'Phận Tết' của những 'ôsin' trong bệnh viện

Năm hết Tết đến, những 'ôsin' trong bệnh viện tự 'nhốt' mình trong những căn buồng sực mùi thuốc mà rơi nước mắt.

Nghề trông coi, chăm sóc bệnh nhân

Nhìn dòng người hối hả, ngược xuôi chuẩn bị về quê ăn Tết, chị Thu Quảng, 40 tuổi (Hưng Yên) mắt ngân ngấn lệ. Đã 4 năm rồi chị không được đón Tết ở quê nhà. Xa quê, nhớ nhà, nhất là những ngày giáp Tết làm chị nghẹn ngào.

Cuộc đời chị Quảng là một chuỗi bất hạnh. Chị sinh ra ở làng quê nghèo khó, lập gia đình năm 20 tuổi. Kinh tế gia đình chỉ trông vào sào ruộng. 5 năm mà chưa có con, chị bị nhiếc móc vì “tội” không đẻ được. Vay mượn tiền đi chữa trị khắp nơi, hơn 1 năm sau đó, chị có thai nhưng hạnh phúc chưa tày gang, đứa trẻ sinh ra bị bệnh tim bẩm sinh. Lên 2 tuổi cũng là lúc con trai phải phẫu thuật tim. Vợ chồng chị lại xuôi ngược, chạy vạy vay gần trăm triệu đồng để chữa trị cho con.

Để trả nợ số tiền quá lớn, anh bàn với chị lên huyện làm nghề xe ôm. Nhưng chưa được bao lâu, chị thấy có người làng hớt hải đến báo chồng chị bị tai nạn đang nằm ở viện. Từ một người lành, anh thành tàn phế. Nợ cũ chưa trả, nay chị lại phải gánh thêm nợ tiền viện phí, thuốc men cho chồng. Lãi mẹ đẻ lãi con, số nợ ngày càng lớn.

Chồng tàn tật, con ốm yếu, làm nhà nông chẳng đủ ăn, nói gì đến việc trả nợ. Sau bao đêm suy nghĩ, chị bàn với chồng lên Hà Nội kiếm việc. Gửi chồng và con nhỏ cho ông bà nội chăm nom, một mình chị lên thành phố kiếm việc làm. Đang đứng lơ ngơ trước cổng bệnh viện chưa biết đi đâu về đâu, thấy một người ra chị hỏi có muốn làm “ôsin” trong bệnh viện không?. “Như chết đuối vớ được cọc”, chị gật đầu nhận ngay.

Kể từ hôm đó đã 4 năm chị gắn bó với nghề này. Theo chị, so với nhà nông, thu nhập của nghề “ôsin” trong bệnh viện là mơ ước. Hiện nay, chị có thu nhập trung bình từ 250 - 300 nghìn đồng/ngày, từ 7,5 triệu - 9 triệu đồng/tháng. Có bệnh nhân bị bệnh nặng, gia đình trả cao hơn, khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng. Nhưng có làm mới thấy sự cơ cực của nghề.

Bệnh nhân hầu hết đều là người già, bị bệnh nặng, đi lại, cử động rất khó khăn, vệ sinh không kiểm soát. Ngày nào chị cũng thay tã giấy, vệ sinh, xoa lưng, bóp tay chân cho bệnh nhân. Một ngày 3 bữa, chị cho bệnh nhân ăn cháo, uống thuốc.

Ở bệnh viện, bệnh nhân không đủ chỗ mà nằm nói gì đến chỗ cho “ôsin”. Ngày ngồi vật vạ, đêm ngồi dựa hành lang hoặc rải chiếu dưới gầm giường bệnh nhân. Ngày vất vả, đêm chị cũng chỉ tranh thủ ngủ, sẵn sàng bật dậy khi bệnh nhân cần.

Chị và nhiều người làm nghề đều giống nhau bởi khuôn mặt hốc hác, bơ phờ, hai hốc mắt thâm quầng, trũng sâu vì những đêm mất ngủ triền miên. Suốt cả đêm ngồi bên giường người bệnh, chị phải thức canh chừng bệnh tật thất thường của bệnh nhân. Cứ chợp mắt lại phải choàng tỉnh để kiểm tra sức khỏe, theo dõi máy móc hay trở người cho bệnh nhân đỡ mỏi. Bất cứ cử động gì của bệnh nhân, chị cũng phải biết. Sức khỏe người bệnh ra sao, chị đều phải báo ngay cho bác sĩ.

Nỗi cơ cực của ôsin trong bệnh viện. (Ảnh: Hoài Nhân)

Nỗi cơ cực của ôsin trong bệnh viện. (Ảnh: Hoài Nhân)

Những ngày đầu, chị suýt bỏ nghề bởi người bệnh liên tục nôn trớ vào người rồi bị ám ảnh mỗi khi thay tã cho bệnh nhân đến nỗi không ăn uống được gì. Có những hôm về nhà, trên người nồng nặc mùi người bệnh. Nhưng làm được 1 tuần, chị dần quen.

Theo chị, nghề này cần nhất là sự chịu khó, nhẫn nại và đặc biệt không chê… bẩn thỉu, hôi hám. Người nào tự ái, không biết thông cảm, cũng chẳng thể làm được. Người bệnh vốn đau yếu, tâm, sinh lý thay đổi thất thường, những “ôsin” như chị còn phải lĩnh đủ những lời mắng nhiếc vô cớ của người bệnh.

