'Phân lô' quá khứ, 'bán nền' tương lai!

Dưới vỏ bọc tôn vinh truyền thống, người ta đang tìm mọi cách để 'phân lô' quá khứ, 'bán nền' tương lai. Dấu ấn nhiệm kỳ không phải được xây nên từ chỉ số hạnh phúc của người dân mà đang được vẽ nên từ những công trình dự án.

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa phê duyệt 29,8 tỷ để đầu tư Dự án: Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng Trụ sở làm việc của Tỉnh ủy Thanh Hóa (giai đoạn 1967-1973)

Khi gói hỗ trợ cho người dân chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 của Chính phủ còn chưa kịp đến tay người dân thì UBND huyện Yên Định đã kịp báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa về việc xây tượng đài Bà Triệu với tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng.

Khi những chiếc ATM gạo từ thiện mùa dịch vẫn đang không ngừng chảy miết yêu thương, san sẻ thì cũng tại Thanh Hóa, UBND tỉnh này phê duyệt 29,8 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo một di tích lịch sử cách mạng xếp hạng cấp tỉnh Trụ sở làm việc của Tỉnh ủy giai đoạn 1967-1973.

Khi chưa kịp chiến thắng tụt hậu và đói nghèo thì huyện miền núi Phước Sơn tỉnh Quảng Nam cũng đã chi đến 14 tỷ đồng để xây tượng đài… chiến thắng Khâm Đức.

Điều đáng nói là cả 3 công trình trên đều sử dụng vốn ngân sách, đều đề xuất và phê duyệt đúng vào thời điểm cả nước đang gồng mình chống chọi dịch bệnh.

Lúc này không có tượng đài chiến thắng nào quan trọng bằng chiến thắng dịch bệnh, tìm sinh kế cho người dân chứ không phải tìm mọi cách để “đẽo gọt” quá khứ, “ăn mòn” tương lai.

Huyện nghèo Phước Sơn (Quảng Nam) cũng "chơi sang" khi xây tượng đài chiến thắng 14 tỷ đồng.

Không thể hiểu nổi tại sao đang phải è cổ gánh nợ 52 tỷ tiền ngân sách chi tiêu "vô tội vạ" mà UBND huyện Yên Định vẫn có thể trình bày lý do xây tượng đài bằng những ngôn từ… lãng mạn đến như vậy: “Nhiều năm trôi qua, có biết bao đổi thay lịch sử trên đất nước chúng ta nhưng những giá trị sử liệu viết về cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu và hình ảnh người con gái diễm lệ, kiên trung, bất khuất, ngồi trên đầu voi với trang phục đẹp đẽ đánh đuổi kẻ thù xâm lược vẫn còn in đậm mãi trong tâm khảm mỗi người dân, đặc biệt là phụ nữ Việt Nam…”.

Cũng không thể hiểu nổi tại sao, người ta có thể san phẳng công sở UBND xã còn rất khang trang, chi ra gần 30 tỷ đồng phục vụ dự án trùng tu, tôn tạo một di tích cấp tỉnh với lý do: “Giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ”?

Và càng không thể hiểu nổi tại sao một huyện có tỷ lệ hộ nghèo lên tới 25,61%, đang hưởng chính sách 30a của Chính phủ như Phước Sơn vẫn quyết tâm xây tượng đài hoành tráng để… “đáp ứng nguyện vọng của nhân dân”.

Khi cần người ta có thể tìm mọi cách để “vịn” vào quá khứ mà... đứng dậy như thế!

Tượng đài dẫu có uy nghi, tráng lệ cũng không thể che giấu được 52 tỷ nợ nần ăn uống, chè chén vô tội vạ.

Trước khi trùng tu di tích để giáo dục truyền thống cách mạng hãy giáo dục, “tôn tạo” để thế hệ trẻ biết tiết kiệm, chống lãng phí.

Nhân dân nào trong số 25,61% người nghèo ở huyện miền núi Phước Sơn có nguyện vọng chiêm ngưỡng tượng đài để có thể ấm áo, no cơm.

Tượng đài, di tích chưa kịp dựng lên, niềm tin đã ngã xuống một cách thê thảm như thế.

Biết bao bờ xôi ruộng mật đã nằm xuống khi những chiếc gậy Golf vung lên. Biết bao cánh rừng đã bị xẻ thịt để gỗ vào nhà quan, lũ vào nhà dân.

Hết đất đai, đường xá, cầu cống, người ta đã tính đến cơ hội để “xà xẻo” quá khứ của ông cha. Không cần đợi đến khi… phú quý, người ta cũng đã nghĩ đến chuyện… sinh lễ nghĩa.

Sau “chạy”“ăn”, giờ đây, ngôn ngữ nghệ thuật hội họa cũng đã đi vào đời sống một cách hết sức tự nhiên. Người ta tìm mọi cách để “vẽ” ra đủ thứ: vẽ công trình, vẽ dự án, vẽ quy hoạch, thậm chí vẽ cả… lịch sử.

Một quốc gia thịnh vượng cần rất nhiều công trình, dự án thế kỷ. Nhưng một đất nước hạnh phúc không nhất thiết phải dựng lên rất nhiều tượng đài bằng cách “phân lô” quá khứ để “bán nền” tương lai.

Quang Duy

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phan-lo-qua-khu-ban-nen-tuong-lai-post78712.html