Phản ứng của Nga về đề xuất gia hạn hiệp ước New START
Ngày 21/9, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định tuyên bố của Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ phụ trách vấn đề kiểm soát vũ khí Marshall Billingslea rằng Washington đưa ra cho Moskva 'những điều kiện mới' để gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) là mang tính 'tối hậu thư'.
Phát biểu với báo giới, Thứ trưởng Ryabkov nhấn mạnh tuyên bố của phía Mỹ là hành động mang tính đe dọa có thể làm giảm cơ hội ký kết một thỏa thuận nào đó.
Trong khi đó, theo hãng tin Sputniknews, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) Vassily Nebenzia cho biết Nga sẽ tìm ra những cách hữu ích để tự bảo vệ nếu không thể nhất trí với Mỹ về việc gia hạn hiệp ước New START, đồng thời nhấn mạnh Moskva hy vọng kéo dài thỏa thuận này. Nhà ngoại giao Nga cam kết: "Nếu thỏa thuận này không được gia hạn, chúng tôi sẽ tìm ra các cách hữu ích để tự bảo vệ. Chúng tôi thực sự quan tâm tới việc gia hạn hiệp ước, vì chúng tôi coi văn kiện này như một yếu tố then chốt của sự ổn định chiến lược. Chúng tôi sẽ nói với các đồng nghiệp Mỹ rằng không gia hạn được thỏa thuận này sẽ là một sai lầm lớn."
Thứ trưởng Ryabkov đưa ra tuyên bố trên sau khi ông Billingslea cho biết Mỹ sẵn sàng hoàn tất một bản ghi nhớ ở cấp tổng thống với Nga về việc gia hạn hiệp ước New START. Theo ông Billingslea, Washington đã chuẩn bị cho phép New START hết hiệu lực vào tháng 2/2021 tới nếu hai bên không thể hoàn thành bản ghi nhớ trên. Ông cho biết Washington trao cho Moskva cơ hội hoàn tất một thỏa thuận tương tự một hiệp ước về kiểm soát vũ khí mà không cần sự phê chuẩn, trước khi New START được gia hạn, đồng thời cảnh báo về những điều khoản mới nếu ông Trump tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 3/11 tới.
Theo ông Billingslea, Mỹ đang đề xuất gia hạn hiệp ước New START ít hơn 5 năm để một văn kiện đa phương mới có thể sớm được đàm phán, trong khi Nga đề xuất gia hạn hiệp ước này thêm 5 năm.
Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược ký giữa Nga và Mỹ năm 2010 và có hiệu lực 10 năm, đến ngày 5/2/2021. Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần kêu gọi Trung Quốc tham gia cùng Mỹ và Nga đàm phán về một thỏa thuận thay thế. Trung Quốc, quốc gia được ước tính có khoảng 300 đơn vị vũ khí hạt nhân, nhiều lần bác bỏ đề nghị này của ông Trump.