Phân tích rõ những yếu tố trong tăng trưởng GDP

Ngày 31/10, tiếp tục thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao kết quả chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội thời gian qua, tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cần phân tích rõ những yếu tố đóng góp vào tăng trưởng GDP để có những kế hoạch sát thực tế hơn trong thời gian tới.

GDP không nên là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá năng lực lãnh đạo

Đánh giá cao kết quả công tác chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ trong năm 2019, cụ thể trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường và đối mặt với nhiều rủi ro và suy giảm, Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF liên tục điều chỉnh tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới từ 3,6% xuống còn 3%,…nhưng kinh tế nước ta vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao từ 6,2% năm 2016 lên 6,98% trong 9 tháng năm 2019.

Cần làm rõ các yếu tố đóng góp vào tăng trưởng GDP

Cần làm rõ các yếu tố đóng góp vào tăng trưởng GDP

Tuy nhiên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) nêu câu hỏi, tăng trưởng GDP được trả bằng giá nào, với những hệ lụy gì và nó được phân phối, phân bổ như thế nào, có bền vững hay không?. Dẫn Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ, đại biểu Nghĩa cho rằng, Chính phủ cần nghiên cứu và đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi nói trên.

“Tôi nói ví dụ, chúng ta hay nói con số doanh nghiệp đăng ký, nhưng Báo cáo thẩm tra chỉ ra là xem lại những doanh nghiệp chờ giải thể” – Đại biểu Nghĩa nêu ví dụ và chỉ rõ, có tình trạng doanh nghiệp trốn thuế hay làm ăn không đàng hoàng rồi đóng cửa, tạm ngưng rồi thành lập doanh nghiệp khác.

Đặc biệt, theo vị đại biểu đoàn TP. Hồ Chí Minh, GDP không nên là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá năng lực lãnh đạo và thành tích của các địa phương. Luận giải cho quan điểm của mình, ông Nghĩa cho rằng, với những vùng phên dậu của đất nước thì chúng ta đánh giá người lãnh đạo ở đó khác, không thể chạy theo GDP, nó sẽ dẫn đến chuyện là chạy theo con số được đo bằng tiền và tăng trưởng bằng cách đổ vốn ra để làm những công trình này, công trình kia mà không quan tâm đến nhiệm vụ chính của những vùng miền đó. Tương tự, với những khu vực cần phải bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng mà để xảy ra nạn tàn phá rừng thì phải đánh giá người lãnh đạo đó là không hoàn thành nhiệm vụ.

“Cho rằng GDP đạt được 5% hay 7% và để cho dân của mình bỏ những vùng, miền đấy, không sinh sống được ở những vùng miền đó thì người lãnh đạo không hoàn thành nhiệm vụ” – Địa biểu Nghĩa nói và bổ sung, hiện chúng ta đã có hệ thống phân bổ, những nơi làm được nhiều, thuận lợi về phát triển kinh tế phải san sẻ cho những nơi khác. Do đó, về phương pháp luận, đại biểu cho rằng, nếu chúng ta không đánh giá đúng về GDP thì sẽ dẫn đến tình trạng chạy đua và sẽ chệch hướng.

Đầy mạnh xuất khẩu nhưng không bỏ quên thị trường trong nước

Phân tích tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đặt trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới đang có nhiều biến động, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) nêu rõ, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang tác động nhiều chiều đến kinh tế nước ta, vừa có thuận lợi và không thuận lợi. Trong đó, bất lợi là do Trung Quốc phá giá mạnh đồng Nhân dân tệ và Việt Nam nhập siêu hàng hóa từ Trung Quốc tăng cao trong khi đó, tình trạng gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa diễn biến phức tạp. Đưa số liệu chứng minh, đại biểu Ngân chỉ rõ, trong 10 tháng năm 2019, chúng ta nhập khẩu từ Trung Quốc 62 tỷ USD, tăng 16,1%, dẫn đến nhập siêu từ thị trường Trung Quốc trên 29 tỷ USD, cao hơn năm 2018.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Cần tiếp tục triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tiến đến “Người Việt Nam thích dùng hàng Việt Nam”

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Cần tiếp tục triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tiến đến “Người Việt Nam thích dùng hàng Việt Nam”

Trong khi đó, theo đại biểu, thuận lợi mà chúng ta có được là khi hàng hóa của Trung Quốc bị áp thuế cao trên thị trường của Mỹ, giúp hàng hóa nước ta vào thị trường Mỹ tăng cao. Cụ thể, trong 10 tháng năm 2019, Việt Nam đã xuất khẩu vào Mỹ 49,9 tỷ USD tăng 26,6% so với cùng kỳ và xuất siêu vào thị trường Mỹ 37,9 tỷ USD.

Tổng hợp số liệu từ năm 2016 đến tháng 10/2019, đại biểu Ngân cho biết, nước ta đã xuất siêu 19,7 tỷ USD, góp phần cải thiện cán cân thanh toán vãng lai, cán cân thanh toán quốc tế và tăng dự trữ ngoại hối.

Tuy nhiên, theo đại biểu, điều cần lưu ý là trong tổng kim ngạch xuất khẩu thì 70% đến từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

“Đây phải chăng là yếu tố dẫn đến vấn đề chúng ta xây dựng chỉ tiêu nhập siêu. Lúc nào chúng ta cũng xuất siêu, trong 4 năm liên tiếp chúng ta xuất siêu, nhưng chỉ tiêu chúng ta xây dựng là nhập siêu, có thể do phần lớn là xuất khẩu từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” – Đại biểu Trần Hoàng Ngân băn khoăn.

Chỉ rõ tình trạng nhiều nước trên thế giới đang thực hiện chính sách bảo hộ mậu dịch, tạo ra nhiều rào cản thương mại, đại biểu Ngân đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu, triển khai có hiệu quả các Hiệp định FTA mà chúng ta đã ký kết để mởi rộng thị trường cho hàng hóa Việt Nam thì cũng cần quan tâm hơn nữa đến thị trường trong nước, thị trường 96 triệu dân thu nhập bình quân đầu người đã tăng cao, từ 1.310 USD năm 2010 lên đến 2.780 USD/người trong năm nay.

Đặc biệt, cần tiếp tục triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tiến đến “Người Việt Nam thích dùng hàng Việt Nam”.

Thu Hằng - Hoàng Châu

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phan-tich-ro-nhung-yeu-to-trong-tang-truong-gdp-127490.html