Phân phối vắc-xin Covid-19: Còn một cuộc chiến khác…
Bóng ma Covid-19 vẫn đang phủ khắp toàn cầu khi số người nhiễm và tử vong vì đại dịch này vẫn không ngừng tăng lên. Tất cả đẩy những nỗ lực đưa vắc-xin Covid-19 đến với người dân đến những thách thức chưa từng có.
Trong những trăn trở của hầu hết các chính phủ, tổ chức quốc tế những ngày này, không chỉ là việc làm thế nào để sản xuất đủ vắc-xin phòng Covid-19 để đáp ứng lượng nhu cầu rất lớn, không chỉ là việc làm thế nào để phân phối vắc xin một cách công bằng nhất, mà còn là việc làm thế nào để có thể đảm bảo chất lượng tốt nhất cho loại vắc xin này khi đến tay người thụ hưởng.
Từ chiến dịch mang tên Thần tốc (Operation Warp Speed)
Trước khi rời khỏi Nhà Trắng, vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ còn kịp để lại một dấu ấn đặc biệt khi quyết định lập ra một chiến dịch khá đặc biệt mang tên Thần tốc (Operation Warp Speed- OWS). Operation Warp Speed như lời ông Donald Trump, “là một trong những chiến dịch hậu cần quan trọng nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai”, “một hoạt động khoa học, công nghiệp và hậu cần khổng lồ chưa từng có ở Mỹ kể từ sau Dự án Manhattan cho phép nước này nghiên cứu và phát triển bom nguyên tử”. Chiến dịch do cựu Tướng lục quân Gus Perna, một chuyên gia về hậu cần quân sự và Giáo sư Moncef Slaoui, một nhà miễn dịch học, chỉ huy với sự tham gia của đông đảo nhà khoa học đến từ Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, phòng thí nghiệm và các nhà vận chuyển tư nhân từ khắp nước Mỹ. Gọi là Thần tốc, bởi theo tham vọng của ông Donald Trump thì: “Mục tiêu của chiến dịch là hoàn thành việc phát triển, sau đó sản xuất và phân phối vắc-xin phòng Covid-19 nhanh nhất có thể, cố gắng trước cuối năm 2020”.
Xe chở vắc-xin Covid-19 của Pfizer bắt đầu lăn bánh từ nhà máy sản xuất vắc-xin ở Michigan, Mỹ. Ảnh: AP.
Quay trở lại cái gọi là “chiến dịch hậu cần quan trọng nhất của nước Mỹ trong vòng 75 năm qua”, sở dĩ như vậy bởi điểm cốt lõi nhất cũng là mục tiêu tối thượng nhất của Operation Warp Speed, đó là việc không chỉ hoàn thành việc phát triển, sản xuất mà còn là câu chuyện làm thế nào để phân phối vắc-xin Covid-19 nhanh nhất và an toàn nhất có thể. Trong đó, an toàn là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất, như một mệnh lệnh buộc phải hoàn thành.
Vận chuyển cũng phải… diễn tập
Nhưng làm thế nào để vận chuyển, phân phối vắc-xin Covid-19 một cách an toàn nhất, đảm bảo chất lượng nhất đến tay người được tiêm lại là câu chuyện không đơn giản, nếu không muốn nói là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay. Nên nhớ, nếu việc bảo quản và vận chuyển vắc-xin không đúng thì hiệu quả bảo vệ phòng bệnh sẽ bị giảm, thậm chí gây tai biến. Từ trước tới nay, các loại vắc-xin đều đòi hỏi khoảng nhiệt độ bảo quản thích hợp, nhưng với riêng vắc xin ngừa Covid-19, phần đa đều đòi hỏi bảo quản lạnh, thậm chí hai loại vắc-xin ngừa Covid-19 của Biontech và Pfizer phải được bảo quản ở nhiệt độ cực lạnh khoảng -70 độ. Một đòi hỏi mà theo các chuyên gia, ngay cả các bệnh viện hiện đại cũng không thể đáp ứng.
