Phân luồng sau THPT: Học nghề không lo thất nghiệp
Trong tổng số hơn 900 nghìn thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có khoảng 250 nghìn thí sinh không đăng ký xét tuyển Đại học (ĐH). Theo ông Đồng Văn Ngọc- Hiệu trưởng Trường Cao đẳng (CĐ) Cơ điện Hà Nội, điều này cho thấy những tín hiệu tốt trong tâm lý của học sinh. Đó cũng là tín hiệu tốt cho xã hội và thị trường việc làm của chúng ta khi có tới 70% việc làm là ở bậc học CĐ và dưới nữa chứ không phải là lao động có trình độ đại học (ĐH).
Cơ hội cho trường nghề
Thống kê của Bộ GDĐT cho thấy, năm nay có 257 nghìn học sinh không xét tuyển ĐH. Riêng tỉnh Nghệ An, năm 2020 toàn tỉnh có khoảng 32.000 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó 45% học sinh chỉ đăng ký xét tốt nghiệp. Nhiều học sinh học xong lớp 12 có xu hướng lựa chọn học nghề, hoặc đi xuất khẩu lao động, thay bằng việc vào một trường đại học. Đây được xem là tín hiệu tích cực phản ánh hiệu quả bước đầu của công tác phân luồng sau THPT.
Tuy nhiên, theo phân tích của nhiều chuyên gia, con số này có thể chưa phản ánh hết hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau THPT. Hiện nay, học sinh và gia đình đang trở nên thực tế hơn khi quyết định việc chọn ngành, chọn nghề. Cụ thể, học sinh chọn cho mình lối đi phù hợp, vừa sức, đặc biệt là thỏa đam mê của mình với việc tìm hiểu các ngành nghề mà mình yêu thích ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Nhiều học sinh vừa tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT nhưng cũng đồng thời chọn hướng đi cho mình với suy nghĩ, nếu vào trường ĐH tốt thì cơ hội có việc làm tốt khi ra trường mới nhiều còn nếu học làng nhàng, học trường cũng làng nhàng thì ra trường thất nghiệp là không tránh khỏi.
Chính vì vậy, nhiều học sinh tự tin có thể vượt qua kỳ thi tốt nghiệp sau đó chọn trường nghề phù hợp để theo đuổi nên không xác định đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH mà chọn luôn con đường học nghề để có việc làm với thu nhập ổn định sau này, khi nào cần sẽ đi học thêm.
Trong bối cảnh hội nhập, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp không quan trọng bằng cấp mà bằng kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm đã tác động đến tâm lý chọn nghề của học sinh. Nhiều nhà trường cho biết ngay thời gian trước và trong, sau tuyển sinh đã nhận được nhiều bộ hồ sơ của thí sinh nộp để xét tuyển vào trường.
Phải chuyển động mạnh mẽ
Hiện trường Trường CĐ Thương mại Du lịch Hà Nội đã và đang tuyển sinh lứa học viên năm nay. Công tác tuyển sinh ít nhiều gặp khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19 song bà Trịnh Thu Hà- Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết đến nay số học sinh gửi hồ sơ theo học các ngành của trường rất khả quan. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm nay là hơn 1.000 chỉ tiêu hoàn toàn có thể đạt được, với nhiều chính sách hỗ trợ học sinh rất thiết thực.
Cụ thể, nhà trường hỗ trợ việc làm cũng như có sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp cũng như các đơn vị kinh doanh khách sạn 4,5 sao ở gần trường nên sinh viên không chỉ được học mà còn được thực hành rất nhiều. Sinh viên sẽ có nhiều thời gian học trong thực tế, cọ xát với môi trường thực sau này khi đi làm sẽ tránh được những bỡ ngỡ người mới có thể gặp phải. Chính vì vậy, khi các em đến tìm hiểu thực tế ở trường cũng như trao đổi với các sinh viên khóa trước chính là một kênh tiếp thị quan trọng của nhà trường trong mùa tuyển sinh năm nay.
Tương tự, Trường CĐ Cơ điện Hà Nội cũng đang tiếp nhận hồ sơ xét tuyển của học viên qua nhiều hình thức online, trực tiếp với cán bộ tư vấn túc trực thường xuyên, liên tục và sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của học sinh. Trên thực tế, nhiều em vẫn còn băn khoăn với việc chọn học nghề hay học ĐH, qua việc tư vấn tuyển sinh người thật, việc thật của nhà trường đã quyết định nộp hồ sơ.
Thống kê của Bộ LĐTBXH cho thấy trung bình mỗi năm 2018-2019 có khoảng 200 nghìn lao động có trình độ ĐH trở lên thất nghiệp hoặc có việc làm không tương ứng, thấp hơn trình độ được đào tạo. Trong khi đó hàng năm 85% sinh viên học nghề ra trường có việc làm có mức thu nhập ổn định từ 7-10 triệu đồng/tháng. Đây rõ ràng là một thông tin hấp dẫn và rất thực tế với học sinh còn đang băn khoăn chọn lối đi sau ngưỡng cửa phổ thông cho mình.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Quân cho rằng có nhiều con đường dẫn đến thành công, trong đó có học nghề: “Nếu như giáo dục ĐH tập trung vào tinh hoa, đào tạo ra những người có tư duy, đưa ra các vấn đề mới và giải quyết nó thì sẽ xây dựng ra những quy trình mới. Còn giáo dục nghề nghiệp đào tạo ra những con người giải quyết vấn đề đó, triển khai thực hiện các công nghệ đó… Như vậy, nhu cầu triển khai tuyển dụng những kỹ thuật viên, tác nghiệp vận hành được các quy trình đó cần rất nhiều”.
Hơn 77% lao động của nước ta chưa qua đào tạo, chưa có văn bằng chứng chỉ, chưa được công nhận trình độ kỹ năng, Đây cũng là thách thức của chúng ta trong giai đoạn tới. Làm sao để thanh niên, sinh viên người học nhận thức được việc thực học, thực hành, nhận thức được tầm quan trọng của việc học nghề. Vừa học vừa hành, thiếu đâu học đó… Doanh nghiệp muốn có nhân lực thì phải cùng tham gia đào tạo.
Đồng tình với quan điểm này, TS Trương Anh Dũng-Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTBXH cho biết các trường nghề cũng đang chuyển động mạnh mẽ để tăng sức hấp dẫn với người học, bên cạnh đó để tôn vinh, lan tỏa các giá trị đến với người học và cả xã hội. Phải làm sao để người học hiểu đươc giỏi chuyên môn nghề gì cũng đều tốt cả. Và nếu lòng đam mê thì dù bất cứ công việc, lĩnh vực gì hay trình độ nào bạn cũng sẽ đạt được thành công.