Phản ứng của cộng đồng quốc tế trước tình trạng bất ổn tại Peru

Chính phủ non trẻ tại Peru của Tân Tổng thống Dina Boluarte đang đứng trước áp lực vô cùng lớn. Các cuộc biểu tình phản đối chính phủ vẫn đang diễn ra bất chấp tình trạng khẩn cấp được ban bố.

Dù chính phủ áp đặt tình trạng khẩn cấp từ ngày 14/12, song các cuộc biểu tình vẫn đang diễn ra tại Peru và có xu hướng bạo lực. Nhiều vụ đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh, quân đội Peru đã xảy ra và có thương vong. Trước áp lực, 2 Bộ trưởng trong chính quyền non trẻ Peru đã tuyên bố từ chức. Quốc tế cũng đã có những phản ứng khác nhau trước những diễn biến phức tạp này tại Peru.

Cảnh sát đụng độ với người biểu tình ở Lima, Peru, hôm 9/12. Ảnh: AFP.

Cảnh sát đụng độ với người biểu tình ở Lima, Peru, hôm 9/12. Ảnh: AFP.

Chính phủ non trẻ tại Peru của Tân Tổng thống Dina Boluarte đang đứng trước áp lực vô cùng lớn. Các cuộc biểu tình phản đối chính phủ vẫn đang diễn ra bất chấp tình trạng khẩn cấp được ban bố.

Các khẩu hiệu của người biểu tình là ủng hộ cựu Tổng thống cánh tả Pedro Castillo bị Quốc hội phế truất và bắt giữ tuần trước. Họ kêu gọi giải tán Quốc hội ngay lập tức, Tân Tổng thống phải từ chức và tiến hành cuộc bầu cử sớm.

Tuy nhiên, điều mà người biểu tình Pê-ru mong muốn sẽ không dễ được đáp ứng. Hôm 16/12, Quốc hội Peru đã bác đề xuất của Tân Tổng thống Dina Boluarte về việc cải tổ Hiến pháp nhằm mở đường cho việc tổ chức một cuộc tổng tuyển cử sớm vào năm 2023. Với 49 phiếu thuận, 33 phiếu chống và 25 phiếu trắng, phiên họp toàn thể Quốc hội Peru đã không đạt đủ số phiếu cần thiết theo luật định để thực hiện việc cải tổ Hiến pháp.

Theo các nghị sĩ thuộc các đảng cánh tả ủng hộ cựu Tổng thống Castillo, họ muốn đưa vào văn kiện sửa đổi Hiến Pháp điều khoản thành lập một Quốc hội lập hiến bên cạnh việc kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử sớm.

Cùng ngày hôm qua, các cuộc biểu tình vẫn diễn ra. Nhiều sân bay đã phải đóng cửa do lo ngại người biểu tình tràn vào. Đến nay, đã có ít nhất 22 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương trong các vụ đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh Peru. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Bộ trưởng Bộ Văn hóa trong chính quyền của Tân Tổng thống Dina Boluarte hôm qua tuyên bố từ chức.

Tuy nhiên, trong một tuyên bố, Tân Tổng thống Peru, bà Dina Boluarte đã chỉ trích một số người biểu tình đã lợi dụng quyền hạn để tấn công cảnh sát và có các hành động phá hoại: "Cảnh sát và các lực lượng vũ trang đã được chỉ thị rõ ràng là phải bảo vệ sự an toàn và quyền lợi của người biểu tình. Tuy nhiên, tôi lên án mạnh mẽ hành vi phá hoại của một số người cực đoan đã lợi dụng thiện chí và quyền biểu tình của người dân để tấn công cảnh sát, binh lính, dân thường, các cơ quan công và tư".

Liên Hợp Quốc đã phải lên tiếng quan ngại về các báo cáo thương vong và giam giữ người tại Pê-ru. Dự kiến đầu tuần này, Ngoại trưởng Peru sẽ gặp Cao ủy Liên Hợp Quốc để giải đáp các quan ngại.

Trước đó, lãnh đạo 4 quốc gia hàng đầu Mỹ Latin gồm Mexico, Argentina, Bolivia và Colombia đã ra tuyên bố chung, trong đó đề nghị chính phủ Peru ưu tiên đáp ứng nguyện vọng của người dân. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã gọi hành vi phế truất cựu Tổng thống Castillo của Quốc hội Peru là một âm mưu đảo chính.

Trong khi, Tổng thống cánh tả Mexico Andres Manuel Lopez Obrador đã lên tiếng chỉ trích tình trạng khẩn cấp được áp đặt ở Peru, đồng thời vẫn gọi ông Castillo là tổng thống hợp pháp của Peru. Tổng thống Lopez Obrador cũng chỉ trích việc Đại sứ Mỹ tại Peru đã có cuộc gặp nhanh chóng với tân Tổng thống Peru và đặt câu hỏi về sự liên quan của Mỹ với những diễn biến chính trường Peru hiện nay./.

Đình Nam/VOV1 (Tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/phan-ung-cua-cong-dong-quoc-te-truoc-tinh-trang-bat-on-tai-peru-post991052.vov