Phản ứng chính sách kịp thời hơn

Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV diễn ra vừa qua, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, có 3 lý do dẫn đến tình trạng nguồn cung xăng dầu ngày càng khan hiếm.

Thứ nhất là do những ngày qua, nguồn cung thế giới ngày càng khan hiếm, châu Âu và các nền kinh tế lớn tăng mua trước hạn 25.11 khi phương Tây tiếp tục áp lệnh cấm vận đối với Nga. Thứ hai là tỷ giá các ngoại tệ có thể nhập khẩu xăng dầu như USD, Euro liên tục thay đổi tỷ giá gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu. Thứ ba là việc tiếp cận vốn, ngoại tệ để được bảo lãnh nhập, hỗ trợ thanh toán của nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu cho vay và bảo lãnh của ngân hàng.
Bởi vậy, tình trạng đứt gãy cục bộ nguồn cung trong hệ thống tiếp tục diễn ra thêm ở một số nơi, nhất là tại các thành phố lớn. Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã chỉ đạo ngành chức năng vào cuộc. Đến thời điểm này (khi trả lời chất vấn ngày 5.11), các ngành chức năng đã làm tốt hơn chức trách, nhiệm vụ của mình. Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc tích cực và hiệu quả hơn - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến công tác điều hành giá và bảo đảm nguồn cung xăng dầu, khi trả lời chất vấn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trước tình hình giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, Chính phủ đã chủ động kịp thời giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo thẩm quyền và đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường 2 lần đối với xăng dầu nhằm giảm giá, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Chính phủ cũng chủ động chỉ đạo quyết liệt sản xuất của 2 nhà máy lọc hóa dầu trong nước đang vận hành ở công suất tối đa, đáp ứng khoảng 70-80% nhu cầu.
Tuy vậy, thời gian gần đây, giá và nguồn cung xăng dầu tiếp tục biến động nhanh, chu kỳ ngắn, khó dự báo, chi phí đầu vào tăng. Trong khi đó, các cơ quan chức năng chậm điều chỉnh định mức chi phí; sử dụng Quỹ Bình ổn giá chưa thật sự hiệu quả, dẫn đến hoạt động kinh doanh khó khăn, gây thiếu nguồn cung tại một số địa phương, nhất là tại các thành phố lớn.
Đặc biệt, theo Thủ tướng, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý còn thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời ứng phó hiệu quả với diễn biến nhanh, phức tạp của thị trường quốc tế và trong nước. Các quy định thiết lập trong tình hình bình thường nhưng khi tình hình không bình thường, các phản ứng chính sách chưa kịp thời. Tình hình không bình thường đáng lẽ phải có biện pháp khác thường, nhưng vẫn dùng biện pháp bình thường.
Chính phủ sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc này và đang chỉ đạo các cơ quan liên quan phản ứng chính sách kịp thời, phối hợp hiệu quả để khắc phục bằng được hạn chế, yếu kém nêu trên, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong mọi tình huống. Bên cạnh đó, khẩn trương rà soát, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật liên quan, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu. Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước; tăng cường phòng chống buôn lậu, đầu cơ xăng dầu và công tác giám sát, kiểm tra, xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý nghiêm vi phạm; nghiên cứu, thực hiện nâng tổng mức dự trữ quốc gia và tăng cường năng lực sản xuất trong nước...
Thực tế, đã từng có thời điểm, tại một số tỉnh, thành phố đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh với các lý do như chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, các doanh nghiệp đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng. Do nhiều doanh nghiệp giảm mạnh chiết khấu bán hàng... Cho nên, câu hỏi căn cốt nhất vẫn là nguồn cung xăng dầu. Và như ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính thì thời gian tới, chắc chắn các phản ứng chính sách cần kịp thời hơn nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu.

Khương Ninh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/phan-ung-chinh-sach-kip-thoi-hon--i304296/