Phan Thanh Hậu gặp thách thức lớn khi rời HAGL

Liên tiếp gặp phải những chấn thương nặng từ khi khoác áo CLB TP.HCM, cầu thủ đang được HAGL cho mượn bắt đầu cảm nhận sự khắc nghiệt của V.League bên ngoài đội bóng.

Mới chơi 44 phút đầu tiên cho đội bóng mới, Thanh Hậu đã rời sân bằng cáng. Anh thậm chí không thể tự rời sân mà phải nhờ bác sĩ cõng ra xe buýt. Trận đấu đầu tiên quá đáng tiếc cho tiền vệ 24 tuổi.

Thanh Hậu vào sân từ phút 46 thay cho Bùi Văn Đức. Anh lĩnh một cú vào bóng bằng hai chân từ phía sau của tiền vệ Võ Ngọc Toàn bên phía CLB Đà Nẵng ở phút bù giờ thứ 3. Xem lại pha chiếu chậm, Hậu may mắn không gãy chân bởi cú triệt hạ làm chân phải anh quắp lại.

Một quyết định dũng cảm

Đoạn video sau trận đấu do CLB TP.HCM ghi lại cho thấy Thanh Hậu đau đớn muốn khóc vì tổn thương ở cổ chân. Bác sĩ phải chườm đá để giảm đau cho cầu thủ mang áo số 6. Anh nghỉ ít nhất 2 tuần mới bình phục.

Điều đáng nói là trọng tài Nguyễn Viết Duẩn bỏ qua pha phạm lỗi của Ngọc Toàn. Cầu thủ mang áo số 5 của đội chủ nhà thậm chí không bị phạt thẻ. Trọng tài chính bị cuốn vào pha va chạm của tiền đạo Rafaelson vì có trọng tài thứ 4 can thiệp. Ông rút thẻ vàng cho ngoại binh này. Còn Thanh Hậu nằm đau đớn ngoài đường biên.

 6 mùa giải ở HAGL, Thanh Hậu có 44 trận đấu với tần suất ra sân không thường xuyên khi luôn là phương án dự phòng. Ảnh: Quang Thịnh.

6 mùa giải ở HAGL, Thanh Hậu có 44 trận đấu với tần suất ra sân không thường xuyên khi luôn là phương án dự phòng. Ảnh: Quang Thịnh.

Đây không phải lần đầu tiên Hậu nghỉ hơn 10 ngày vì chấn thương từ khi đến CLB TP.HCM. Anh từng bị căng cơ đùi sau trận thắng 1-0 trước CLB Sài Gòn trước thềm giải đấu tứ hùng trên sân Thống Nhất hồi tháng 12. Tuy nhiên, anh cũng kịp trở lại khi tân HLV Polking dẫn dắt đội bóng sau quãng thời gian cách ly.

Trong một mùa giải, một cầu thủ phải nghỉ thi đấu hơn 10 ngày đến hai lần vì chấn thương, thì cơ hội giành suất đá chính xem như trao lại cho đồng đội khác. Với trường hợp của cầu thủ quê Đức Nhuận (Quảng Ngãi), anh đang trong giai đoạn chứng minh năng lực để HLV Polking chốt bộ khung cho chặng đường dài ở V.League 2021.

Thanh Hậu đến CLB TP.HCM là để tìm cơ hội mới, được chơi bóng nhiều hơn là xem người khác thi đấu, để không phải là chiếc bóng của cầu thủ nào, trở thành sự lựa chọn hàng đầu và có sự cạnh tranh công bằng hơn. Với bản hợp đồng cho mượn kéo dài 2 năm từ HAGL, Hậu có tất cả cơ hội trên để khẳng định bản thân mình.

Cầu thủ sinh năm 1997 quyết định ra đi 2 năm, chứ không phải là một năm như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường từng rời phố núi. Trung vệ Trần Hữu Đông Triều từng rời HAGL 2 năm để đến CLB Bình Dương, nhưng cầu thủ này chưa làm được điều mình muốn khi rời xa phố núi. Thanh Hậu phải khác, vì đó là điều anh trăn trở.

Chia sẻ lần đầu với Zing khi về CLB TP.HCM, Phan Thanh Hậu nói: "Tôi đã trăn trở nhiều năm trước khi xin CLB cho ra đi (theo dạng cho mượn). Có nhiều vấn đề trong nhiều năm trước khiến tôi chưa đi được. Năm nay, tôi quyết tâm xin ra đi để tìm cơ hội mới cho mình, giúp mình phát triển nhiều hơn, cạnh tranh sòng phẳng hơn".

