Phân luồng học sinh sau THCS ở Bà Rịa - Vũng Tàu có hiệu quả?

Hiện nay, rất nhiều học sinh, phụ huynh ở Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn mang nặng tâm lý bằng cấp, mong muốn con em mình phải vào các trường đại học nhưng khả năng lại hạn chế. Vậy việc tổ chức tổ chức giáo dục, hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS tại đây bước đầu có thực sự mang đến sự yên tâm cho phụ huynh, học sinh?

Băn khoăn là có thực

Ông Phạm Minh Lý, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có con đang là học sinh lớp 9 tại địa phương cho biết, là phụ huynh ông rất lo lắng khi con em mình đang chuẩn bị bước vào giai đoạn quyết định tương lai, nghề nghiệp.

Sau khi tham gia các buổi tư vấn nghề nghiệp cho học sinh THCS tại địa phương, ông Lý đã dần định hướng ngành nghề phù hợp với học lực của con mình.

Theo ông Lý, bên cạnh việc tư vấn nghề nghiệp cho học sinh của các tổ chức, nhà trường thì cha mẹ là người có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng tương lai của con em. Việc chọn ngành, nghề còn tùy thuộc vào khả năng điều kiện của gia đình, đặc biệt là học lực của các con.

“Tôi cũng xác định rõ, đối với con em mình nếu không tâm huyết với việc học, học lực yếu thì cha mẹ cũng nên suy nghĩ, tính toán cho phù hợp, chọn cho con một nghề nào đó phù hợp với sức khỏe, phù, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh gia đình để các con theo học để sau này có nghề nghiệp ổn định”, ông Lý nói.

Tuyên truyền và tư vấn giáo dục nghề nghiệp để học sinh có sự lựa chọn phù hợp

Tuyên truyền và tư vấn giáo dục nghề nghiệp để học sinh có sự lựa chọn phù hợp

Từng tham gia các buổi tư vấn hướng nghiệp tại địa phương, em Trần Nhật Minh, học sinh lớp 9, thành phố Bà Rịa chia sẻ, trước đây em mong muốn thi vào một trường đại học nào đó phù hợp, tuy nhiên, sau khi được tư vấn hướng nghiệp em nhận thấy học lực của mình không đủ khả năng vào lớp 10 công lập nên chuyển hướng vào các trường nghề trên địa bàn.

Theo em Minh, khi đã xác định rõ ràng thì sẽ tập trung đeo đuổi mục tiêu đó, cố gắng học tốt để ra trường có được việc làm ổn định: “Em không muốn học nữa nên muốn vào một trường nghề, vào trường nghề em sẽ theo học nghề điện. Điện dân dụng giúp mình có một nghề ổn định và thiết thực với nhu cầu của cuộc sống hàng ngày hoặc có thể làm việc tại các doanh nghiệp”.

Tuyên truyền để thay đổi nhận thức

Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho thấy, đối với học sinh sau khi khi hoàn thành chương trình THCS mà không đủ điều kiện vào lớp 10 công lập đa phần theo học tại các trường nghề, giáo dục thường xuyên, THPT ngoài công lập và một số tiếp tục ôn tập để năm sau thi lại. Gần đây nhất, năm học 2021-2022 có tới 30% học sinh theo học tại các trường nghề, năm học 2022-2023 là 35% với khoảng 5.270 học sinh.

Theo bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, điểm mới trong công tác tư vấn, giáo dục hướng nghiệp cho học sinh ở năm học 2023-2024 là đã mời các chuyên gia, nhà tâm lý cộng tác, hỗ trợ giáo viên làm công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh.

Các trường THCS ở Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ chuẩn hóa đội ngũ giáo viên làm công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh

Các trường THCS ở Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ chuẩn hóa đội ngũ giáo viên làm công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh

Bên cạnh đó, trách nhiệm của ngành giáo dục trong việc tuyên truyền cũng rất quan trọng, giúp phụ huynh và học sinh có sự chọn lựa đúng đắn nhất, không còn lo lắng băn khoăn giữa việc học nghề, tiếp tục vào trường THPT hay giáo dục thường xuyên.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, sự chọn lựa của học sinh là sự chọn lựa phù hợp với bản thân. Đặc biệt, sự chọn lựa này không có sự so sánh giữa các em học nghề, các em tiếp tục học phổ thông hay vào giáo dục thường xuyên. Các em sẽ dần nhận thức được rằng, sự chọn lựa của mình là phù hợp với bản thân, năng lực của mình theo xu thế phát triển của xã hội”, bà Trần Thị Ngọc Châu cho hay.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, Sở sẽ tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của học sinh, phụ huynh để chọn lựa ngành nghề, trường học phù hợp với hoàn cảnh gia đình, khả năng của bản thân mỗi người. Đồng thời, đề xuất các địa phương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện hỗ trợ đầy đủ chế độ, chính sách như miễn, giảm học phí, giá vé xe bus, ký túc xá để học viên ở xa đi lại thuận tiện và dễ dàng theo đuổi việc học.

Việc tư vấn hướng nghiệp kịp thời rất cần thiết đối với học sinh và phụ huynh

Việc tư vấn hướng nghiệp kịp thời rất cần thiết đối với học sinh và phụ huynh

Ông Trần Quốc Khánh, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, Sở sẽ phổ biến các chính sách này đến các cơ sở đào tạo nghề ngoài công lập: “Đối với các em học sinh không có điều kiện đi lại mà nhà ở xa trường thì Sở phối hợp thực hiện để ban hành chính sách giảm giá vé xe bus cho các em. Thực hiện xây dựng các ký túc xá để các em ở xa có điều kiện lưu trú để an tâm học tập, phụ huynh cũng an tâm, động viên con em mình tham gia học nghề”.

Để đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” thành công và phù hợp với thực tiễn thì việc đổi mới phương thức giáo dục, tư vấn hướng nghiệp của ngành giáo dục là cần thiết, giúp phụ huynh và học sinh có nhận định đúng đắn, quyết định sáng suốt cho nghề nghiệp tương lai. Hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cần được thực hiện từ sớm để phụ huynh, học sinh có nhiều thời gian cân nhắc, chọn hướng đi phù hợp. Đối với việc học nghề, cần quan tâm chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo và đặt hàng lĩnh vực đào tạo để thu hút học viên.

Gia Khang/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/phan-luong-hoc-sinh-sau-thcs-o-ba-ria-vung-tau-co-hieu-qua-post1038863.vov