Phân luồng học sinh: Bài toán mang tính tổng thể
Ngày 20/12, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội thảo phân luồng học sinh sau THCS và THPT. Tham dự có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, đại diện Bộ LĐ, TB&XH, các chuyên gia giáo dục, đại diện các Sở GD&ĐT.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại Hội thảo
(GD&TĐ) - Ngày 20/12, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội thảo phân luồng học sinh sau THCS và THPT. Tham dự có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, đại diện Bộ LĐ, TB&XH, các chuyên gia giáo dục, đại diện các Sở GD&ĐT.
Công tác phân luồng chưa hiệu quả
Học viên học nghề tại Trường Cao đẳng nghề Bách khoa
Công tác phân luồng trong giáo dục có tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực phục sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời tạo cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi người phù hợp năng lực, điều kiện cụ thể của cá nhân và nhu cầu đất nước, chính vì vậy Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy việc phân luồng trong hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy nhiên trên thực tế thì vấn đề phân luồng HS sau THCS còn gặp nhiều khó khăn.
Đối với việc phần luồng HS sau THCS, theo số liệu thống kê từ các địa phương gửi về Bộ GD&ĐT, số lượng học sinh tốt nghiệp THCS năm học 2010-2011 là 1.221.000 em và năm học 2011 - 2012 là 1.153.000 em, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT tương ứng theo hai năm học này là trên 70%. Trong khi đó, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học bổ túc THPT chiếm khoảng trên 8,%.
Đối với việc phân luồng HS sau THPT: Theo thống kê trong năm học 2010 - 2011 cả nước có khoảng 185.000 học sinh tốt nghiệp THPT nhưng không vào học đại học, cao đẳng hoặc TCCN. Năm học 2011 - 2012, con số này là 290.000. Đặc biệt số học sinh bỏ học và trượt tốt nghiệp THPT khá lớn trong 2 năm qua.
Năm 2010 - 2011 có khoảng 163.000 học sinh, năm 2011 - 2012 khoảng 109.000 trượt tốt nghiệp và bỏ học giữa chừng. Nếu cộng cả số học sinh tốt nghiệp THPT chưa tiếp tục học với số học sinh bỏ học và trượt tốt nghiệp hàng năm thì con số này khoảng 350.000 học sinh. Nếu những học sinh này được học nghề từ sớm thì hiệu quả kinh tế cao hơn.
Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp: Việc phân luồng HS sau THCS và THPT còn hạn chế bắt nguồn từ những nguyên nhân như: Nhận thức của người dân, nhà trường và xã hội nói chung đối với giáo dục nghề nghiệp còn khá hạn chế; Hệ thống thông tin thị trường lao động nghèo nàn;
Công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông còn yếu kém; Quy mô và điều kiện của các cơ sở dạy nghề và TCCN chưa đáp ứng được nhu cầu phân luồng học sinh; Chương trình đào tạo trong trường TCCN và khả năng liên thông hạn chế từ TCCN lên CĐ và ĐH.
Cần giải pháp tổng thể
Để đạt được mục tiêu phân luồng học sinh đòi hỏi năng lực đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải được nâng lên
Tại Hội nghị, các đại biểu đã đưa ra những giải pháp để định hướng cho vấn đề phân luồng HS sau THCS và THPT. Vụ GDCN cho rằng để thực hiện tốt vấn đề phân luồng cần: Tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp làm thay đổi nhận thức của toàn thể xã hội;
Định hướng điều chỉnh phân luồng tỷ lệ học sinh theo các hướng giáo dục khác nhau của toàn bộ hệ thống giáo dục phù hợp với định hướng phát triển nhân lực quốc gia; Ban hành chính sách khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS để đào tạo, khuyến khích học sinh tốt nghiệp THCS vào luồng giáo dục nghề nghiệp;
Đầu tư mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Đồng thời xây dựng hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực, nhu cầu đào tạo quốc gia và cơ cấu trình độ đào tạo theo vùng miền.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: Hầu như học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học lên THPT, sau đó thi vào ĐH, CĐ. Tỷ lệ học sinh sau THCS sang học các hệ nghề nghiệp còn rất thấp, chỉ khoảng 5 – 6%, còn rất xa so với chỉ tiêu 30% mà Bộ Chính trị giao. Việc đẩy mạnh phân luồng HS sau THCS và THPT là nhiệm vụ chung của ngành GD và toàn xã hội.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, để thực hiện tốt việc phân luồng bên cạnh việc thay đổi chính sách cần thay đổi được nhận thức của cha mẹ học sinh và người học, cũng như nhận thức của các doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động.
Phát biểu tại Hội thảo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định: Thực hiện phân luồng cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, không thể chỉ mình ngành Giáo dục. Theo Bộ trưởng, đây là một bài toán mang tính tổng thể, vĩ mô.
Vì vậy cần phải có sự bàn bạc phối hợp giữa UBND tỉnh, các Bộ, ban ngành: Bộ GD&ĐT phải làm gì? Các Bộ, ngành khác phải làm gì? Các Bộ sử dụng lao động phải làm gì? Cần phải có cơ chế chính sách cụ thể về học phí, cơ chế tuyển dụng, chính sách đầu tư cho người học, các trường nghề và các doanh nghiệp tham gia đào tạo, sử dụng lao động.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Hội thảo cần tiếp tục đưa ra các giải pháp và tập hợp các ý kiến để giải quyết vấn đề phân luồng. Những vấn đề vượt thẩm quyền Bộ GD&ĐT sẽ được kiến nghị với Chính phủ.
Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN rất thấp. Năm học 2010 - 2011 số học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN là 22.087 tương ứng khoảng 1,8%; năm học 2011-2012 là 22.865 học sinh, tương ứng gần 2%.
Năm học 2010 - 2011, các địa phương thuộc Đồng bằng Bắc Bộ, Đông Nam Bộ có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS không học tiếp thấp nhất so với các vùng khác.
Đáng chú ý là các khu vực Vùng núi phía Bắc, Bắc trung bộ, tỷ lệ này có xu hướng tăng lên năm sau cao hơn năm trước. Nguyên nhân có thể do điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, mạng lưới các cơ sở GDNN chưa phát triển.