 Bản mô tả mà nhà báo Duerden nói về Thanh Hậu sau khi theo dõi anh ở đội U19 Việt Nam.

Bản mô tả mà nhà báo Duerden nói về Thanh Hậu sau khi theo dõi anh ở đội U19 Việt Nam.

Bản danh sách đáng quên

Nhắc đến Phan Thanh Hậu là nhắc đến bản danh sách từng khiến anh sống những ngày không yên bình ở Trung tâm Bóng đá Hàm Rồng. Năm 2014, nhà báo người Australia John Duerden đưa Hậu vào tốp 40 tài năng trẻ thế giới của tờ Guardian (Anh). Hậu nổi tiếng mà không hiểu vì sao mình lại được chú ý dù không thi đấu nhiều.

Đó là cú sốc đầu đời của cậu bé 18 tuổi. Cuộc sống lẫn những buổi tập giữa rừng cao su ở huyện Đắk Đoa của Hậu đảo lộn. Anh được truyền thông quan tâm nhiều hơn, đặt vấn đề và phân tích nhiều hơn sau một cái danh sách ở đâu đó bên trời Âu mà anh không biết. Tuy nhiên, nó thực sự đã ảnh hưởng đến sự nghiệp của anh.

Trong một nỗ lực tìm câu trả lời từ nhà báo Duerden về bản danh sách năm 2014, ông nói một cách thật lòng rằng: "Thật ra, tôi không thể nhớ nổi vì sao mình lại chọn cậu ấy. Chuyện gì xảy ra với Hậu? Phải chăng có quá nhiều áp lực sau bản danh sách đó?". Tác giả người Australia không tin ông đã thay đổi sự nghiệp một cầu thủ.

Tất nhiên, Thanh Hậu đã quen với câu chuyện này từ nhiều năm qua. Điều quan trọng là sau nhiều năm nằm chờ thời ở HAGL, anh cũng quyết vực dậy cái triển vọng còn lại trong mình, đó là đam mê. Bầu Đức từng nói Thanh Hậu và Lương Hoàng Nam sẽ thay thế cặp Tuấn Anh - Xuân Trường. Tuy nhiên, ngày đó mãi vẫn chưa tới, trong khi cả hai đã mỗi người một hướng, còn Xuân Trường - Tuấn Anh vẫn ở đó.

Sáu mùa giải V.League trôi qua từ khi HAGL đôn lứa U19 lên giải VĐQG thi đấu, Thanh Hậu có 44 trận và 1785 phút. Tính trung bình mỗi trận, Hậu thi đấu 40,5 phút. Mùa giải 2016, khi Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường được "xuất khẩu" ra nước ngoài, đó cũng là lúc Hậu được chơi nhiều nhất. Anh ra sân 13 trận với 521 phút. Đó là chỉ số cao nhất, sau đó thống kê từng mùa giảm dần đến Hậu xin đi.

 Môi trường mới tạo ra cơ hội và động lực cho một cầu thủ trẻ như Thanh Hậu thay đổi bản thân và phát triển tư duy. Ảnh: CLB TP.HCM/Cao Toàn.

Môi trường mới tạo ra cơ hội và động lực cho một cầu thủ trẻ như Thanh Hậu thay đổi bản thân và phát triển tư duy. Ảnh: CLB TP.HCM/Cao Toàn.

Tuy nhiên, có một yếu tố mà Thanh Hậu cần cải thiện dù trong màu áo HAGL hay CLB TP.HCM. Đó là cân nặng của cơ thể và sức mạnh cơ bắp. Anh có 60 kg khi đến TP.HCM và Hậu đặt mục tiêu ban đầu là phải tăng thêm 3-4 kg nữa. CLB TP.HCM luôn dùng chuyên gia nước ngoài từ khi lên hạng, nên các cầu thủ được tiếp thu các kiến thức bổ trợ dinh dưỡng một cách chuyên nghiệp.

Chưa có cầu thủ nào rời HAGL mà thành công ngay lập tức. Thanh Hậu gặp thách thức lớn khi vừa phải cải thiện bản thân vừa phải cạnh tranh và thích nghi với môi trường mới. Sự khắc nghiệt của V.League dành cho Hậu mới bắt đầu bằng những chấn thương. Khi Lee Nguyễn ra mắt, ngôi sao giải MLS là động lực lớn cũng có thể là cái bóng to để thử thách tốp 40 tài năng trẻ thế giới 2014.

Quang Thịnh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phan-thanh-hau-gap-thach-thuc-lon-khi-roi-hagl-post1175150.html