Phân tách Mỹ-Trung Quốc: Một hành tinh, hai thế giới

Mỹ-Trung Quốc phân tách, xung khắc và cạnh tranh chiến lược khốc liệt là thực tế hiện nay. Học giả nhận diện và lý giải hiện tượng này ra sao? Hãy xem một phân tích của Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa đăng trên Tạp chí Beijing Review.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề Hội nghị Thượng định G20 tổ chức tại Osaka vào tháng 6/2019. (Nguồn:CNBC/TTXVN)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề Hội nghị Thượng định G20 tổ chức tại Osaka vào tháng 6/2019. (Nguồn:CNBC/TTXVN)

Khởi đầu của khác biệt

Hai mươi năm trước, ở Bắc Kinh hầu như hàng tuần đều có hội thảo về toàn cầu hóa nói về viễn cảnh thế giới sẽ xích lại gần và các rào cản thương mại, đầu tư sẽ được giảm thiểu. Các quan chức Trung Quốc đăng đàn thảo luận với lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài về tương lai Trung Quốc như một bộ phận của cộng đồng toàn cầu và nhất là cộng đồng thế giới sẽ góp phần vào tương lai và tăng trưởng của Trung Quốc ra sao. Họ nói về một tương lai tốt đẹp hơn trong một thế giới kết nối hơn và một hành tinh bao trùm hơn.

Có lẽ ít ai mường tượng rằng 20 năm sau thế giới tranh luận về phân tách Mỹ-Trung Quốc. Các cuộc thảo luận 20 năm trước có lẽ đã không định nghĩa rõ được toàn cầu hóa thực sự nghĩa là gì hoặc toàn cầu hóa sẽ được định hình như thế nào trong quá trình diễn tiến. Thế giới hẳn có thể đã không có một tầm nhìn giống nhau trong tư duy và đây chính là điểm khởi đầu cho những khác biệt.

Quan niệm giản đơn khi đó cho rằng hội nhập tài chính toàn cầu và các thị trường vốn cùng với truyền thông số sẽ làm hạ thấp các hàng rào và đem lại sự hiểu biết hơn, thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng không giới hạn.

Ít ai nhận ra rằng, hai thập kỷ sau, thế giới trở nên địa phương hóa hơn bao giờ hết và hoàn toàn không dễ để dự đoán được rằng Internet đã trở thành công cụ của những quyền lực ngầm ở Mỹ đánh cắp các thông tin cá nhân để thao túng các thuật toán và các cuộc bầu cử chính trị, thổi bùng ngọn gió của giận dữ, thù hận và phân biệt sắc tộc theo cách trước đây không thể tưởng tượng đến.

Một điều khác cũng không kém phần khó dự đoán là khối lượng nợ khổng lồ tích tụ thông qua hoạt động mua vào nợ chính phủ chưa từng có tiền lệ, bơm quá mức thanh khoản để tạo sự mở rộng thị trường vốn giả tạo bằng việc đầu tư vào các nền tảng truyền thông xã hội giúp thúc đẩy kiểu nhà nước chuyên chế và điều này chỉ có thể thực hiện được nhờ sự ngự trị tối cao của một đồng tiền.

Thế giới đi về đâu?

Tất cả bắt đầu vào năm 1999 khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton hủy bỏ Đạo luật Glass-Steagall áp dụng sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, không cho phép các ngân hàng đánh cược bằng các khoản tiền gửi của người dân, từ đó tránh để lặp lại cuộc Đại Khủng hoảng năm 1929 và cuộc chiến tranh thế giới sau đó. Kết quả là, thập niên 90 của thế kỷ 20 và một thập niên sau đó đã diễn tiến giống như “Những năm hai mươi gào thét” (1920) của thế kỷ trước.

Những định giá lợi nhuận và thiệt hại bỗng nhiên trở nên không có ý nghĩa gì, tất cả chỉ là về thị phần và mọi công ty đều muốn thị phần lớn hơn công ty khác để làm tăng giá cổ phiếu vì thị trường vốn có quyền quyết định tất cả, không phải hoạt động kinh doanh thực tế. Thế giới đã phạm sai lầm tương tự với cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Bên cạnh đó, các chính sách nới lỏng định lượng lại tiếp tục tạo ra sự phát triển bùng nổ của thị trường tài chính giả tạo khác, đẩy phần lớn các hộ gia đình Mỹ vào tình cảnh nô lệ nợ mới. Chính sách này bắt đầu từ thời cựu Tổng thống George W. Bush, được duy trì dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và bùng nổ ở thời Tổng thống Donald Trump.