Tết đến, cả bệnh nhân, “ôsin” đều khóc

Chị kể, chỉ tính riêng trong khoa đột quỵ chị đang phục vụ bệnh nhân có khoảng 4 - 5 người làm “ôsin”. Nhưng những ngày Tết, chỉ có chị ở lại.

4 năm đón Tết tại bệnh viện là 4 năm chị rơi biết bao nước mắt nhớ bố mẹ, nhớ chồng con, nhớ làng quê. “Tết, ai chẳng muốn về quê sum họp với gia đình. Nhưng vì hoàn cảnh, mình phải chấp nhận. Gia đình ở quê đều trông chờ vào đồng lương mình gửi về” - chị chia sẻ. 5 ngày Tết, được trả công 700 - 800 nghìn đồng/ngày. Chị cố ở lại để dành tiền trả hết số nợ của gia đình.

Chị nhớ năm trước, đúng giao thừa, cả chị và bệnh nhân ôm nhau khóc. Lần ấy, chị chăm sóc bệnh nhân bị bệnh tim mạch. Gia đình bà ấy rất khá giả. Thấy mẹ bệnh, lấy lý do lo tiền chữa trị, 3 người con bà họp lại bán căn nhà mặt phố ở quận Hai Bà Trưng được 10 tỉ đồng. Họ chia nhau, để lại cho mẹ già vài trăm triệu tiền chữa bệnh. Họ thuê chị chăm sóc ở bệnh viện.

Suốt những ngày giáp Tết đến ngày giao thừa, chẳng có con, cháu nào đến thăm, nghĩ phận đau yếu, gần đất xa trời, bà mẹ tủi phận khóc. Một cảnh bị "bỏ rơi", một cảnh xa chồng, con đau ốm, tàn tật, cả bệnh nhân lẫn “ôsin” đều ôm nhau khóc rưng rức trong đêm giao thừa lạnh lẽo, vắng lặng.

Biết chị năm nay không về, một người cùng làm nghề nhờ chị trông coi bệnh nhân của họ giúp. Chị phải gồng mình làm việc gấp 2 lần. Dù vất vả, nhưng chị vẫn cố. Phần vì muốn thêm thu nhập, nhưng quan trọng hơn, chị muốn làm để quên đi nỗi quạnh hiu, buồn tủi, mong những ngày Tết trôi qua thật nhanh.

Chăm bệnh nhân ốm, ốm chẳng ai chăm mình

Hoàn cảnh buồn hơn chị Quảng là ông Từ Ninh (55 tuổi, quê Hà Nam). Ông gắn bó với nghề này được 3 năm. Mất cha mẹ từ nhỏ, 14 tuổi ông lên Hà Nội kiếm sống. Ông làm đủ nghề: đạp xích lô, cửu vạn, bốc vác… Số ông lật đật về duyên số, ông chẳng lấy được ai, ở một mình trong ngôi nhà cấp 4 ở ngoài đê.

Một lần, lũ trẻ con hàng xóm sơ ý, làm cháy ngôi nhà nhỏ của ông. May ông không ở nhà, nên thoát nạn. Nhìn ngôi nhà hàng chục năm tích cóp xây dựng, nay cháy rụi, ông buồn chán. Lẽ nào đi bắt đền lũ trẻ? Ông tặc lưỡi cho qua, coi đó là vận hạn của mình. Ông không biết tìm cách nào để có tiền xây lại nhà. Vô tình, đọc mẩu tin trên báo cần “ôsin” chăm sóc bệnh nhân nam, ông đã tìm tới.

Theo ông Ninh, nhiều bệnh nhân nam không muốn cho phụ nữ chăm sóc, chỉ muốn đàn ông thay đồ cho mình cho đỡ ngại. Có ông làm, bệnh nhân vừa yên tâm lại có người bầu bạn, chuyện trò.

Hiếm “ôsin” nam, ông chẳng mấy khi rỗi việc. Hết bệnh nhân này tới bệnh nhân khác cần ông giúp đỡ. Nhà cháy rụi, ông tá túc tại hành lang bệnh viện. Cũng như năm trước, Tết năm nay, ông đón Tết tại bệnh viện. Ông bùi ngùi: “Nhà cháy rồi, còn đâu mà về. Tuổi như tôi mong có một gia đình, có vợ con chăm sóc. Tôi cần có chỗ chui ra chui vào nhưng vợ con không có, nhà thì cháy rồi, còn đâu mà về?”.

Mùng 1 Tết năm trước, công việc vất vả, ông lăn ra ốm. Một mình ông nằm vạ vật ở hành lang. Ông chả dám khám bệnh, mua vài viên thuốc uống qua quýt. “Khỏe thì mình chăm sóc họ, lúc ốm nằm một mình, cô đơn, tủi thân lắm. Tôi cố làm vài năm, tích cóp xây lại nhà cấp 4 và có chút tiền dưỡng già. Mong muốn ấy chẳng biết có thành hiện thực không?” - ông thở dài buồn bã.

“Cố nén mà Tết đến nước mắt vẫn rơi” - ông Ninh ngậm ngùi.

Thùy Dương

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/phan-tet-cua-nhung-osin-trong-benh-vien-post503386.html