Phân loại rác thải tại nguồn: Sắp đến ngày phải làm
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, sang năm 2025, các gia đình bắt buộc phải phân loại rác thải tại nguồn, nếu không thực hiện mức phạt có thể lên đến 1 triệu đồng.
Theo Luật Bảo vệ môi trường, gia đình, cá nhân có trách nhiệm giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đã được phân loại đến đúng nơi quy định, thời gian thực hiện từ ngày 1/1/2025. Quy định nhằm giảm rác thải trước khi đưa ra môi trường, từ đó giảm chi phí vận chuyển, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn phát triển, làm môi trường trong lành hơn...
Tại Hải Dương, từ lâu Sở Tài nguyên và Môi trường, các đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội liên hiệp Phụ nữ, UBND cấp huyện… đã xây dựng các mô hình điểm về phân loại rác thải tại nguồn. Số hộ tham gia ngày càng tăng và lượng rác thải ra môi trường giảm.
Hải Dương hiện có khoảng 70.000 hộ thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, tăng 19.600 hộ so với cuối năm 2023, chiếm khoảng 13,3% số hộ dân trong tỉnh. Sau khi phân loại, lượng rác thải giảm khoảng 76 tấn/ngày, từ đó giảm chi phí xử lý rác, công vận chuyển, hạn chế ô nhiễm môi trường. Các huyện Nam Sách, Kim Thành… làm tốt việc phân loại rác thải tại nguồn.
Hiệu quả phân loại rác thải tại nguồn đã rõ, song đến thời điểm này một số địa phương vẫn “im hơi lặng tiếng”. Là công dân sống ở TP Hải Dương, tôi chưa nhận được thông tin, hướng dẫn của đoàn thể hay cơ quan chuyên môn thông báo việc thực hiện phân loại rác thải tại nguồn. Những người dân xung quanh khu tôi sống cũng vậy, mọi người chưa có kiến thức và chưa chuẩn bị phương tiện, dụng cụ thực hiện phân loại rác thải tại nguồn theo quy định.
Để thực hiện phân loại, mỗi gia đình phải có từ 2-3 thùng đựng rác là thùng đựng rác thải hữu cơ, rác thải có khả năng tái chế và thùng đựng các loại rác thải khác, thay vì tất cả chỉ cần đưa vào một thùng hoặc túi đựng rác như trước đây. Như vậy, nếu thực hiện phân loại rác thải tại nguồn thì công việc, dụng cụ cũng phải chuẩn bị nhiều hơn nên sẽ có gia đình, địa phương ngại thực hiện.
Công tác thu gom cũng tương tự. Xe chở rác cần có ngăn chứa từng loại rác tương ứng theo tiêu chí phân loại. Nhân viên thu rác được tập huấn nghiệp vụ, lại phải có khả năng tuyên truyền, thuyết phục, thậm chí dám từ chối nhận rác không được phân loại...
Hiệu quả của phân loại rác thải tại nguồn đã rõ, nhất là trong bối cảnh đất đai ngày càng chật hẹp, chất thải ngày càng nhiều về số lượng và số loại như hiện nay.
Chỉ còn ít ngày nữa sẽ đến thời điểm các gia đình phải thực hiện phân loại rác thải tại nguồn. Khó nhưng không phải không thực hiện được nếu có quyết tâm. Tôi còn nhớ, trước đây khi mới triển khai quy định về việc đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe máy, khá nhiều người phản đối, nhất là những người ở thành phố, đi đoạn đường ngắn. Thế nhưng, với quyết tâm thực hiện của các cấp, các địa phương, đặc biệt là xử phạt nghiêm minh người không thực hiện, nhận thức của người dân đã thay đổi, việc chấp hành đã đi vào nền nếp, người không thực hiện trở thành lạc lõng.
Để phân loại rác thải tại nguồn hiệu quả, mỗi gia đình, cá nhân cần chủ động thực hiện từ những việc rất đơn giản. Cá nhân tôi có thói quen sau khi sử dụng, chai, lọ, giấy vụn… sẽ đựng vào một túi riêng. Khi được kha khá, tôi sẽ mang ra “ngôi nhà xanh” của các đoàn thể để vào đó hoặc cho người thu mua phế liệu. Thức ăn thừa tôi cũng cho vào thùng của một người chăn nuôi đặt ở đầu khu phố. Việc này không khó và cũng không tốn nhiều thời gian. Số rác còn lại rất ít.
Các đoàn thể cần vào cuộc tuyên truyền nâng cao ý thức, hướng dẫn người dân. Các địa phương cũng chuẩn bị các phương tiện thu gom, bãi chôn lấp rác, nơi xử lý chất thải hữu cơ…
Quy định đã có, ngày thực hiện đã cận kề, mong rằng quy định sẽ sớm được triển khai thực hiện để môi trường ngày càng trong sạch hơn, áp lực xử lý rác thải sẽ giảm ở các địa phương.