"Mọi công ty đều muốn thị phần lớn hơn công ty khác để làm tăng giá cổ phiếu". (Nguồn:asiaglobalonline)

"Mọi công ty đều muốn thị phần lớn hơn công ty khác để làm tăng giá cổ phiếu". (Nguồn:asiaglobalonline)

Chính thời gian này thực sự đã làm cuộc “hôn nhân” giữa các công ty công nghệ lớn và lĩnh vực tài chính trở nên bền chặt. Sự bùng nổ của các cổ phiếu công nghệ được tài trợ thông qua chính sách nới lỏng định lượng đòi hỏi phải có thêm nhiều khán giả truyền thông xã hội và các cú click chuột để đảm bảo giá trị của công ty và trò chơi đã được triển khai để thu hút người dân. Điều này phát huy tác dụng cho Facebook và Twitter, nhưng doanh nhân Trung Quốc lại có ý tưởng của riêng họ.

Hơn nữa, nếu khán giả truyền thông xã hội là thước đo của giá trị doanh nghiệp thì tại sao Trung Quốc phải để mất đi 1,4 tỷ khách hàng cho Facebook và Twitter khi mà bản thân Trung Quốc có thể tạo ra các lựa chọn thay thế bao gồm các nền tảng truyền thông xã hội như Weibo và WeChat và tạo một sân chơi bình đẳng hơn.

Phân tách khó tránh khỏi

Đây chính là điểm khởi nguồn của các xung đột. Chiến tranh thương mại không phải về đậu tương, mà là về khán giả truyền thông xã hội, các cú click chuột, tài chính và tỷ phần nợ không bền vững chỉ cần một biến động nhẹ có thể làm hệ thống hậu Bretton-Woods sụp đổ.

Cuộc “hôn nhân” quỷ quyệt giữa tài chính, độc quyền công nghệ, tổ hợp công nghiệp - quân sự và quyền lực ngầm đã tạo ra một hệ thống quản trị mới mà sự ổn định của nó chỉ có thể được bảo đảm thông qua việc tạo ra những căng thẳng xã hội. Thương mại và dịch vụ rơi tự do và mọi thứ hoạt động xung quanh một nguyên tắc - giữ cho thị trường vốn luôn được bơm căng thông qua các khoản tiền đầu tư được hỗ trợ bởi nợ và rót vào các công ty công nghệ độc quyền tham gia tạo dựng sự thù hận, tư duy tăng cường kiểm soát, xúc cảm và những lá phiếu.

Tuy nhiên, khó có thể kiểm soát được tư tưởng và lá phiếu của những người lựa chọn các sản phẩm công nghệ khác. Đó là lý do Tổng thống Trump, ông Mark Zuckerberg và các quyền lực ngầm không thích TikTok và Tencent của Trung Quốc.

Đối với Trung Quốc, phân tách với Mỹ không phải là một lựa chọn, mà bị đẩy vào tình thế không được lựa chọn. Với tất cả các nỗ lực đã thực hiện cho đến nay để đưa đến thế giới liên kết, hội nhập thì phân tách là thứ không hề dễ chịu.

Không có lý do gì một môi trường thương mại toàn cầu hội nhập phải bị phân tách. Bản chất của sự phân tách này tương đồng với một giai đoạn khác trong thế kỷ trước, đưa nhân loại vào một cuộc chiến tranh lạnh khác với rủi ro hiểm họa biến thành chiến tranh nóng.

Như thế, nhân loại như đang sống trong một thế giới phân đôi. Trong tương lai sẽ có hai thế giới. Một thế giới vận hành với các chính sách đa phương, đa văn hóa và thực tế. Một thế giới vận hành với nguyên lý đơn phương, “độc canh” và ý thức hệ.

Đó là hình dung về một thế giới phân đôi. Tương lai được dự đoán là gì? Đó là nỗi buồn của Chiến tranh Lạnh. Một hành tinh. Hai thế giới.

(theo Beijing Review)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phan-tach-my-trung-quoc-mot-hanh-tinh-hai-the-gioi-123305.html