Phân luồng học sinh sau THCS
Học tiếp lên THPT hay chọn học nghề là điều phân vân của nhiều học sinh lớp 9, nhất là những em có học lực trung bình hay yếu. Để giúp học sinh có hướng đi phù hợp, các nhà trường nỗ lực trong công tác hướng nghiệp, góp phần thực hiện phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS.
Học sinh khối lớp 9 Trường THCS Xuân Trúc và Trường THCS Bắc Sơn (Ân Thi) tham quan hướng nghiệp tại Trường Cao đẳng Cơ điện và Thủy lợi
Năm học 2022-2023, Trường THCS Dị Chế (Tiên Lữ) có 110 học sinh khối lớp 9. Xác định công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, nhất là các em khối lớp 9 có vai trò quan trọng để các em có sự lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn, phù hợp với năng lực, trình độ bản thân, cũng như điều kiện gia đình, thời gian qua, nhà trường đã tích cực tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho các em học sinh bằng nhiều hình thức như: Lồng ghép thông qua các môn học trên lớp, các tiết sinh hoạt lớp; căn cứ vào khảo sát học sinh qua các đề thi thử tại trường và thành tích học tập của các em, nhà trường tư vấn, phân luồng học sinh để xây dựng kế hoạch ôn tập sát với năng lực. Cùng với đó, trong các cuộc họp phụ huynh, nhà trường cũng tư vấn, hướng nghiệp về năng lực cụ thể của từng em để phụ huynh học sinh nắm bắt được và có quyết định đúng đắn về việc lựa chọn trường học cho con em mình.
Cô giáo Phan Thị Lành, Hiệu trưởng Trường THCS Ông Đình (Khoái Châu) cho biết: Năm học 2022 – 2023, trường có 48 học sinh khối lớp 9. Trong học kỳ hai này, nhà trường đã tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho các em. Ngoài ra, để làm tốt công tác phân luồng, các trường phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh làm tốt công tác tư vấn hướng nghiệp.
Nhờ được tuyên truyền, hướng nghiệp đầy đủ nên nhiều học sinh lớp 9 đã lựa chọn không tiếp tục học THPT mà vào học tại các trường đào tạo nghề phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và lực học của bản thân. Em Lê Công Minh Hiếu, lớp 9A, Trường THCS Ông Đình cho biết: Qua nghe tư vấn, phân tích của thầy giáo, cô giáo về chương trình học ở bậc THPT và học chương trình học văn hóa kết hợp học nghề, góp ý của phụ huynh, từ đó nhìn nhận khả năng của bản thân để lựa chọn đăng ký trường học phù hợp với năng lực của mình. Năm nay, em quyết định không thi vào lớp 10 THPT mà đăng ký học văn hóa kết hợp học nghề tại Trường Cao đẳng Cơ điện và Thủy lợi.
Để công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau tốt nghiệp THCS đạt hiệu quả, học sinh lựa chọn hướng đi trong tương lai phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân, điều kiện kinh tế của gia đình và nhu cầu của xã hội, thị trường lao động, thời gian qua các trường THCS trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức giao lưu và tham quan trải nghiệm nghề nghiệp cho học sinh. Trong buổi trải nghiệm các em được nghe giới thiệu về các bậc học, ngành nghề đang đào tạo tại trường, cơ hội làm việc sau khi ra trường; tham quan và thực hành thực tế tại các xưởng thực hành, khu kí túc xá của học viên...
Bà Đào Thị Chung, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Giới thiệu việc làm, Trường Cao đẳng Cơ điện và Thủy lợi cho biết: Thời gian qua, nhà trường đã tích cực phối hợp với các trường THCS trên địa bàn làm tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp cũng như tuyển sinh. Năm học 2021-2022, nhà trường tuyển sinh gần 1.000 học sinh tốt nghiệp THCS, học sinh học văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT kết hợp học trung cấp nghề.
Thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg, ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”, tỉnh Hưng Yên ban hành Kế hoạch số 97/KH-UBND, ngày 21/8/2018 đề ra một số mục tiêu, định hướng phân luồng cụ thể. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu trên 35% số học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp hoặc phối hợp dạy văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT với đào tạo trung cấp nghề.
Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo, trong tổng số 19.667 học sinh tốt nghiệp THCS năm học 2021-2022 có 14.607 học sinh theo học tại các trường THPT công lập và ngoài công lập, chiếm 74,2%; 4.142 học sinh học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hoặc các trường nghề, chiếm trên 21%. Việc triển khai thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau THCS đã góp phần thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành, người dân và học sinh trong việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với khả năng, điều kiện, tránh tình trạng lãng phí thời gian, tiền của do không lựa chọn đúng nghề nghiệp; tạo sự chuyển biến tích cực trong việc điều chỉnh cơ cấu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202305/phan-luong-hoc-sinh-sau-thcs-8a60178/