Phản ứng của các bên sau khi 4 vùng Ukraine công bố kết quả trưng cầu dân ý
Phần lớn người dân ở 4 khu vực Ukraine đã đồng ý sáp nhập vào Nga trong cuộc trưng cầu dân ý, quốc tế và các bên liên quan đã có những phản ứng trước kết quả này.
Tại 4 vùng Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson - vốn chiếm khoảng 15% diện tích lãnh thổ Ukraine, đa số người dân đã ủng hộ việc sáp nhập vào Nga, với tỉ lệ dao động từ 87% đến 99,2%.
Đại diện chính quyền vùng Donetsk Denis Pushilin cho biết: “Cuộc trưng cầu đã diễn ra. Chúng tôi đã đi một chặng đường dài để đạt được điều này và đây là thành quả to lớn. Sẽ không đúng nếu nói rằng chúng tôi không mong đợi một kết quả như vậy. Tôi tin vào Donbass. Tôi tin vào người dân của chúng tôi. Chúng tôi đã mong muốn điều này từ rất lâu. Chúng tôi đã mơ về điều đó vào năm 2014 và chúng tôi đã hành động sau đó, làm nên lịch sử. Vì vậy đây là một ngày lịch sử. Chúng tôi sắp đoàn tụ với đất mẹ rộng lớn của chúng tôi, với nước Nga vĩ đại”.
Theo kế hoạch, 4 người đứng đầu chính quyền 4 vùng này sẽ sớm ký một văn kiện sáp nhập Nga – đề nghị Tổng thống Nga Putin công nhận kết quả và chấp thuận cho việc gia nhập. Một loạt các thủ tục pháp lý đang được tiến hành theo đúng kế hoạch.
Về phía Nga, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Dmitry Medvedev sau khi có kết quả trưng cầu ý dân của 4 vùng Ukraine, đã viết trên mạng xã hội rằng: “Kết quả đã rõ ràng. Chào mừng bạn trở về nhà, đến với nước Nga”.
Còn người đứng đầu thượng viện Nga cho biết, cơ quan này có thể xem xét việc sáp nhập 4 vùng lãnh thổ vào ngày 4/10 tới.
Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vasily Nebenzya khẳng định, các cuộc trưng cầu ý dân tại Ukraine đã diễn ra một cách minh bạch. Tương lai, Nga sẽ phát triển 4 vùng lãnh thổ Ukraine sau khi sáp nhập – nơi mà ông cáo buộc chính quyền Kiev đang cố gắng tìm cách “san phẳng”.
Về phía Ukraine và các nước phương Tây, ngay từ đầu, họ đã chỉ trích các cuộc trưng cầu ý dân và tuyên bố sẽ không bao giờ công nhận kết quả.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) phải mạnh tay với Nga trong gói trừng phạt thứ 8: “Trong nội dung của gói trừng phạt thứ 8, chúng ta sẽ thấy EU xem vấn đề trưng cầu ý dân nghiêm túc đến mức độ nào. Cần phải có một phản ứng nghiêm túc, hiệu quả, với những bước đi chắc chắn, ảnh hưởng đến nền kinh tế Nga. Phản ứng trước các cuộc trưng cầu ý dân càng nhẹ nhàng thì Nga càng có động lực để leo thang và thôn tính các vùng lãnh thổ”.
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết, Mỹ sẽ đưa ra một dự thảo nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, kêu gọi các quốc gia thành viên không công nhận bất kỳ thay đổi nào đối với Ukraine và buộc Nga phải rút quân. Với việc Nga có quyền phủ quyết dự thảo này, bà Thomas-Greenfield cho rằng, điều đó sẽ thúc đẩy Washington đưa vấn đề này lên Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Trương Quân nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, phản đối sự cô lập chính trị và trừng phạt: “Những động thái mới đây nhắc nhở chúng ta một lần nữa rằng hòa bình là nhiệm vụ của tất cả. Đối đầu giữa các khối, sự cô lập chính trị, các biện pháp trừng phạt và gây áp lực sẽ chỉ dẫn đến một ngõ cụt. Nhiệm vụ trước mắt là thúc đẩy các bên mở ra cánh cửa cho một thỏa thuận chính trị càng sớm càng tốt và bao gồm việc tôn trọng các mối quan tâm chính đáng của các trong các cuộc đàm phán và đặt lên bàn tất cả các lựa chọn khả thi”.
Nếu Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ Ukraine, giới chức Nga từng cảnh báo, bất kỳ nỗ lực nào của Ukraine nhằm chiếm lại 4 khu vực này cũng đồng nghĩa với một cuộc tấn công nhằm vào chính Nga. Tuần trước, Tổng thống Nga Putin cho biết, sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ “sự toàn vẹn lãnh thổ” của Nga.