Phản ứng của Taliban khi Mỹ xóa sổ căn cứ cuối cùng của CIA ở Kabul

Chỉ huy Mullah Hasnain, lãnh đạo đơn vị tinh nhuệ Badri 313 của Taliban cho biết: 'Chúng tôi để họ ra đi trong hòa bình và rồi, hãy nhìn những gì họ đã bỏ lại phía sau'.

Sau khi Mỹ chính thức rút quân khỏi Afghanistan, chỉ huy Taliban Mullah Hasnain xem xét những thứ sót lại tại căn cứ cuối cùng của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) - các tòa nhà, vũ khí và hàng đống đạn dược đều bị phá hủy, theo AFP.

"Trước khi đi, họ đã phá hủy mọi thứ", ông chia sẻ với các nhà báo của AFP tại hiện trường, bên cạnh là các tay súng Taliban đang nâng niu súng trường M-16 của Mỹ.

Khu phức hợp này từng là một trong những địa điểm an toàn nhất ở Afghanistan, tọa lạc trên một vùng đồng bằng gần trại Căn cứ Đại bàng của Mỹ - tiền đồn của CIA gần sân bay Kabul.

Sau khi thực hiện những cuộc tiến công ồ ạt và chớp nhoáng tại Afghanistan, Taliban đã giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul vào ngày 15/8.

“Rất nhiều vụ nổ”

Khi CIA phá hủy căn cứ của họ, Taliban đã theo dõi từ một nơi gần đó, người chỉ huy của lực lượng này cho biết. Địa điểm này từng là nơi Mỹ sử dụng để đào tạo lực lượng tình báo của Afghanistan.

"Chúng tôi đã ở đó trong 9 hoặc 10 ngày", ông Hasnain chia sẻ bằng tiếng Anh một cách rõ ràng.

"Có rất nhiều vụ nổ", ông cho biết.

 Trước khi rời đi, Mỹ đã cho nổ tung căn cứ cuối cùng của CIA tại Afghanistan. Ảnh: AFP.

Trước khi rời đi, Mỹ đã cho nổ tung căn cứ cuối cùng của CIA tại Afghanistan. Ảnh: AFP.

"Chúng tôi đã không ngăn cản họ, ngay cả khi đoàn xe cuối cùng đi đến sân bay. Chúng tôi không tấn công họ vì chúng tôi đã tuân lệnh của các lãnh đạo cấp cao", vị này cho biết.

Ông Hasnain chỉ vào một miệng núi lửa mà ông cho rằng đó là "một kho đạn dược". Nơi này giờ chỉ là một đống đổ nát.

Mỹ đã cho kích nổ một kho đạn dược vào ngày 27/8. Tiếng vụ nổ đó đã vang vọng khắp Kabul và làm dấy lên nỗi kinh hoàng cho nhiều người.

Một ngày trước đó, nhóm Nhà nước Hồi giáo Khorasan (ISIS-K), một nhánh của IS và là đối thủ của Taliban, đã thực hiện vụ tấn công nhắm vào đám đông đang muốn tháo chạy khỏi đất nước này gần sân bay Kabul.

Vụ tấn công đã cướp đi sinh mạng của hơn 100 thường dân Afghanistan và 13 lính Mỹ.

Ông Hasnain chỉ vào một khu vực khác, nơi có hàng trăm tên lửa được chất đống. "Xin đừng di chuyển lựu đạn", ông cho biết.

Những đống đạn dược chưa sử dụng nằm rải rác xung quanh. “Chúng tôi vẫn có thể sử dụng chúng”, ông nói.

Ông tiếp tục nhìn ra bãi đậu xe, nơi chất đầy những xác xe bị thiêu rụi.

Ông nói: “Chúng tôi cần mọi thứ cho đất nước, kể cả vũ khí - chúng tôi không có đủ để đảm bảo an ninh”.

"Hiện chúng tôi phải mua chúng (vũ khí) từ các quốc gia khác", ông nói thêm và từ chối tiết lộ những quốc gia nào.

Cố tình phá hủy

Mỹ cho biết họ đã để lại số lượng khí tài quân sự ít nhất có thể cho Taliban, tổ chức đã thực hiện các cuộc tấn công đẫm máu trong nhiều năm chống lại lực lượng nước ngoài, quân đội Afghanistan và dân thường.

Tại sân bay gần đó, quân đội Mỹ đã vô hiệu hóa hoặc phá hủy nhiều máy bay và xe bọc thép, cũng như một hệ thống phòng thủ công nghệ cao được sử dụng để ngăn chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa.

 Trước khi lên chuyến bay cuối cùng rời Kabul, lính Mỹ đã phá hủy nhiều phương tiện và vũ khí. Ảnh: AFP.

Trước khi lên chuyến bay cuối cùng rời Kabul, lính Mỹ đã phá hủy nhiều phương tiện và vũ khí. Ảnh: AFP.

Ông Hasnain tức giận vì Mỹ đã cố tình phá hủy mọi thứ. Theo ông, đống đổ nát bị thiêu rụi là hình ảnh biểu tượng cho hai thập kỷ hiện diện quân sự của Mỹ tại Afghanistan.

Ông nói: “Mỹ đến Afghanistan với cái cớ rằng họ sẽ giúp tái thiết đất nước. Đây là bộ mặt thật của họ, họ không để lại bất cứ thứ gì”.

Tuy nhiên, Taliban đã thu giữ một kho vũ khí lớn ở những nơi khác, cũng như từ quân đội chính phủ do Mỹ hậu thuẫn trước đây, bao gồm cả các đội xe bọc thép.

Đứng trong đống tro tàn của căn cứ bị thiêu rụi, ông Hasnain đưa ra một thông điệp hòa giải, chuyển lời của các lãnh đạo cấp trên.

Ông nói: “Chúng tôi không gây chiến để giết người Mỹ. Chúng tôi đã làm điều đó để giải phóng đất nước và khôi phục đạo luật Sharia".

Tuy nhiên, nhiều người ở Afghanistan vẫn nhớ rõ chế độ cai trị hà khắc của Taliban vào giai đoạn 1996-2001 khi lực lượng này nắm quyền.

Với việc những phần tử Hồi giáo cực đoan trở lại nắm quyền, nhiều người đang chờ xem liệu cam kết của họ về một chế độ cai trị ôn hòa hơn có trở thành hiện thực.

Taliban diễu hành cùng xe bọc thép và vũ khí Mỹ Taliban đã tổ chức cuộc diễu hành mừng chiến thắng với xe bọc thép và vũ khí hiện đại của Mỹ ở thành phố Kandahar. Một trực thăng Black Hawk treo cờ Taliban bay phía trên.

Vân Đinh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phan-ung-cua-taliban-khi-my-xoa-so-can-cu-cuoi-cung-cua-cia-o-kabul-post1260273.html