Chuyên gia hiến kế bảo tồn và phát huy giá trị di tích Yên Tử

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đang đứng trước cơ hội được UNESCO công nhận trở thành Di sản thế giới liên tỉnh ở Việt Nam.

Tại Hội thảo: “Nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị di sản vùng đất Uông Bí, trong định hướng phát triển bền vững TP Uông Bí” diễn ra vào ngày 6/7, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã "hiến kế" để bảo tồn và phát huy giá trị của Khu di tích và danh thắng Yên Tử. Nhất là khi Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đang đứng trước cơ hội được UNESCO công nhận là Di sản thế giới liên tỉnh ở Việt Nam.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và TP Uông Bí trao đổi cùng các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu tại Hội thảo.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và TP Uông Bí trao đổi cùng các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu tại Hội thảo.

PGS, TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia: Cần hợp tác liên vùng, liên tỉnh để xây dựng chuỗi các sản phẩm du lịch tâm linh.

PGS, TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia

PGS, TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia

Từ góc nhìn văn hóa ta thấy, tự thân các di tích lịch sử - văn hóa không thể trở thành sản phẩm du lịch nếu thiếu các loại dịch vụ văn hóa do ngành du lịch sáng tạo ra.

Ngược lại, dù loại hình dịch vụ phong phú đến đâu mà không kết hợp dựa trên cơ sở các di sản văn hóa được bảo tồn theo đúng chuẩn mực khoa học thì ngành du lịch không thể "sản xuất" và phát triển các sản phẩm có chất lượng trí tuệ cao. Vì vậy, để phát triển du lịch tâm linh tất yếu phải xây dựng những dự án tổng hợp, liên ngành (di sản và du lịch là chủ đạo) tích hợp yêu cầu của các ngành hữu quan ở địa phương để tạo ra những sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, hấp dẫn.

Ngoài ra, hạt nhân trung tâm của các tour, tuyến, điểm du lịch tâm linh của Uông Bí là Khu di tích và danh thắng Yên Tử, một hợp phần quan trọng làm nên Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc. Do đó, việc hợp tác liên vùng, liên tỉnh để xây dựng chuỗi các sản phẩm du lịch tâm linh (cả các điểm di tích trên địa bàn ba tỉnh) để phát huy hết tiềm năng, tài nguyên của một khu di sản văn hóa thế giới trong tương lai gần là vấn đề cấp bách cần được giải quyết.

PGS, TS Trần Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam: Ưu tiên bảo tồn đa dạng sinh học ở Rừng Quốc gia Yên Tử.

PGS, TS Trần Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam

PGS, TS Trần Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam

Một số hoạt động cần ưu tiên trong bảo tồn đa dạng sinh học ở Rừng Quốc gia Yên Tử là tiếp tục rà soát, làm hồ sơ công nhận Cây di sản mới để khai thác bền vũng nhóm tài nguyên có giá trị đặc biệt này.

Loài Xích tùng (Hồng tùng, Hoàng đàn giả) trên đường Tùng do tuổi đời cây cao, do tác động của các nhân tố khí hậu... đã làm cho bộ rễ bị nhô nên khỏi mặt đất và khi hàng ngàn dấu chân người đi qua. Điều này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng cũng như sự trường tồn của cây. Vì vậy nên áp dụng kỹ thuật chăm sóc đặc biệt để phục hồi bộ rễ và thân, cành, tán lá.

Đồng thời, nhân giống hữu tính và vô tính để tạo cây con các loài cây cổ thụ, loài quý, hiếm để bảo tồn và phát triển nguồn gen; nuôi dưỡng để trồng những thế hệ kế cận cho những cây bị mục, mối do quá già cỗi... Cung cấp dịch vụ cây giống cho du khách cũng là phương thức bảo tồn nhanh và hiệu quả.

PGS, TS Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội: Cần bảo vệ các nghi thức, nghi lễ thực hành gắn với Phật giáo Trúc Lâm.

