Phẫn nộ với video thả dao từ trên cao xuống của YouTuber nhiều sub nhất Việt Nam
Vài ngày qua, trên khắp các diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội xuất hiện làn sóng tẩy chay đối với video 'Thả 100 cái dao trên cao xuống' của NTN Vlogs - một trong những kênh YouTube nhiều sub nhất Việt Nam.
Theo đó, trong video NTN giới thiệu mua 100 con dao Thái Lan Kiwi rồi leo lên tầng thượng của ngôi nhà để thả bó dao được quấn lỏng lẻo bằng keo điện xuống đất với mục đích là bó dao này khi rơi xuống sẽ trúng miếng thịt lợn. Sau một ngày đăng tải, video nhận được hơn 1,6 triệu lượt xem và lọt vào top 34 của tab thịnh hành.
Tuy nhiên, video mang tính nguy hiểm trên lại không cảnh báo độ tuổi cũng như nói “không được thực hiện theo” khiến không ít người phẫn nộ, đặc biệt là các bậc phụ huynh.
Do đó, trên các hội nhóm, diễn đàn, nhiều người phát động chiến dịch report video của kênh NTN để ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực tới người xem - đa phần ở lứa tuổi chưa thành niên. Thậm chí trong phần bình luận bên dưới video, một số ý kiến đưa ra yêu cầu xóa video, thậm chí xóa kênh của YouTuber này.
Trước đó kênh của NTN cũng từng bị YouTube khóa chức năng kiếm tiền vì nội dung video nhảm, câu view. Mặc dù vậy, đến thời điểm hiện tại, video nguy hiểm “Thả 100 cái dao trên cao xuống” vẫn chưa bị xóa; thậm chí mới đây, NTN lại tiếp tục đăng tải video có tựa đề “Xóa kênh” với thái độ cợt nhả đối với những chỉ trích đang hướng về mình.
Trước NTN, cộng đồng mạng cũng từng phản ứng dữ dội với video đổ thau trứng chứa 200 quả trứng đã đập vỡ lên người mẹ ruột để ăn mừng việc kênh Youtube của mình đạt 20.000 subscribers hay đổ nước mắm lên người mẹ để ăn mừng kênh YouTube đạt 1.000 lượt đăng kí hoặc đập nát 400 quả trứng vào thau rồi đổ thau trứng này xuống người một nữ nông dân qua đường,…
Nói về thực trạng này, ông Võ Đỗ Thắng - giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena chia sẻ với Người Đưa Tin rằng: “Khi YouTube xuất hiện những video, clip phản cảm, mức độ nguy hiểm cao hoặc phản giáo dục thì người dùng mạng hãy dùng quyền lực của mình để tẩy chay những video đó bằng cách bình luận thật nghiêm túc, yêu cầu gỡ ngay video đó xuống. Thậm chí, người dùng mạng có thể yêu cầu facebook, YouTube xóa tài khoản đó đi vì nội dung nhảm nhí. Chứ chúng ta không nên chia sẻ hay like, như vậy chỉ tiếp tay cho mục đích câu view của chủ tài khoản”.
Ông Thắng cũng cho biết, trước đây từng có những video đăng tải các nội dung không đúng với giáo dục, nhưng ít người dùng mạng hay theo dõi nên nó không nổi. Đặc biệt gần đây, do công nghệ phát triển, bất kỳ nhà nào cũng có điện thoại, máy tính nên dễ dàng tiếp nhận những video đó. Đây cũng là kẽ hở để những “anh hùng bàn phím” có cơ hội câu view, kiếm lợi.