Phần Lan và Thụy Điển có thể gia nhập NATO: Bước ngoặt cho an ninh châu Âu
Sau nhiều tuần căng thẳng và bế tắc, Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý bật đèn xanh để hai nước còn lại gia nhập NATO. Bước tiến này đã giúp giới chức NATO 'thở phào' và cũng là bước ngoặt cho cục diện an ninh châu Âu.
Thổ Nhĩ Kỳ đã thành công với chiến lược “mặc cả”?
Thỏa thuận vừa đạt được là một thành công với Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này rất rõ ràng. Theo thỏa thuận 3 bên này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đạt được hầu hết những điều ông đã yêu cầu Phần Lan và Thụy Điển phải đáp ứng.
Trong các điều khoản mà 2 quốc gia Bắc Âu phải nhượng bộ, phần quan trọng nhất là liên quan đến các lực lượng người Kurd. Theo thỏa thuận 3 bên, cả Phần Lan và Thụy Điển đều sẽ phải sửa đổi các điều luật trong nước theo hướng kiểm soát chặt chẽ hơn các hoạt động của đảng Công nhân người Kurd (PKK), lực lượng mà chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ xếp vào danh sách khủng bố và chống đối.
Trong nhiều thập kỷ qua, PKK chính là mối lo an ninh lớn nhất đối với mọi đời chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ bởi đây là đảng đi theo xu hướng ly khai, muốn thành lập quốc gia riêng của người Kurd trên một phần lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ. Tại Thổ Nhĩ Kỳ có đến 14 triệu người Kurd và con số này lên tới khoảng 30 triệu người nếu tính cả các lực lượng người Kurd ở miền Bắc Iraq hay miền Bắc Syria và đây được xem như một trong những sắc tộc đông dân nhất trên thế giới mà lại không có quốc gia riêng. Thổ Nhĩ Kỳ luôn xem các hoạt động của PKK là mối đe dọa an ninh quốc gia nghiêm trọng nhất trong nội bộ nước này và các xung đột giữa PKK với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã kéo dài suốt gần 4 thập kỷ qua, khiến hơn 40.000 người thiệt mạng. Ngoài PKK, trong vài năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đặc biệt lo ngại các hoạt động của lực lượng dân quân người Kurd ở miền Bắc Syria – YPG và đã từng nhiều lần tiến hành các chiến dịch quân sự ở Syria để tấn công lực lượng này.
Việc Tổng thống Erdogan ép được Phần Lan, Thụy Điển nhượng bộ trong vấn đề PKK và YPG là một thắng lợi lớn. Cũng cần nói rõ rằng, cả 2 quốc gia Bắc Âu đều xếp PKK vào danh sách khủng bố nhưng hai nước này vẫn duy trì một số chính sách mềm mỏng, tiếp nhận một số thành viên PKK. Ngoài ra, Thụy Điển còn trợ giúp khá nhiều các nhóm người Kurd ở Syria vì đây là một trong những lực lượng chính chiến đấu với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo – IS trong những năm trước. Tuy nhiên, cả Phần Lan và Thụy Điển đều đã phải chấp nhận nhượng bộ, thậm chí chấp nhận khả năng dẫn độ một số thành viên PKK về Thổ Nhĩ Kỳ xét xử.
Ngoài thắng lợi rất quan trọng này, phía Thổ Nhĩ Kỳ cũng giành thêm một số lợi thế đáng kể khác. Thực ra trong các đàm phán 3 bên giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Phần Lan, Thụy Điển thời gian qua, chính quyền Mỹ đóng vai trò rất lớn, một mặt vừa gây sức ép để Thổ Nhĩ Kỳ không đòi hỏi quá nhiều, mặt khác đưa ra một số nhân nhượng để Thổ Nhĩ Kỳ nhượng bộ.
Theo một số nguồn tin ngoại giao phương Tây, mặc dù không được ghi trong thỏa thuận 3 bên nhưng để đổi lấy việc không phản đối Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO, Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhiều khả năng được Mỹ nối lại các hợp đồng bán vũ khí, cụ thể là một hợp đồng bán máy bay chiến đấu F-16. Đây là chi tiết rất đáng chú ý bởi vào năm 2017, Mỹ đã loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình phát triển máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5, F-35 sau khi Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Do đó, việc Thổ Nhĩ Kỳ hâm nóng lại quan hệ với Mỹ và qua đó hoàn thành được các thương vụ mua vũ khí lớn cũng sẽ là một thắng lợi lớn của Ankara.
Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành tiền lệ?
Sỡ dĩ Phần Lan và Thụy Điển chấp nhận nhượng bộ Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có những nhượng bộ có nguy cơ xâm phạm đến các giá trị mang tính nguyên tắc của hai quốc gia này về nhà nước pháp quyền, về giá trị dân chủ… xuất phát từ việc Helsinki và Stockholm đang theo đuổi những mục tiêu chiến lược quan trọng nhất đối với cả 2 quốc gia này trong cả thế kỷ qua về địa chính trị.
Phần Lan đã từ bỏ chính sách trung lập duy trì hơn 7 thập kỷ từ sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2 còn Thụy Điển cũng chấm dứt chính sách không liên minh quân sự đã duy trì trong suốt 2 thế kỷ để xin gia nhập NATO. Vì thế, đây đều là những thay đổi chiến lược mang tính thời đại đối với Phần Lan, Thụy Điển nên để hoàn thành mục tiêu này, 2 quốc gia Bắc Âu chấp nhận trả giá, chấp nhận nhượng bộ.
Tuy nhiên, một lí do quan trọng khác khiến cả Phần Lan lẫn Thụy Điển đều nhượng bộ Thổ Nhĩ Kỳ, đó là vai trò quan trọng, thậm chí mang tính sống còn của Thổ Nhĩ Kỳ trong khối quân sự NATO. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên có quân đội lớn thứ 2 trong NATO, sau Mỹ, và có vị trí địa chính trị cực kỳ quan trọng, là cầu nối giữa hai châu lục Á-Âu, là cửa ngõ để kiểm soát khu vực Trung Đông, Bắc Phi, Nam Âu cũng như tuyến hàng hải độc đạo tiếp cận biển Đen.
Đó cũng là nơi Mỹ đặt một trong các căn cứ không quân lớn nhất bên ngoài lãnh thổ Mỹ (Incirlik) để kiểm soát khu vực Trung Đông. Có thể nói, không một quốc gia nào trong NATO có vị trí địa chính trị lớn như Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là lí do mà bao năm qua, dù luôn là một thành viên được coi là “ngổ ngáo” của NATO, sẵn sàng thực thi các chính sách gây tổn hại cho các đồng minh khác của NATO, như tranh chấp lãnh thổ với Hy Lạp ở Đông Địa Trung Hải, thực hiện các chiến dịch quân sự bất chấp lợi ích đồng minh ở Syria, gia tăng quan hệ quân sự mật thiết với Nga… nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn luôn được các thành viên khác trong NATO, đặc biệt là Mỹ, nhân nhượng.
Năm 2019, sau khi các căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ lên đỉnh điểm ở Đông Địa Trung Hải và Syria, tàu chiến Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn ngắm bắn tàu chiến Pháp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng đánh giá NATO “chết não” khi để mặc Thổ Nhĩ Kỳ tự tung hành động và yêu cầu NATO “xử lý” Thổ Nhĩ Kỳ nhưng tất cả đều im lặng, vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO vẫn không bị ảnh hưởng. Do đó, phải xác định rõ ràng rằng, Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên đặc biệt của NATO và có sức nặng đàm phán đặc biệt so với nhiều nước thành viên khác. Đó cũng là lí do mà chính quyền Mỹ buộc phải can dự vào các đàm phán giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Phần Lan, Thụy Điển và đến cuối cùng 2 quốc gia Bắc Âu phải chấp nhận nhượng bộ.
Trong 30 quốc gia thành viên của NATO, rất ít nước có vị thế đàm phán như Thổ Nhĩ Kỳ và Croatia chắc chắn không nằm trong số đó. Croatia vốn lo ngại về luật bầu cử tại Bosnia&Herzegovina và muốn dùng sự ủng hộ Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO như là điều kiện để gây sức ép buộc Bosnia & Herzegovina thay đổi luật bầu cử, nhưng đối với NATO, chủ đề này không quá quan trọng. Vị thế của Croatia cũng khác xa Thổ Nhĩ Kỳ nên hy vọng gây sức ép cũng rất xa vời.
Trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ có thể xem là một ngoại lệ bởi trong chừng mực nào đó, NATO cần Thổ Nhĩ Kỳ hơn là Thổ Nhĩ Kỳ cần NATO nên Thổ Nhĩ Kỳ có sức nặng đàm phán còn hầu hết các thành viên khác của NATO, đặc biệt các nước ở Đông Âu, Baltic hay Balkan hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào cái ô an ninh của NATO nên khó có thể đòi hỏi gì nhiều. Lo ngại về việc tạo ra tiền lệ, do đó, là không đáng kể.
Nguy cơ xung đột Nga-Ukraine?
Quan hệ giữa Nga với phương Tây nói chung và NATO nói riêng đã rơi xuống đáy, hai bên gần như chỉ còn một kịch bản tồi tệ nhất là xung đột quân sự trực diện. Do đó, trong cuộc họp Thượng đỉnh NATO đang diễn ra tại Madrid, khối quân sự này đã không ngần ngại chỉ đích danh Nga như là kẻ thù lớn nhất.
Trong bản “Khái niệm Chiến lược 2022” với 49 điều khoản, NATO đã nêu Nga như là “mối đe dọa trực tiếp nhất đối với an ninh và ổn định tại châu Âu” và cho rằng tham vọng lãnh thổ của Nga không chỉ dừng tại Ukraine mà còn vươn sang cả các quốc gia láng giềng khác. Ở thời điểm này, NATO xác định rất rõ rằng Nga là đối thủ lớn nhất, nghiêm trọng nhất và đang dốc toàn lực ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Điều duy nhất NATO chưa làm là can thiệp quân sự trực tiếp bởi lo ngại xung đột trực diện với Nga có thể châm ngòi cho Chiến tranh thế giới thứ 3 và chiến tranh hạt nhân hủy diệt nhân loại.
NATO vào thời điểm này không mấy e ngại các phản ứng từ phía Nga. Ngoài việc các thành viên NATO riêng lẻ, nổi bật là Mỹ và Anh, viện trợ vũ khí ồ ạt cho Ukraine, NATO cũng đã thống nhất sẽ xây dựng lực lượng quân đội phản ứng nhanh 300.000 quân, gấp hơn 7 lần con số hiện nay và nâng cấp các đơn vị đồn trú từ cấp tiểu đoàn lên lữ đoàn. NATO vẫn bảo vệ quan điểm cho rằng các hành động này là để phản ứng với hành động quân sự của Nga tại Ukraine và NATO trước sau vẫn là một khối quân sự mang tính phòng thủ.
Nga cho rằng việc NATO mở rộng biên giới, kết nạp thêm Phần Lan, Thụy Điển sẽ chỉ làm môi trường an ninh tại châu Âu thêm bất ổn và điều này chỉ càng cho thấy rõ ý định của NATO trong việc bao vây, hủy hoại nước Nga. Nhìn từ phía Nga, tất cả các hành động này của NATO chỉ minh chứng cho nhận định từ bao lâu nay, đó là NATO mới là bên đe dọa đến an ninh và các lợi ích cốt lõi của Nga.
Thực tế vào thời điểm này, niềm tin giữa hai bên đã không còn và các hành động thù địch sẽ còn tiếp diễn đến chừng nào một trong hai bên buộc phải xuống thang. Nga đã tuyên bố sẽ đáp trả các động thái mở rộng của NATO ở Bắc Âu bằng cách đưa các tên lửa đạn đạo chiến thuật có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Iskander-M tiến sát biên giới Phần Lan, Thụy Điển, bố trí các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tại Belarus. Trong không khí đối đầu toàn diện như hiện nay, hai bên đều rất ít quan tâm đến nhận thức, đánh giá của phe đối thủ và đều chấp nhận leo thang căng thẳng đến cùng. Kịch bản này có thể sẽ dẫn đến những hậu quả tàn khốc cho cả hai bên./.