Phản ứng khôn ngoan khi bị nói xấu
Khi ai đó nói xấu sau lưng bạn, hành vi đó sẽ nói lên nhiều điều về họ, hơn là về bạn.
Nguyên nhân gây ra hành vi này thường là do họ đang đấu tranh với bản sắc và sự tự tin của chính mình.
Nếu ai đó ở nơi làm việc đang có động cơ gây tổn hại đến danh tiếng công việc của bạn, hãy cân nhắc những gợi ý dưới đây để xử lý tình huống:
Xây dựng mối quan hệ của bạn
Một lý do khiến đồng nghiệp nói xấu bạn là vì họ có niềm tin sai lầm rằng bạn không thích làm việc với họ.
Cho dù bạn thấy mình chưa làm bất cứ điều gì gây ra cảm xúc tiêu cực ở họ, thì điều quan trọng là bạn vẫn nên duy trì mối quan hệ bền chặt với những người cùng làm việc với mình.
Nếu bạn nhận thấy ai đó đang đối xử không công bằng với bạn, hãy tìm cơ hội để tìm hiểu họ ở mức độ cá nhân.
Bạn có thể bắt đầu bằng cách hỏi thăm cuối tuần của họ thế nào, thể hiện sự quan tâm thực sự đến sở thích của họ hoặc mời họ đi ăn trưa. Cư xử tử tế khi gặp những tình huống không thuận lợi thường mang lại kết quả tích cực hơn.
Giải quyết vấn đề
Sẽ rất hữu ích nếu bạn thẳng thắn bày tỏ suy nghĩ của mình về tình huống và giải quyết ngay lập tức với người gây chuyện.
Bạn có thể hỏi đồng nghiệp xem họ có sẵn lòng gặp riêng bạn hay không và trong cuộc trò chuyện này, hãy thành thật về việc lời nói và hành động của họ ảnh hưởng đến bạn như thế nào ở nơi làm việc.
Hãy cân nhắc việc chia sẻ các ví dụ cụ thể về thói xấu của họ để họ nhận thức rõ hơn về hành động của mình.
Nếu hành động của đồng nghiệp quá tệ khiến bạn cảm thấy không thoải mái khi tiếp cận họ, hãy khám phá lựa chọn nói chuyện với người quản lý của bạn hoặc nhờ ai đó trong bộ phận nhân sự hòa giải cuộc trò chuyện giữa hai bạn.
Xem như không có chuyện gì
Nếu hành vi xấu của đồng nghiệp chưa đủ ảnh hưởng đến công việc hoặc mối quan hệ của bạn với người khác, bạn có thể chọn bỏ qua và cố gắng hết sức để tiếp tục công việc với khả năng tốt nhất của mình.
Ban đầu, bạn có thể cảm thấy khó chịu, nhưng sau này bạn sẽ nhận ra rằng hành động của họ không đáng để bạn dành thời gian giải quyết.
Đặc biệt nếu đồng nghiệp này là người mà bạn không cần phải quá thân thiết trong công việc. Bạn có thể giữ thái độ tích cực và chỉ tương tác với họ nếu cần thiết.
Làm rõ vấn đề
Ngay khi đồng nghiệp đặt câu hỏi về công việc của bạn hoặc nói đùa tiêu cực về hiệu suất của bạn, bạn có thể hỏi họ ý nghĩa của câu nói đó là gì. Điều này khiến họ tạm dừng hành vi xấu và xem xét những gì họ đã nói cũng như mức độ tiêu cực mà bạn nhận được.
Nếu bạn chọn yêu cầu làm rõ, hãy nhớ giữ bình tĩnh và thể hiện thần thái chuyên nghiệp để đồng nghiệp tiếp thu tốt câu hỏi của bạn và trả lời một cách trung thực.
Họ có thể không nhận thức được những gì mình đang làm, vì vậy việc khiến họ chú ý và cẩn trọng hơn sẽ giúp cải thiện mối quan hệ trong công việc.
Tự tin vào khả năng của mình
Trải qua những tình huống không thuận lợi tại nơi làm việc có thể gây căng thẳng và làm giảm sự tự tin của bạn, nhưng điều quan trọng là phải nhớ lý do tại sao cấp trên lý quyết định thuê bạn và nhắc nhở bản thân về những kỹ năng, kiến thức lẫn giá trị mà bạn mang lại cho tập thể.
Nếu đồng nghiệp ảnh hưởng đến sự tự tin của bạn, bạn thực sự có thể gặp khó khăn với hiệu suất của mình, nhưng nếu bạn vẫn tự tin, bạn sẽ tiếp tục thành công và vẫn tận hưởng được vị trí hiện tại.
Việc duy trì sự tự tin của bạn cũng khiến cho đồng nghiệp thấy rằng lời nói và hành động của họ không phù hợp và không ảnh hưởng đến bạn. Do đó, họ có thể không còn động lực để tiếp tục hành vi xấu.
Xác định nguyên nhân hành vi xấu
Trước khi xử lý thỏa đáng tình huống bạn đang gặp phải, hãy xem xét lý do tại sao đồng nghiệp lại hành động theo cách này. Cân nhắc xem có bất kỳ động cơ nào đằng sau sự việc này hay không, bao gồm sự đố kỵ, cạnh tranh và sự bất an của chính họ.
Thông qua việc tìm hiểu hành động của họ, bạn có thể tiếp cận đồng nghiệp theo cách mang lại mối quan hệ bền chặt hơn cũng như sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau tại nơi làm việc.
Theo indeed.com
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phan-ung-khon-ngoan-khi-bi-noi-xau-post678754.html