Phần thưởng xứng đáng cho người có uy tín ở Gia Lai
Từ ngày 10 đến 15-12, Công an tỉnh Gia Lai tổ chức cho 30 người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại Hà Nội và một số tỉnh miền Trung. Đây là hoạt động thường niên nhằm động viên những người có uy tín có thành tích xuất sắc trong phong trào 'Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc'.
Đoàn tham quan gồm các già làng, trưởng thôn, chức sắc, chức việc tôn giáo, cán bộ, công chức và người có uy tín đại diện cho hơn 1.000 người uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Theo lịch trình, đoàn đến tham quan các danh lam, thắng cảnh, khu di tích ở Thủ đô Hà Nội, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế. Ông Rmah Phiar (SN 1964, người có uy tín ở huyện Chư Sê) chia sẻ: “Tôi rất vui khi được tham gia chuyến đi, được ngắm nhìn vẻ đẹp của quê hương, đất nước. Trở về làng, tôi sẽ kể cho bà con nghe đất nước mình giàu đẹp như thế nào. Tôi ấn tượng nhất là cảm giác khi được vào viếng Lăng Bác. Đối với tôi, Bác Hồ là hình ảnh thiêng liêng, cao quý. Được đến viếng Lăng Bác, lòng tôi bồi hồi xúc động, không sao diễn tả được bằng lời”.
Ông Phiar là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Vel, xã Ia Ko, huyện Chư Sê. Trước đây, một số người dân trong làng bị FULRO lưu vong xúi giục vượt biên. Đau lòng vì bà con mắc mưu kẻ xấu, ông Phiar tích cực cùng lực lượng Công an và hệ thống chính trị thôn tuyên truyền người dân không nghe, không tin FULRO, “Tin lành Đê ga”, không vượt biên. Bên cạnh đó, ông còn hướng dẫn dân làng trồng hồ tiêu, cà phê, nuôi thêm gia súc để tăng thu nhập. Những nỗ lực của ông đã góp phần cải thiện đời sống của bà con, nhiều hộ thoát nghèo, trẻ em được học hành. Từ năm 2015 đến nay, làng Vel không có đối tượng hoạt động FULRO, “Tin lành Đê ga”, không có người vượt biên. Ông Phiar cũng là người trực tiếp cảm hóa, giáo dục 2 đối tượng mãn hạn tù và 1 đối tượng từng vượt biên trở về làng, giúp họ xóa bỏ mặc cảm, tự ti để ổn định cuộc sống. Với lòng nhiệt tình, luôn mong muốn đem lại những điều tốt đẹp cho bà con, ông là cánh tay đắc lực của lực lượng Công an trong công tác bảo đảm an ninh trật tự ở buôn làng. Chuyến tham quan như một phần thưởng xứng đáng cho những đóng góp của ông Phiar cũng như 29 người có uy tín tiêu biểu khác.
Trong chương trình chuyến đi, chiều 12-12, tại Hà Nội, đoàn đã được Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt-Cục trưởng Cục An ninh nội địa-thay mặt lãnh đạo Bộ Công an tiếp đón. Tại buổi tiếp, các đại biểu đã trao đổi về những kinh nghiệm, cách làm hay trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại buổi tiếp, Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn-Phó Giám đốc Công an tỉnh-khẳng định: “Bằng kinh nghiệm và hiểu biết, bằng tình thương yêu với bà con, buôn làng, người có uy tín thực sự là cầu nối giúp lực lượng Công an tuyên truyền Nhân dân cảnh giác, đấu tranh với các loại tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Họ là tấm gương để bà con học tập, noi theo, là chỗ dựa về tinh thần để những người lầm lỡ vươn lên làm lại cuộc đời. Hàng ngàn lượt người có uy tín trong đồng bào DTTS là nòng cốt của các tổ an ninh nhân dân, tổ tự quản về an ninh trật tự, an toàn giao thông, tham gia nhiều mô hình phòng-chống tội phạm như: “3 phòng, 3 chống”, “3 tự quản”, “Khu dân cư an toàn, bình yên, không có tội phạm”... Điển hình trong xây dựng, duy trì các tổ tự quản về an ninh trật tự là ông Yaih (làng Chúet Ngol, xã Chư Á, TP. Pleiku), ông Puih Nhen (làng Bek, xã Ia Bă, huyện Ia Grai); tích cực trong vận động các đối tượng theo “Tin lành Đê ga” quay lại sinh hoạt tôn giáo thuần túy có ông Rah Lan Tuông (thôn 6, xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông), ông Ksor Kin (buôn Chơ Ma, xã Ia Trok, huyện Ia Pa), ông Rmah Ngoai (buôn Sô Ma Hang B, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện), ông Rmah Phiar (làng Vel, xã Ia Ko, huyện Chư Sê); trong tuyên truyền, vận động bà con không tin, không theo tà đạo “Hà Mòn” có ông Uốt (làng Kdung 1, xã Hà Ra, huyện Mang Yang). Còn ông Lek (làng O Đất, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) điển hình trong cảm hóa, giáo dục đối tượng lầm lỡ tại cộng đồng, tham gia giải quyết hiệu quả mâu thuẫn liên quan đến hủ tục “ma lai, thuốc thư”.
Chia sẻ về một số kinh nghiệm tuyên truyền, vận động đồng bào theo tôn giáo, ông Ksor Kin cho hay: “Tôi là trưởng một điểm nhóm tôn giáo với hơn 500 tín đồ. Trong các buổi sinh hoạt tôn giáo tập trung, tôi thường lồng ghép tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương để bà con hiểu, chấp hành đúng. Ngoài ra, tôi còn phối hợp với lực lượng Công an tuyên truyền giúp bà con cảnh giác với âm mưu lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; tuyên truyền, vận động một số đối tượng từ bỏ “Tin lành Đê ga” để sinh hoạt tôn giáo thuần túy tại điểm nhóm của tôi, sống tốt đời-đẹp đạo”.
Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt mong muốn người có uy tín tiếp tục đồng hành, giúp đỡ lực lượng Công an hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con gương mẫu thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nêu cao cảnh giác với mọi luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của kẻ địch và các phần tử xấu, góp phần giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc.