Phan Thiết: Đưa pháp luật đến nhân dân vùng biên giới biển

Những năm qua, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố đã triển khai nhiều biện pháp để đưa kiến thức pháp luật đến với nhân dân khu vực biên giới biển. Khi đã hiểu hơn về những quy định của pháp luật, nhân dân không những tự giác chấp hành mà còn tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương...

Phan Thiết

Đồn Biên phòng Thanh Hải và UBND phường Thanh Hải phát động phong trào “Toàn dân tham gia phòng chống dịch Covid-19 và xuất nhập cảnh trái phép” vào tháng 5/2021.

Đồn Biên phòng Thanh Hải và UBND phường Thanh Hải phát động phong trào “Toàn dân tham gia phòng chống dịch Covid-19 và xuất nhập cảnh trái phép” vào tháng 5/2021.

Khu vực biên giới biển Phan Thiết dài 57 km (kéo dài từ khu phố Suối Nước, phường Mũi Né đến thôn Tiến Phú, xã Tiến Thành), gồm 10/18 xã, phường với trên 31.500 hộ/140.800 khẩu. Nhân dân sống chủ yếu bằng nghề khai thác, chế biến hải sản, buôn bán, kinh doanh du lịch và dịch vụ. Để các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố, nhất là nhân dân khu vực biên giới biển nâng cao hiểu biết pháp luật, Phan Thiết xác định phải đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến; quá trình thực hiện phải thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, xác định đối tượng cụ thể để tuyên truyền cho phù hợp.

Trên cơ sở đó, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các phường, xã đã chủ động biên soạn các luật, bộ luật, nghị định thành bài giảng, giáo án; in ấn các tờ rơi, pano, áp phích phục vụ tuyên truyền. Nhiều đơn vị, địa phương còn thành lập các câu lạc bộ, trung tâm tư vấn pháp luật, tủ sách pháp luật, thành lập các tổ, đội thanh niên xung kích tuyên truyền pháp luật. Đồng thời tổ chức tọa đàm, thi tìm hiểu các luật; đối thoại trực tiếp, kết hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai, hôn nhân, môi trường... với phổ biến pháp luật. Từ năm 2017 đến nay, các phường, xã trên địa bàn thành phố còn phối hợp với Đồn Biên phòng Thanh Hải, Mũi Né cùng các đơn vị tổ chức tuyên truyền Luật Thủy sản và những văn bản của Tỉnh ủy cho gần 3.000 lượt người là chủ các tàu thuyền. Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố cũng phổ biến quy định về bình đẳng giới, phòng chống mua bán người, Luật Hôn nhân và gia đình... với sự tham gia của hàng trăm lượt cán bộ, hội viên. Vì thế, tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới biển.

Qua phát động, tuyên truyền pháp luật, người dân đã tự nguyện tham gia nhiều hoạt động trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng văn minh đô thị, phòng chống dịch Covid-19. Để giữ gìn an ninh tuyến biển, nhân dân còn tham gia vào các tổ tự quản, chủ động phối hợp với lực lượng công an, quân sự, biên phòng trong phòng ngừa, đấu tranh trấn áp các loại tội phạm. Thống kê cho thấy, giai đoạn 2017 – 2021, nhân dân các địa phương ven biển đã cung cấp thông tin giúp lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 78 vụ/97 đối tượng mua bán tàng trữ, sử dụng ma túy; 15 vụ/15 đối tượng tàng trữ, sử dụng vật liệu nổ để đánh bắt thủy sản; xử lý 4 vụ buôn lậu, gian lận thương mại; bắt 1 đối tượng truy nã... Qua đó góp phần không nhỏ trong việc giữ vững ổn định tình hình an ninh trật tự, hạn chế các loại tệ nạn, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

UBND TP. Phan Thiết cho biết, dù đạt nhiều kết quả quan trọng, song chưa có sự đột phá về hình thức tuyên truyền pháp luật, tình hình tệ nạn xã hội vẫn phức tạp. Thời gian tới, thành phố sẽ chỉ đạo các địa phương phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Tiếp tục mở các lớp tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; thường xuyên nắm tình hình tư tưởng, nguyện vọng của nhân dân để kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh cho phù hợp.

TẤN THÀNH

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/phap-luat/phan-thiet-dua-phap-luat-den-nhan-dan-vung-bien-gioi-bien-139279.html