Phản ứng đầu của ông Trump sau tuyên bố áp thuế làm chao đảo thế giới
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lần đầu phản ứng vào 3/4 sau thông báo áp thuế, bình luận về việc thị trường lao dốc và các nhà lãnh đạo nước ngoài đe dọa trả đũa.
Phản ứng của ông Trump
Ông Trump đã không có sự kiện công khai nào trong lịch trình của mình, một ngày sau khi công bố mức thuế quan mới đối với hầu hết các đối tác thương mại của Mỹ nhưng ông đã trả lời một câu hỏi khi rời Nhà Trắng chiều 3/4 để tới một sự kiện golf ở Miami.
"Các thị trường hôm nay giảm mạnh... Mọi chuyện thế nào rồi thưa ngài Tổng thống?", một phóng viên hỏi ông Trump.

Tổng thống Donald Trump trả lời báo giới trước khi rời Nhà Trắng tới Florida ngày 3/2. Ảnh: Reuters
Nhà lãnh đạo Mỹ đã trả lời rằng: "Tôi nghĩ mọi chuyện đang diễn ra rất tốt. Đó là một cuộc đại phẫu. Khi một bệnh nhân được phẫu thuật thì đó là một chuyện lớn. Đây chính xác là cách mọi chuyện diễn ra".
Tổng thống Trump bày tỏ sự tự tin và cho biết các quốc gia bị ảnh hưởng hiện đang cố gắng xem liệu họ có thể "đạt được một thỏa thuận" hay không.
"Các thị trường sẽ bùng nổ, cổ phiếu sẽ bùng nổ, đất nước sẽ bùng nổ và phần còn lại của thế giới muốn xem liệu có bất kỳ cách nào giúp họ đạt được thỏa thuận hay không", ông Trump nói, đồng thời cho biết: "Họ đã lợi dụng chúng ta trong nhiều năm. Vào những năm qua, chúng ta ở thế bất lợi. Tôi nghĩ điều này là không thể tin được".
Sau đó, khi phát biểu với các phòng viên trên Không lực Một, ông Trump một lần nữa cho biết ông sẵn sàng thực hiện một thỏa thuận dù Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt và những người khác trước đó trong ngày nói rằng thuế quan sẽ không thay đổi.
"Thuế quan mang lại cho chúng ta quyền lực lớn để đàm phán. Luôn luôn như vậy. Tôi đã sử dụng chúng rất tốt trong nhiệm kỳ đầu tiên. Tuy nhiên, hiện nay, chúng tôi đang đưa nó lên một cấp độ hoàn toàn mới bởi vì đây là một vấn đề mang tính toàn cầu và thật thú vị khi được chứng kiến điều đó".
Khi được hỏi liệu có sẵn sàng giải quyết với những quốc gia này khi họ gọi điện cho ông hay không, nhà lãnh đạo Mỹ đã trả lời: "Điều đó còn tùy thuộc vào từng quốc gia. Nếu ai đó nói sẽ đưa cho chúng tôi một điều gì đó thực sự phi thường, miễn là họ mang lại lợi ích cho chúng ta thì điều đó là tốt".
“Ngày hôm qua, Tổng thống đã nói rõ: Đây không phải là một cuộc đàm phán. Đây là tình trạng khẩn cấp quốc gia”, Thư ký Báo chí Karoline Leavitt phát biểu trên CNN.
"Tổng thống luôn sẵn sàng nhấc điện thoại lên để trả lời các cuộc gọi nhưng hôm qua, ông ấy đã trình bày lý do tại sao chúng ta lại làm vậy và các quốc gia trên thế giới đã có 70 năm để làm điều đúng đắn cho người dân Mỹ nhưng họ đã chọn không làm thế", bà Leavitt cho hay.
Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick thì nhận định: "Tôi không nghĩ rằng Tổng thống Trump sẽ rút lại các biện pháp thuế quan của mình".
Các nhà lãnh đạo thế giới đang cân nhắc phản ứng của họ đối với mức thuế lịch sử của ông Trump, một số có hiệu lực vào ngày 5/4 và một số khác có hiệu lực vào ngày 9/4.
Trung Quốc, quốc gia sẽ bị đánh thuế lên tới 54%, đã thúc giục Mỹ "hủy bỏ ngay lập tức các biện pháp thuế quan đơn phương và giải quyết thỏa đáng các bất đồng với các đối tác thương mại của mình thông qua đối thoại bình đẳng".
Thay đổi lớn với nước Mỹ và nỗi đau ngắn hạn
Phó Tổng thống Mỹ JD Vance đã thừa nhận rằng mức thuế quan mới của ông Trump sẽ mang đến một "thay đổi lớn" đối với người Mỹ. Chính ông Trump, trước thông báo ngày 2/4, cũng cho rằng có thể sẽ có một số nỗi đau ngắn hạn.
"Tổng thống Trump đang đưa nền kinh tế này theo một hướng khác. Ông ấy đã đi theo hướng đó. Đây là điều ông ấy đã cam kết trong chiến dịch tranh cử và giờ ông ấy đang thực hiện nó. Vâng, đây là một sự thay đổi lớn, tôi không phủ nhận điều đó và chúng ta thực sự cần một thay đổi lớn", ông Vance nói với "Fox & Friends".
Cùng quan điểm, bà Karoline Leavitt cũng bảo vệ chính sách này trong cuộc trả lời phỏng vấn với CNN, cho rằng đây là bước đi thể hiện ông Trump đang thực hiện cam kết áp “thuế đối ứng”.
“Với những ai trên Phố Wall sáng nay còn nghi ngờ, tôi chỉ muốn nói rằng: Hãy đặt niềm tin vào Tổng thống Trump. Ông ấy đang nhân đôi công thức kinh tế đã được chứng minh là hiệu quả trong nhiệm kỳ đầu", bà Leavitt khẳng định.
Cả ông Vance và bà Leavitt đều không trực tiếp đề cập đến chi phí tăng thêm mà các nhà kinh tế cho rằng người tiêu dùng Mỹ chắc chắn sẽ phải đối mặt hoặc cách chúng sẽ giúp ích cho người Mỹ.
“Điều tôi mong mọi người hiểu là chúng ta không thể khắc phục mọi thứ trong một sớm một chiều,” ông Vance nói. “Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để sửa chữa những gì còn tồn đọng nhưng điều đó sẽ cần thời gian".
Khi được hỏi về phản ứng tiêu cực từ cộng đồng doanh nghiệp, ông Lutnick nói với CNN rằng "họ không tính đến các nhà máy" mà ông nói sẽ được xây dựng tại Mỹ nhờ chính sách thuế quan mới.
“Hãy để Tổng thống Donald Trump điều hành nền kinh tế toàn cầu. Ông ấy biết mình đang làm gì", ông Lutnick khẳng định.
Tổng thống Trump hôm 2/4 cho biết việc làm sẽ "trở lại mạnh mẽ".
Nhưng khi được hỏi trên Không lực Một hôm 3/4 rằng phải mất bao lâu để đưa ngành sản xuất của Mỹ đạt được kỳ vọng, Tổng thống Trump trả lời, “Chúng ta hãy cho là quá trình đó sẽ kéo dài khoảng 2 năm. Họ bắt đầu xây dựng nhà máy và đây là những nhà máy lớn".
“Chúng tôi cũng đang cấp phép để trong nhiều trường hợp, họ có thể xây dựng cả các nhà máy điện cùng lúc. Như vậy, bạn sẽ có nhà máy sản xuất và cả hệ thống điện đi kèm. Tin tốt là có rất nhiều tiền và họ có thể xây nhanh, nhưng dù sao thì đây vẫn là những nhà máy rất lớn. Tôi nghĩ sẽ mất khoảng 1,5 - 2 năm", ông Trump nói.