Phản ứng sau cuộc trao đổi tù nhân lịch sử giữa Nga - phương Tây

Mỹ và Nga đã hoàn tất một cuộc trao đổi tù nhân lớn nhất thời hậu Xô Viết, với hơn 20 người được trả tự do hôm 1-8 tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau cuộc đàm phán phức tạp kéo dài nhiều tháng với sự tham gia của hơn 6 quốc gia, 3 công dân Mỹ đã được rời khỏi Nga, bao gồm phóng viên tờ Wall Street Journal Evan Gershkovich, cựu binh Thủy quân Lục chiến Paul Whelan và nhà báo người Mỹ gốc Nga Alsu Kurmasheva.

Theo đài CBS News, cả 3 trở về Mỹ trong cuộc trao đổi tù nhân gồm 24 người. Đây là một trong những cuộc trao đổi tù nhân lớn nhất giữa Mỹ, Nga, Đức và 3 quốc gia phương Tây khác kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Đổi lại, Nga tiếp nhận 8 công dân của mình, bao gồm 3 người bị giam giữ tại các nhà tù của Mỹ gồm Vadim Konoshchenok, Vladislav Klyushin và Roman Seleznyov. Hai người Nga bị giam giữ tại Slovenia, một người ở Ba Lan và một người khác ở Na Uy cũng đã về nước.

Người đứng đầu cơ quan nhân quyền của Liên Hiệp Quốc Volker Turk bày tỏ "sự nhẹ nhõm" của mình về cuộc trao đổi tù nhân.

NATO hoan nghênh việc trả tự do cho các tù nhân thuộc các nước thành viên liên minh. Người phát ngôn NATO Farah Dakhlallah cho biết: "Một số đồng minh NATO đã làm việc cùng nhau để đàm phán thỏa thuận đảm bảo tự do cho họ".

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk bày tỏ lòng biết ơn đối với Tổng thống Andrzej Duda và các cơ quan an ninh đã hỗ trợ cho cuộc trao đổi tù nhân. Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden cho biết cuộc trao đổi là một kỳ tích của ngoại giao và tình hữu nghị, đồng thời khen ngợi các đồng minh của Washington vì những quyết định táo bạo và dũng cảm của họ.

Ông nói: "Điều này sẽ không thể xảy ra nếu không có các đồng minh của chúng ta. Hôm nay là một ví dụ rõ ràng về lý do của việc có nhiều bạn bè trên thế giới này".

Phát biểu vào ngày diễn ra cuộc trao đổi tù nhân, Điện Kremlin hy vọng những người đã rời khỏi Nga, những người mà Moscow mô tả là "kẻ thù", hãy tránh xa Nga.

Trong khi đó, Đức cho biết việc thả Vadim Krasikov, một người Nga bị kết tội giết một cựu binh Chechnya tại Berlin năm 2019 không phải là một quyết định dễ dàng.

Chính phủ Đức cho rằng: "Nghĩa vụ bảo vệ công dân Đức và tình đoàn kết với Mỹ là những động lực quan trọng".

Trong khuôn khổ cuộc trao đổi tù nhân, Na Uy đã thả một công dân Nga bị buộc tội làm gián điệp tại quốc gia này. Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store nói: "Cuộc trao đổi này khả thi thông qua sự hợp tác quốc tế sâu rộng. Đối với chính quyền Na Uy, điều quan trọng là phải đóng góp vào sự hợp tác như vậy với các đồng minh thân cận. Sự hợp tác chặt chẽ giữa nhiều quốc gia đã giúp cuộc trao đổi tù nhân trở nên khả thi".

Trái lại, Tổ chức Ân xá Quốc tế nhận thấy cuộc trao đổi này để lại "dư vị cay đắng".

Xuân Mai

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phan-ung-sau-cuoc-trao-doi-tu-nhan-lich-su-giua-nga-phuong-tay-196240802103429735.htm