Phần lớn bệnh nhân tổn thương về phổi có tiền sử hút thuốc lá

Mỗi ngày, Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh tiếp nhận không ít bệnh nhân mắc các chứng bệnh khác nhau, phần lớn trong đó đều có tiền sử hút thuốc lá lâu năm.

Cách đây 3 ngày, ông Nguyễn Hồng H. (SN 1952) ở xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh đã phải tìm đến Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh trong tình trạng khó thở, thở gấp, ngực có cảm giác đau thắt, cơ thể mệt mỏi.

Sau khi thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán cận lâm sàng, bác sỹ kết luận ông H. bị mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này, thế nhưng hút thuốc, hít phải khói thuốc lâu dài là nguyên nhân gây nguy cơ cao 80 - 90% mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính khiến ông H. ngồi thở đầy khó nhọc

Khi được hỏi về tiền sử có hút thuốc lá hay làm việc trong các môi trường độc hại, ông H. ngại ngùng: “Tôi hút thuốc lá từ cách đây hơn 50 năm, bình thường mỗi ngày tôi hút hết một gói hoặc hơn một gói thuốc lá. Tôi bị ho đã lâu, nhưng đợt này tôi thường xuyên khó thở, rất mệt mỏi vì vậy tôi mới tìm đến bệnh viện”.

Cũng như ông H., ông Nguyễn Văn T. (SN 1949), ở Can Lộc cũng đã phải “cầu cứu” Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh sau khi ho dai dẳng không dứt. Sau khi đi khám, ông phát hiện bị viêm phổi, mặc dù đã hết ho, hết sốt nhưng trên X.quang vẫn thấy xuất hiện tổn thương.

Dẫu không muốn nhưng lúc này các bác sỹ cũng phải thông báo với người nhà và bệnh nhân về việc nguy cơ ông T. bị ung thư phổi. Được biết, ông T. cũng đã hơn 50 năm hút thuốc lá, thuốc lào.

Bác sỹ Bệnh viện Phổi kiểm tra tình trạng của bệnh nhân

Đó chỉ là 2 trong rất nhiều trường hợp bệnh nhân khi đến chữa trị tại Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh có tiền sử hút thuốc lâu năm. Đa số các bệnh nhân sau khi thăm khám đều phải ở lại điều trị dài ngày tại bệnh viện. Nhiều bệnh trong số đó không thể chữa khỏi hoàn toàn, bệnh nhân chỉ có thể “sống chung với lũ”. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ hướng đến mục tiêu điều trị là giảm các triệu chứng của bệnh, đẩy lùi, làm chậm sự phát triển bệnh, cải thiện gắng sức, ngăn ngừa và điều trị biến chứng.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cứ hút mỗi điếu thuốc là tự mình làm mất đi 5,5 giây cuộc sống. Tuổi thọ trung bình của người hút thuốc lá ngắn hơn so với người không hút thuốc từ 5-8 năm. Hút thuốc lá sẽ gây ra nhiều bệnh và làm tăng tỷ lệ tử vong từ 30-80%.

Khói thuốc lá với hơn 7.000 độc chất hóa học (trong đó có hơn 70 chất gây ra ung thư) không chỉ gây độc cho cơ thể người hút mà còn ảnh hưởng tới người hút thuốc thụ động, đặc biệt là trẻ em, người già và phụ nữ. Những chất độc này đã gây ra những bệnh trên hầu hết các cơ quan của cơ thể.

Khói thuốc lá liên quan đến 90% số ca bệnh ung thư phổi, 75% số ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, 25% số ca bệnh tim do thiếu máu cục bộ. Các chất độc trong khói thuốc lá còn gây ra các bệnh lý khác như rụng tóc, đục thủy tinh thể, viêm nướu răng, ung thư miệng, viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn, xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu não, viêm loét dạ dày - tá tràng, bất lực, sinh non...

Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh Trương Hồng Lĩnh: Những người đang hút thuốc hãy bỏ thuốc vì trách nhiệm với gia đình và cộng đồng

“Tác hại của thuốc lá đã rõ, chúng tôi hy vọng rằng, những người đang hút thuốc hãy suy nghĩ bỏ thuốc vì trách nhiệm với gia đình và cộng đồng, còn những người không hút thì chủ động, mạnh dạn bày tỏ ý kiến đối với người hút thuốc trước mặt mình. Qua đó, mỗi người đã góp một phần vào việc xây dựng một thế giới trong lành không có khói thuốc độc hại, thể hiện được trách nhiệm đối với việc bảo vệ sức khỏe của nòi giống dân tộc và đối với thế hệ con cháu mai sau.

Và nếu bạn nghiện thuốc lá, đã thử nhiều lần mà vẫn không bỏ được, hãy tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế. Họ sẽ đưa ra những phương cách hữu ích để giúp bạn cai thuốc thành công. Đừng ngần ngại!.” - Bác sỹ Trương Hồng Lĩnh, Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh khuyến cáo.

Thu Hà - Nhật Quang

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/y-te/phan-lon-benh-nhan-ton-thuong-ve-phoi-co-tien-su-hut-thuoc-la/184220.htm