Phân loại rác tại nguồn đâu quá khó!
Theo Nghị định 45 năm 2022 về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác sinh hoạt, không sử dụng bao bì
Dù đã có nhiều quy định về phân loại rác cũng như chế tài xử phạt nhưng việc triển khai vẫn còn gặp nhiều khó khăn nên chưa có kết quả như mong muốn.
Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn là giải pháp quan trọng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và gia tăng hiệu quả tái chế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy phần lớn hộ gia đình thường chỉ gom rác thành một loại mà không thực hiện phân loại đúng quy định.
Đến nay, nhiều người vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc phân loại rác, coi đó là chuyện mất thời gian hoặc không cần thiết. Nhiều điểm thu gom không được trang bị đủ thùng rác chuyên dụng cho từng loại rác thải; xe thu gom không đồng bộ khiến việc phân loại tại nguồn trở nên vô nghĩa khi rác được gom chung lại. Mặt khác, dù đã có quy định và chế tài nhưng việc giám sát, xử phạt chưa được thực hiện nghiêm túc; việc tuyên truyền chưa được thực hiện đồng bộ, liên tục, dẫn đến nhiều người dân chưa thể thay đổi thói quen.
Những nguyên nhân nêu trên ai cũng nhận thấy. Vấn đề là giải pháp nào để việc phân loại rác đạt hiệu quả?
Trước hết, việc tuyên truyền cần được thực hiện liên tục và sáng tạo hơn, có thể qua mạng xã hội, báo chí hay sinh hoạt cộng đồng. Nên tổ chức các cuộc thi, phong trào về phân loại rác và khuyến khích người dân tham gia. Cần đưa nội dung giáo dục về bảo vệ môi trường và phân loại rác vào chương trình học, từ đó hình thành thói quen tốt cho thế hệ trẻ.
Chính quyền có thể khuyến khích người dân phân loại rác bằng cách triển khai các chương trình đổi quà hoặc trả tiền cho rác tái chế. Hộ gia đình phân loại rác đúng quy định nên được giảm chi phí thu gom rác hằng tháng…
Cần trang bị đủ thùng rác chuyên dụng và đồng bộ phương tiện thu gom, xử lý. Mỗi khu vực nên có đầy đủ thùng cho các loại rác tái chế, hữu cơ và rác thải nguy hại. Thùng rác cần được thiết kế bắt mắt và dễ nhận biết để khuyến khích người dân phân loại đúng cách. Xe thu gom cần phân theo từng loại rác và ấn định ngày thu gom...
Hiện nay, phương pháp xử lý rác thải sinh hoạt chủ yếu ở nước ta vẫn là chôn lấp, chiếm tới 70%-80% lượng rác. Việc chôn lấp không chỉ chiếm nhiều diện tích đất mà còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước ngầm và phát thải khí nhà kính.
Cần có giải pháp xử lý rác hiện đại, giảm thiểu tối đa việc chôn lấp. Một trong những giải pháp được nhiều nước tiên tiến áp dụng là đốt rác phát điện. Công nghệ này không chỉ giúp giảm đáng kể khối lượng rác thải mà còn tạo ra nguồn năng lượng sạch. Chính quyền nên khuyến khích đầu tư các nhà máy đốt rác phát điện hiện đại với công nghệ kiểm soát khí thải nghiêm ngặt. Có thể kêu gọi khu vực tư nhân tham gia, thông qua chính sách ưu đãi.
Với rác thải nhựa và kim loại có thể tái sử dụng, nên khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ tái chế hiện đại để gia tăng chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm. Cần hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, trong đó rác thải được xem là tài nguyên để tái sử dụng trong sản xuất.
Phân loại rác tại nguồn là việc hết sức cần thiết để góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Để việc phân loại rác trở thành thói quen trong cộng đồng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Những giải pháp về nâng cao ý thức, cải thiện cơ sở hạ tầng, tăng cường chế tài và tham khảo kinh nghiệm các nước sẽ giúp chúng ta tiến gần hơn đến mục tiêu xây dựng một môi trường xanh - sạch - đẹp trong tương lai.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phan-loai-rac-tai-nguon-dau-qua-kho-196250109203922622.htm