Phận 'má hồng' ở nơi cai nghiện

Trong Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh ở phường Cộng Hòa (Chí Linh), nhiều phụ nữ trót sa chân vào nghiện ngập luôn đau đáu về đứa con nơi quê nhà.

Học viên nữ trong Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh tham gia lao động trị liệu

Học viên nữ trong Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh tham gia lao động trị liệu

Họ đang phấn đấu điều trị thật tốt để làm lại cuộc đời, sống thật ý nghĩa với mong muốn bù đắp và lãng quên những ngày tháng lầm lỗi.

Trả giá

Lối vào Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh gập ghềnh như cuộc đời những người phụ nữ mà tôi đã gặp ở đây. Giữa không gian mênh mông của khu cai nghiện, cơn mưa rào buổi sáng làm khung cảnh thêm tĩnh lặng. Trái với sự ồn ào, náo nhiệt bên ngoài, cuộc sống của các chị ở đây khá lặng lẽ. Ngày 2 lần, sáng và chiều, các chị được đưa đi lao động trị liệu để cai nghiện, thời gian còn lại sinh hoạt trong phòng.

Khác với suy nghĩ của tôi, các chị khá cởi mở, không chút che giấu khi nói về những bước ngoặt khiến họ vướng vào ma túy. Gương mặt thanh thoát, giọng nói nhỏ nhẹ, chị N.T.T.T. (sinh năm 1979, ở TP Hải Dương) kể đây là lần thứ hai chị nghiện ma túy. Lần thứ nhất cách đây khoảng 5 năm, khi đó nghe theo sự rủ rê của bạn bè nên chị T. tìm đến ma túy thử cho biết. Thế rồi, chị nghiện lúc nào không hay. Khi nhận ra đã lệ thuộc vào ma túy và thấy rõ tác hại của nó khi không có thời gian chăm sóc con, việc làm không ổn định, chị T. tìm mọi cách cai nghiện tại nhà. “Tôi đã cai được nghiện, tìm được việc làm và có cuộc sống bình thường. Thế nhưng, dịch Covid-19 ập đến, tôi bị mất việc làm, hụt hẫng lại buồn chán chuyện gia đình nên tôi quay trở lại với ma túy”, chị T. chia sẻ.

Chỉ còn vài tháng nữa, chị T. sẽ hoàn thành đợt cai nghiện bắt buộc trở lại hòa nhập với cuộc sống. Chị T. khẳng định, lần này sẽ đoạn tuyệt hoàn toàn với ma túy vì nó đã lấy đi của chị quá nhiều thứ: “Con gái lớn đã 21 tuổi và có người yêu. Tôi không muốn vì một người mẹ nghiện ngập mà ảnh hưởng đến tương lai của các con”, khóe mắt ửng đỏ chị T. nói.

Ở Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh được hơn 1 năm, ngày trở về của chị P.T.H.H. (31 tuổi, ở Hà Nội) dường như đã rộng mở. Chị H. vui vẻ kể, khi ra ngoài chị sẽ đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản với hy vọng môi trường sống mới sẽ giúp chị quên đi những tháng ngày đen tối vừa qua. Chị H. xây dựng gia đình 2 lần và có 3 người con nhưng đã ly hôn. Cú sốc ly hôn đã khiến chị chán nản nên đã mua ma túy đá sử dụng. Chưa nhận thức hết tác hại của ma túy và muốn chứng minh cho bố mẹ khả năng kiếm tiền, chị H. không chỉ hút mà còn buôn bán ma túy. “Tôi muốn chứng minh cho bố mẹ biết tôi cũng có thể kiếm tiền để tự lo cho cuộc sống của mình chứ không phụ thuộc vào người khác. Vì suy nghĩ đó nên tôi quyết kiếm tiền bằng mọi giá. Sai lầm nối tiếp sai lầm, tôi đã phải trả giá bằng những tháng ngày cải tạo thế này”, chị H. cho biết.

Những người phụ nữ trong cơ sở cai nghiện mà tôi gặp đều có chung hoàn cảnh là đã ly hôn, cuộc sống không hạnh phúc, buồn chán nên tìm đến ma túy để mong có niềm vui cho riêng mình.

Mong được cảm thông

So với nam giới, số phụ nữ nghiện và liên quan đến buôn bán ma túy phải vào Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh ít hơn rất nhiều. Lúc nhiều nhất chỉ có 9 người, gồm cả cai nghiện bắt buộc và cai nghiện tự nguyện (trung bình cơ sở có khoảng 500 học viên). Còn hiện nay chỉ có 4 người, đều thuộc diện cai nghiện bắt buộc. Khi vào cơ sở cai nghiện, chị em được khám sức khỏe kỹ lưỡng, nhất là việc xác định được loại ma túy đã sử dụng và các loại bệnh có thể đang mắc để có phác đồ điều trị phù hợp. Họ sẽ được giúp đỡ cắt cơn giải độc. Khi hết nghiện ma túy, chị em sẽ được tư vấn dạy nghề, tham gia tập huấn “12 giá trị cuộc sống” hoặc được dạy văn hóa…

Theo chị Nguyễn Thị Duyên, Phó Trưởng Phòng Tư vấn-Giáo dục, việc đón tiếp học viên được thực hiện theo quy định nhưng quan trọng nhất đó chính là tình cảm, sự quan tâm của thầy cô giáo trong cơ sở dành cho học viên và chính học viên dành cho nhau. Để ổn định tâm lý, giúp họ nhận thức, suy nghĩ đúng đắn, cơ sở phân công cán bộ tìm hiểu nguyên nhân vì sao chị em lại sa vào con đường nghiện ngập, hoàn cảnh gia đình, mong muốn của từng người và đưa ra những lời khuyên phù hợp. Với những người có bệnh kèm theo sẽ được phát thuốc miễn phí và bác sĩ sẽ kiểm soát chặt chẽ việc dùng thuốc, tránh tình trạng họ bỏ không uống, uống không đúng giờ sẽ ảnh hưởng đến phác đồ điều trị.

Theo lời kể của chị Mai, cán bộ Phòng Tư vấn-Giáo dục, cách đây một thời gian, cả khu chỉ có 1 học viên nữ nhưng bị bệnh hen phế quản nặng. Biết chị không thể ngủ một mình vì cơn hen đến bất chợt có thể nguy hiểm đến tính mạng, chị Mai đã phải xuống ngủ cùng. Thế rồi cũng có những cháu chỉ 12-13 tuổi được gia đình đưa vào đây để giáo dục, các chị phải quan tâm đặc biệt.

Theo chị Duyên, để cai nghiện thành công, ngoài sự giúp đỡ của cơ sở, ý chí nghị lực của từng người thì gia đình và xã hội cũng đóng vai trò quan trọng để giúp cánh cửa hoàn lương của họ rộng mở. Đó là việc gia đình thường xuyên ở bên động viên, chia sẻ, xã hội thông cảm, giúp đỡ khi họ quay trở về. "Khi chúng tôi quay về, mọi người hãy dành cho chúng tôi cách nhìn khác, hãy thông cảm, chia sẻ, cho chúng tôi cơ hội làm lại cuộc đời vì những tháng ngày trong cơ sở cai nghiện chúng tôi đã thấm thía những nỗi đau, thiệt thòi mà chúng tôi phải trả giá", chị N.T.T. (sinh năm 1985, ở Thanh Hà) đang cai nghiện tại trung tâm mong muốn.

THANH HÀ

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/phan-ma-hong-o-noi-cai-nghien-205428