vật nuôi trước, trong và sau Tết, không để dịch bệnh phát sinh gây hại đến sản xuất, nuôi trồng của nông dân, đặc biệt là bảo vệ tốt vụ lúa Đông - Xuân muộn năm 2024 (đã xuống giống 9.274ha). Huyện chỉ đạo các địa phương, ngành chuyên môn theo dõi chặt chẽ tình hình xâm nhập mặn và thực hiện các giải pháp ứng phó mặn bằng biện pháp công trình và phi công trình và chủ động ngăn mặn kịp thời khi có mặn xảy ra, tránh làm ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi của nông dân trên địa bàn huyện…

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/huyen-ke-sach/phan-khoi-dau-nam-70616.html