Phân loại rác sinh hoạt tại nguồn: Vẫn còn khó khăn

Từ ngày 1/1/2025, phân loại chất thải rắn sinh hoạt là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình, nếu không phân loại theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, không ít địa phương vẫn gặp khó khăn trong việc triển khai, do thiếu hướng dẫn cụ thể và cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu. Đáng chú ý, nhiều người dân cho biết, họ không biết đến quy định này.

Người đi thu gom cần được trang bị các xe tương ứng, đến nơi tập kết cần nhanh chóng thực hiện phân loại. Ảnh: Lê minh.

Người đi thu gom cần được trang bị các xe tương ứng, đến nơi tập kết cần nhanh chóng thực hiện phân loại. Ảnh: Lê minh.

Bắt buộc phân loại rác tại nguồn

Theo thống kê, mỗi ngày, Việt Nam phát sinh khoảng hơn 60.000 tấn rác thải sinh hoạt, nhưng chỉ có khoảng 15% được tái chế. Điều này đặt ra những yêu cầu cấp bách về triển khai phân loại rác tại nguồn. Xuất phát từ thực tế này, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định nguyên tắc phân loại chất thải rắn sinh hoạt làm 3 loại, gồm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác.

Luật cũng quy định về việc thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt thông qua khối lượng hoặc thể tích và các quy định khác nhằm tăng cường tối đa việc tái chế và giảm tối đa chất thải rắn sinh hoạt phải xử lý và phát thải ra môi trường. Để bảo đảm tính khả thi của cơ chế này, Luật đã quy định UBND cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt với thời hạn áp dụng chậm nhất là ngày 31/12/2024.

Để Luật được triển khai trong thực tế Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Văn bản số 9368 hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Hướng dẫn này đưa ra nhận diện tối đa chủng loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân và phân loại thành 3 nhóm chất thải chính theo đúng quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường 2020. Cụ thể, nhóm 1 là chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế (gồm giấy thải, nhựa thải, kim loại thải, thủy tinh thải, vải, đồ da, đồ gỗ, cao su, thiết bị điện và điện tử thải bỏ); nhóm 2 là chất thải thực phẩm (gồm thức ăn thừa, thực phẩm quá hạn sử dụng, chất thải từ quá trình sơ chế thực phẩm) và nhóm 3 là chất thải rắn sinh hoạt khác (gồm chất thải nguy hại, chất thải cồng kềnh và chất thải khác còn lại).

Nghị định 45 ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 25/8/2022 quy định hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt, không sử dụng bao bì chứa rác theo quy định sẽ bị phạt tiền. Tuy nhiên, sau ngày 25/8/2022 chưa tiến hành xử phạt. Từ ngày 25/8/2022 đến 31/12/2024 là thời gian giúp cho người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc phân loại rác thải, làm quen với việc phân loại rác thải hàng ngày. Sau ngày 31/12/2024, hộ gia đình không thực hiện phân loại rác theo quy định và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt đúng theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng.

Nhiều người chưa biết đến quy định này

Mặc dù vậy, ghi nhận tại TP Hà Nội cho thấy, rất nhiều người dân chưa biết đến quy định này. Khi được hỏi về quy định phân loại rác, bà L.T.T (quận Cầu Giấy) thẳng thắn cho biết, chưa hề biết và cũng chưa hề được tổ dân phố phổ biến. “Tôi chưa hề biết đến quy định này, nhưng từ trước theo thói quen tôi vẫn phân loại rác thải sinh hoạt dễ phân hủy riêng, rác thải nhựa, túi nilong khó phân hủy riêng. Tuy nhiên khi đi thu gom rác tôi thấy nhân viên môi trường vẫn để chung đem ra bãi tập kết rác. Thấy việc mình phân loại rác không có ý nghĩa nên về sau tôi không phân loại rác nữa” - bà T. chia sẻ.

Trên thực tế, mặc dù đã có nhiều hội thảo, chuyên đề, văn bản hướng dẫn thực hiện phân loại rác tại nguồn, nhưng đến nay người dân vẫn chưa nắm được chủ trương, cách thức thực hiện, nhiều người dân chỉ biết là bị phạt nhưng không biết mức phạt cụ thể ra sao. Thêm vào đó, một nguyên nhân không nhỏ khiến chủ trương phân loại rác tại nguồn vẫn chưa thể đi vào đời sống, đó là do thói quen sinh hoạt của người dân. Việc thay đổi thói quen sử dụng một thùng rác duy nhất trong nhiều năm không phải là điều dễ dàng.

Đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng cho biết, việc triển khai phân loại rác tại nguồn là vấn đề khó khăn, nhiều thách thức, tại quốc gia phát triển như Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng mất hàng chục năm để có thể triển khai thành công trên toàn quốc.

Ở nước ta, lộ trình phân loại rác tại nguồn liên quan đến vấn đề đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý nên phải có thời gian và nguồn lực đầu tư. Khó khăn lớn nhất trong việc phân loại rác tại nguồn là việc đầu tư cơ sở hạ tầng, từ thu gom, vận chuyển đến xử lý. Dẫn đến thực tế, rác thải đã được phân loại nhưng sau đó vẫn đổ chung vào một chỗ, dẫn đến việc phân loại rác tại nguồn chưa bền vững.

Theo PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng, để việc phân loại rác tại nguồn đạt hiệu quả vai trò hạ tầng thu gom và xử lý rác thải là nhân tố quyết định. Tuy nhiên ngay ở các thành phố lớn hạ tầng vẫn còn thiếu nên việc phân loại rác tại nguồn khó đạt kết quả như kỳ vọng. Để người dân thực hiện phân loại, theo bà An, cần có đủ thùng rác tương ứng với các loại rác thải. Người đi thu gom cần được trang bị các xe tương ứng, đến nơi tập kết cần nhanh chóng thực hiện phân loại. Bên cạnh đó, các địa phương cần lựa chọn công nghệ xử lý rác thải phù hợp, đúng với quy chuẩn.

Còn theo TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, quy định phân loại rác tại nguồn có đạt hiệu quả hay không phụ thuộc lớn vào cấp cơ sở. Trong đó, chính quyền các cấp phải triển khai đồng bộ từ phân loại tại nguồn đến phân loại khi thu gom, vận chuyển, xử lý, và nhiệm vụ hàng đầu là tăng cường tuyên truyền mục đích, lợi ích của việc phân loại chất thải sinh hoạt; hướng dẫn cho cộng đồng nhận biết, phân loại đúng. Cùng với đó, việc nâng cao nhận thức để người dân, nhà quản lý, doanh nghiệp hiểu phân loại rác tại nguồn trở thành thói quen rất quan trọng và cần thiết. Công tác tuyên truyền, vận động phải được thực hiện bài bản, có chiến lược, thường xuyên và liên tục; đồng thời phải được đổi mới mạnh mẽ cả nội dung và hình thức.

Khanh Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/phan-loai-rac-sinh-hoat-tai-nguon-van-con-kho-khan-10297911.html