Phân luồng và nâng cao hiệu quả điều trị cho người mắc Covid-19

Tại những tỉnh, thành phố có số ca mắc Covid-19 tăng cao, việc phân luồng, tập trung nâng cao hiệu quả điều trị đóng vai trò quan trọng bên cạnh tốc độ tiêm chủng và độ bao phủ vắc-xin.

Tiêm mũi vắc-xin tăng cường phòng Covid-19 cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch tại TP Hải Phòng.

Tiêm mũi vắc-xin tăng cường phòng Covid-19 cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch tại TP Hải Phòng.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, trong giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP (từ ngày 11/10/2021 đến nay), thành phố Hà Nội ghi nhận 53.377 ca mắc Covid-19 (trung bình 606 ca/ngày). Hiện còn 33.564 người bệnh đang điều trị, gồm 1.633 người tại các cơ sở thu dung điều trị thành phố; 5.334 người tại các cơ sở thu dung quận, huyện, thị xã; 23.669 người theo dõi cách ly tại nhà; hơn 2.592 người điều trị tại các bệnh viện khác trên địa bàn. Để thực hiện công tác thu dung, điều trị người mắc Covid-19 đạt hiệu quả, Sở Y tế Hà Nội đang tích cực phân luồng hợp lý; yêu cầu các đơn vị y tế, các địa phương khẩn trương triển khai theo dõi, quản lý, điều trị F0 tại nhà theo đúng hướng dẫn đã được UBND thành phố Hà Nội ban hành.

Sở Y tế cũng đã phân công các bệnh viện đầu ngành phụ trách điều trị tầng 3 gồm: Đức Giang, Thanh Nhàn, Hà Đông, Xanh Pôn, Đống Đa… Các bệnh viện này chịu trách nhiệm hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến thành phố, tuyến huyện, là những đơn vị phụ trách điều trị ở tầng thứ 2.

Đáng chú ý, mỗi cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 trên địa bàn đã sẵn sàng hai tầng điều trị để xử trí cấp cứu, điều trị kịp thời người bệnh Covid-19 khi chuyển nặng. Đồng thời yêu cầu tất cả các bệnh viện không được từ chối, tiếp nhận bệnh nhân nặng, nguy kịch, bảo đảm người bệnh được chuyển đến cấp cứu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gần nhất; rà soát lại cơ sở hạ tầng, hệ thống oxy (bình, bồn, chai, thiết bị phụ trợ) bảo đảm tồn trữ và cung cấp oxy y tế cho người bệnh từ tuyến cơ sở đến các bệnh viện theo phân tầng điều trị...

Tại buổi kiểm tra công tác chăm sóc, điều trị F0 tại nhà và trạm y tế lưu động mới đây, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà tiếp tục yêu cầu các trạm y tế lưu động cập nhật thông tin, dữ liệu về chăm sóc, điều trị F0 nhanh hơn nữa, để kịp thời theo dõi điều trị được tốt hơn, giảm tình trạng có chuyển biến nặng phải chuyển tuyến, vừa giảm quá tải cho tuyến trên, vừa giúp người bệnh yên tâm khi điều trị tại nhà.

Thạc sĩ, bác sĩ Phùng Quốc Anh, Trưởng phòng Kế hoạch-Tổng hợp (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết, là một trong các bệnh viện đầu ngành được phân công phụ trách điều trị tầng 3, thời gian qua bệnh viện đã bố trí khu điều trị cách ly và được chia làm ba khu riêng biệt, gồm: Khu dành riêng cho người bệnh nặng, nguy kịch (250 giường); khu cho người bệnh trung bình hoặc có bệnh lý nền nặng; khu cho người nghi nhiễm theo Đề án 3616. Bệnh viện cũng đã chuẩn bị một khu thu dung, điều trị cho người bệnh Covid-19 nhẹ, không triệu chứng với quy mô 2.000 giường tại phường Trần Phú (quận Hoàng Mai).

Về trang thiết bị, bệnh viện đã xây dựng được hệ thống oxy cho 250 giường hồi sức tích cực cùng hệ thống trang thiết bị như: máy thở chức năng cao, máy thở xâm nhập, máy thở không xâm nhập, máy thở oxy dòng cao, máy theo dõi oxy máu (SpO2)… Hiện trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 15 trường hợp mắc Covid-19 vào điều trị và cũng có khoảng từ 10 đến 15 người được điều trị khỏi bệnh ra viện hoặc chuyển sang khoa khác để tiếp tục điều trị bệnh nền. Đến nay, Bệnh viện Thanh Nhàn đã tiếp nhận và điều trị cho 1.218 bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó 946 bệnh nhân được ra viện, 89 bệnh nhân chuyển lên tuyến trên…

Thăm khám và phát thuốc điều trị Covid-19 cho bệnh nhân điều trị tại nhà ở xã Thanh Đức (huyện Long Hồ, Vĩnh Long).