PGS, TS Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội

PGS, TS Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội

Bên cạnh các giá trị văn hóa vật thể, Khu di tích và danh thắng Yên Tử còn lưu giữ những giá trị văn hóa phi vật thể quý giá. Đó là các nghi lễ thờ cúng vua Trần, các thực hành gắn với Phật giáo Trúc Lâm. Chính điều này đã tạo cho Yên Tử trở thành một điểm hành hương nổi tiếng, không thể thiếu của các tín đồ, người dân trong nước và bạn bè quốc tế khi muốn tìm đến các không gian thiêng, những nét văn hóa đặc sắc và những giá trị lịch sử riêng có.

Bởi thế, cần bảo vệ các nghi lễ trên bằng cách tiếp tục nghiên cứu, nhận diện, tư liệu hóa các di sản lễ hội và di sản liên quan. Kết quả kiểm kê sẽ là cơ sở khẳng định giá trị của di tích, của di sản và là tiền đề để xây dựng kế hoạch tiếp theo. Mặt khác, thông qua công tác kiểm kê giúp nâng cao nhận thức và năng lực cho cộng đồng về di sản và cách thức gìn giữ, trao truyền và thực hành di sản.

TS Nguyễn Văn Anh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn: Cần có một cuộc điều tra, nghiên cứu và đánh giá tổng thể đối với hệ thống tháp tại Yên Tử.

TS Nguyễn Văn Anh (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn)

TS Nguyễn Văn Anh (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn)

Hệ thống tháp tại Yên Tử là thành tố quan trọng cấu thành di tích, danh thắng Yên Tử. Đó là minh chứng có tính xác thực cao phản ánh quá trình hình thành, phát triển của khu di tích danh thắng, lịch sử của thiền phái Trúc Lâm, sự góp mặt của các tông phái trong lịch sử tại Yên Tử.

Để bảo tồn một cách hiệu quả, gìn giữ các giá trị cốt lõi của hệ thống tháp tại Yên Tử, chúng tôi cho rằng, cần có một cuộc điều tra, nghiên cứu và đánh giá tổng thể đối với hệ thống tháp tại Yên Tử. Xây dựng bản đồ số về sự phân bố của tháp và các di tích với độ chính xác cao. Đối với những công trình hiện còn, cần định vị, xác định vị trí quy mô chính xác của nó trên bản đồ. Với những dấu vết chưa rõ ràng, trước mắt định vị tương đối vị trí, quy mô phạm vi của di tích.

TS Trần Đức Nguyên, Trưởng Khoa Di sản văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội: Cần xây dựng kế hoạch, cơ chế phối hợp giữa các địa phương trong việc quản lý quần thể di sản.

TS Trần Đức Nguyên, Trưởng Khoa Di sản văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội)

TS Trần Đức Nguyên, Trưởng Khoa Di sản văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội)

Với những thời cơ thuận lợi, cũng như thách thức đặt ra khi Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn Kiếp Bạc trở thành di sản thế giới, chúng ta cần có những dự liệu, những hành động cụ thể để chuẩn bị cho hoạt động về quản lý, bảo vệ và khai thác theo đúng những quy định quốc tế cũng như luật pháp Việt Nam, nhất là theo những định hướng phát triển bền vững mà UNESCO đặc biệt quan tâm.

Vì vậy, việc xây dựng kế hoạch, cơ chế phối hợp giữa các địa phương và các bên liên quan trong việc quản lý Quần thể di sản thế giới rất quan trọng. Có sự phân chia trách nhiệm cụ thể, phù hợp cho từng địa phương, từng đơn vị tham gia quản lý di sản. Tăng cường tham vấn, phối hợp để thống nhất chung khi bàn hành các văn bản chỉ đạo tại từng địa phương trong việc bảo tồn, phát huy giá trị cho từng điểm di sản tại các địa phương.

Bên cạnh đó cần quan tâm đầu tư xây dựng và hoàn thiện Kế hoạch quản lý di sản, rà soát tất cả các quy hoạch có liên quan trực tiếp đến khu vực di sản để điều chỉnh, thống nhất và phê duyệt phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Ngọc Anh - Thanh Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chuyen-gia-hien-ke-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-tich-yen-tu-10285043.html