Cũng bởi thách thức quá lớn là vậy nên mới có chuyện hãng hàng không Air France-KLM (Pháp-Hà Lan) phải tiến hành tổ chức diễn tập vận chuyển vắc xin trên quy mô lớn ở sân bay Schipol (Amsterdam). Để hỗ trợ, các công ty vận chuyển cậy nhờ tới các công cụ công nghệ như giám sát nhiệt độ và theo dõi GPS để đảm bảo độ lạnh đạt tiêu chuẩn “như tại Bắc Cực” cho vắc-xin Covid-19. Việc hàng thùng vắc-xin ngừa cúm H1N1 đã từng bị đổ bỏ cách đây nhiều năm vì không được vận chuyển đảm bảo chất lượng đã thực sự ám ảnh họ.
Nhân viên UPS chuẩn bị đóng gói nước đá khô dùng để bảo quản vắc-xin. Ảnh: UPS
Cùng với việc diễn tập, việc chuẩn bị tủ cấp đông phù hợp để vận chuyển vắc-xin cũng được các quốc gia cấp tập chuẩn bị, dù giá cả mỗi tủ cấp đông này không hề rẻ (trung bình 6.000-12.000 euro/tủ). Bên cạnh đó, các công ty như Công ty vận chuyển UPS của Mỹ cho biết đã tăng công suất sản xuất đá khô lên hơn 500kg đá khô/giờ tại các kho hàng ở Mỹ để lưu trữ và vận chuyển vắc-xin Covid-19. Một tin vui có thể giảm áp lực cho các quốc gia là nếu vắc xin của Công ty Moderna được cấp giấy phép lưu hành, công tác phân phối vắc-xin ít phức tạp hơn vì có thể bảo quản trong tủ lạnh thông thường với nhiệt độ từ 2°C đến 8°C.
Chờ đợi những tin vui
Ngày 2/12, Anh đã là quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt vắc-xin Covid-19 do Pfizer (Mỹ) - BioNTech (Đức) sản xuất và 6 ngày sau đó, ngày 8/12, Anh đã cho triển khai tiêm phòng vắc-xin Covid-19 do Pfizer/BioNTech phát triển, một động thái mà theo ông Simon Stevens, người đứng đầu Cơ quan Y tế Quốc gia Anh (NHS), “việc tiêm vắc-xin Covid-19 đánh dấu bước ngoặt quyết định trong cuộc chiến chống virus Corona”. Tổng cộng Anh đã đặt hàng 357 triệu liều từ 7 dòng vắc xin khác nhau, trong đó có vắc xin Oxford/AstraZeneca, Pfizer/BioNTech và Moderna.
Ngày 14/12/2020, những liều vắc-xin đầu tiên của Công ty Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) đã được chuyển đến 145 địa điểm tiêm chủng trên khắp nước Mỹ. Trong vòng 3 tuần tiếp theo đó, OWS sẽ vận chuyển vắc-xin của Pfizer-BioNTech đến mọi trung tâm chăm sóc sức khỏe trên khắp nước Mỹ. Ước tính đến cuối năm nay, khoảng 20 triệu người Mỹ sẽ được tiêm đủ 2 liều vắc-xin cần thiết để phòng chống Covid-19, và đến cuối tháng 3, con số này dự kiến tăng lên 100 triệu người.
Cũng thời điểm đó, Canada cũng tuyên bố nước này đã tiếp nhận những lô hàng vắc-xin đầu tiên từ Pfizer/BioNTech, cho phép khởi động chương trình tiêm phòng Covid-19. Theo dự tính, Canada sẽ tiếp nhận tổng cộng 249.000 liều vắc-xin Covid-19, và con số này sẽ tăng lên 6 triệu liều vắc-xin của cả Pfizer/BioNTech lẫn Moderna (Mỹ) trước khi kết thúc tháng 3/2021.
“Nhanh khỏi bệnh nhé nước Mỹ. Hãy khỏe lên nào cả thế giới” - thông điệp mà Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter có lẽ không chỉ là niềm mong đợi cho riêng nước Mỹ. Cuộc chiến phân phối và bảo quản vắc-xin sẽ còn rất nhiều thách thức, nan giải phía trước, nhưng với những thành quả bước đầu, thì nhân loại vẫn cứ phải thắp lên cho mình ngọn lửa hy vọng, nhất là khi một năm mới đang dần gõ cửa.