Những ngày vừa qua, mỗi ngày tại thành phố Hải Phòng có khoảng 500 trường hợp được xác định mắc Covid-19. Theo bác sĩ Phan Huy Thục, Phó Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng, tính đến hết ngày 3/1, thành phố có hơn 7.456 người mắc Covid-19 đang được cách ly, điều trị, trong đó có 7.266 bệnh nhân nhẹ hoặc không có triệu chứng (chiếm hơn 97,4% tổng số ca bệnh).

Những người bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng được phân tầng cách ly và điều trị ở tầng 1, chỉ có 180 bệnh nhân được điều trị ở tầng 2 và 10 trường hợp bệnh nhân nặng được điều trị ở tầng 3. Trước số ca nhiễm Covid-19 gia tăng, thành phố Hải Phòng đã chủ trương vừa ngăn chặn sự lây lan diện rộng, vừa bảo đảm an toàn và hạn chế tới mức thấp nhất các ca bệnh nặng, tử vong.

Mặt khác, thành phố hạn chế xét nghiệm diện rộng tại cộng đồng, để dành nguồn lực nâng cao hiệu quả hoạt động của 226 trạm y tế lưu động. Hải Phòng cũng đã sẵn sàng phương án thành lập thêm 500 trạm y tế lưu động và các tổ chăm sóc cộng đồng, hỗ trợ các gia đình có F0, F1 mua sắm thực phẩm và đồ dùng thiết yếu khi số lượng F0 tăng nhanh.

Thành phố đang quan tâm đến các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng quá tải của hệ thống y tế khi các trường hợp F0 gia tăng; phấn đấu đưa số ca F0 điều trị tại nhà từ chiếm 70% hiện nay lên 85 đến 90%, nhằm dành giường bệnh điều trị cho các ca bệnh nặng. Mới đây, thành phố Hải Phòng đã có văn bản điều chỉnh cách ly và xét nghiệm đối với F0 và F1 trên địa bàn theo hướng tăng trường hợp cách ly, điều trị tại nhà đối với trường hợp bệnh nhẹ, đủ điều kiện và giảm thời gian cách ly, theo dõi sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính…

Những ngày đầu năm 2022, số ca mắc Covid-19 tại tỉnh Vĩnh Long tăng cao và vượt mốc 1.000 ca/ngày. Từ khi cho F0 được cách ly và điều trị tại nhà, đến nay Vĩnh Long có hơn 8.600 trường hợp F0 điều trị tại nhà hoặc nơi cư trú. Do đó, nhiệm vụ của trạm y tế cơ sở ngày càng nặng nề hơn. Ngoài 107 xã, phường, thị trấn có trạm y tế, đến nay Vĩnh Long đã thành lập 95 trạm y tế lưu động, với 427 nhân viên để phụ trách quản lý, chăm sóc và điều trị F0, F1 tại nhà, lấy mẫu người mắc Covid-19 trên địa bàn phụ trách.

Theo Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, tỉnh đang điều trị trong các cơ sở y tế là 3.168 ca nhiễm, trong đó 249 trường hợp bệnh nặng (7,86%) và 75 trường hợp rất nặng (2,37%)… Toàn tỉnh hiện có 16 cơ sở điều trị F0 theo mô hình tháp ba tầng với quy mô 4.910 giường bệnh. Trong đó, tuyến tỉnh có chín cơ sở, với quy mô 3.930 giường bệnh; tuyến huyện, thị xã, thành phố có bảy cơ sở, quy mô 1.280 giường bệnh. Các bệnh viện còn lại đang tiếp tục rà soát, bố trí sẵn sàng dành 40% số giường bệnh cho công tác điều trị Covid-19.

Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long Văn Công Minh, trong 14 ngày qua, số ca nhiễm trong cộng đồng tiếp tục tăng cao, chiếm 79,52% tổng số ca mắc. Tỷ lệ F1 cách ly tại nhà chuyển thành F0 cũng tăng (chiếm tỷ lệ 15,13%); số trường hợp tử vong do nhiễm Covid-19 cao. Khi số lượng người nhiễm SARS-CoV-2 tăng cao, số chuyển nặng, phải nhập viện điều trị sẽ nhiều, áp lực lên hệ thống y tế càng cao.

Do vậy, ngành y tế Vĩnh Long đang rà soát, tăng khả năng đáp ứng của các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19; nâng cao chất lượng điều trị các tuyến; cung ứng và bảo đảm đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang phục phòng hộ cá nhân; tiếp tục đầu tư nguồn lực để mở rộng, tăng năng lực hồi sức tích cực; huy động các cơ sở y tế nhà nước và tư nhân tham gia điều trị Covid-19...

Đồng thời, bố trí mỗi bệnh viện điều trị Covid-19 có ít nhất “hai tầng điều trị” để thuận tiện chuyển tầng nội viện, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng chuyển tầng khi quá muộn; củng cố hệ thống cấp cứu, vận chuyển người bệnh từ cộng đồng đến bệnh viện và giữa các bệnh viện...

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-y-te/phan-luong-va-nang-cao-hieu-qua-dieu-tri-cho-nguoi-mac-covid-19-681223/