Phản ứng thế nào trước thông tin về một vụ hiếp dâm

Sự sợ hãi và thiếu cảm thông tạo nên thái độ đổ lỗi. Quy kết trách nhiệm cho nạn nhân đem lại cảm giác an toàn cho người ngoài cuộc nhưng lại củng cố văn hóa hiếp dâm nguy hại.

"Con gái bình thường không ai theo trai vào khách sạn", "Kẻ cắp gặp bà già, tại anh tại ả thôi", "Chắc bị gài, các anh nên cẩn thận"... là những bình luận dễ thấy bên dưới thông tin về một vụ cưỡng bức trên mạng xã hội.

Quy kết toàn bộ, một phần trách nhiệm cho nạn nhân, đùa cợt về bạo lực tình dục, bao biện, đồng cảm với thủ phạm đều là những hình thức của victim blaming (đổ lỗi cho nạn nhân).

Đổ lỗi nạn nhân có thể xảy ra với bất kỳ loại tội phạm nào, từ trộm cướp cho đến giết người, nhưng đặc biệt phổ biến và nguy hại trong các vụ quấy rối, tấn công tình dục.

Tâm lý phía sau thái độ đổ lỗi

Bất cứ khi nào một người đặt câu hỏi nạn nhân có thể làm gì khác để ngăn chặn tội phạm, người đó đang tham gia vào văn hóa đổ lỗi cho nạn nhân, theo The Atlantic.

Thậm chí, khi nghe nói về một vụ hiếp dâm và nghĩ rằng bản thân sẽ cẩn thận hơn nếu ở trong vị trí của nạn nhân cũng là một hình thức đổ lỗi nhẹ.

Sherry Hamby, giáo sư tâm lý học và là người tạo ra ấn phẩm Psychology of Violence, cho rằng giả thuyết về thế giới công bằng là yếu tố tâm lý đứng sau hành vi đổ lỗi nạn nhân.

"Đó là niềm tin rằng mọi người xứng đáng với những gì xảy ra với họ. Bắt các nạn nhân chịu một phần trách nhiệm về sự bất hạnh của họ là cách để né tránh sự thật rằng những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra với chúng ta ngay cả khi bản thân luôn làm điều đúng đắn".

 Đổ lỗi nạn nhân phổ biến trong các vụ quấy rối, lạm dụng, tấn công tình dục. Ảnh: AFP.

Đổ lỗi nạn nhân phổ biến trong các vụ quấy rối, lạm dụng, tấn công tình dục. Ảnh: AFP.

Còn Barbara Gilin, giáo sư về công tác xã hội tại Đại học Widener (Mỹ), nói rằng nhiều người có xu hướng coi những suy nghĩ và hành vi đổ lỗi cho nạn nhân như một cơ chế phòng vệ khi đối mặt với tin xấu.

"Sau khi làm việc với rất nhiều nạn nhân và những người xung quanh họ, tôi nhận thấy mọi người đổ lỗi cho nạn nhân để có cảm giác an toàn hơn. Quy kết trách nhiệm cho người bị hại khiến mọi người cảm thấy rằng những điều tồi tệ sẽ không bao giờ xảy ra với họ. Nhiều người tự trấn an mình bằng cách nghĩ: 'Bởi vì tôi không giống cô ấy, bởi vì tôi không làm như vậy, điều này sẽ không bao giờ xảy ra với tôi'".

Gilin nói thêm khi tiếp nhận thông tin về một vụ hiếp dâm trên các phương tiện truyền thông, mọi người có hai xu hướng: xem mình là người ngoài cuộc, vô can hoặc quá tập trung vào nạn nhân.

"Những người ngoài cuộc thường thờ ơ, còn những người tập trung quá nhiều vào nạn nhân có xu hướng đổ lỗi. Trong nhiều trường hợp, hành vi phạm tội của hung thủ bị xóa mờ hoặc xem nhẹ".

Vì sao đổ lỗi cho nạn nhân lại nguy hiểm?

Thái độ đổ lỗi cho nạn nhân khiến nạn nhân/người sống sót bị gạt ra ngoài lề và việc tiếp cận, báo cáo hành vi lạm dụng trở nên khó khăn hơn.

Nếu nạn nhân có suy nghĩ rằng xã hội có xu hướng đổ lỗi, họ sẽ không cảm thấy an toàn hoặc đủ dũng cảm để lên tiếng.

Nạn nhân không có lỗi hay trách nhiệm phải thay đổi tình hình. Đó là sự lựa chọn của kẻ phạm tội. Nhưng thái độ đổ lỗi giúp kẻ lạm dụng, kẻ tấn công tiếp tục hành vi sai trái của mình trong khi né tránh trách nhiệm giải trình.

 Văn hóa hiếp dâm không chỉ gây hại đối với phụ nữ mà còn ảnh hưởng đến nam giới. Ảnh: Alec Druggan.

Văn hóa hiếp dâm không chỉ gây hại đối với phụ nữ mà còn ảnh hưởng đến nam giới. Ảnh: Alec Druggan.

Ngoài ra, đổ lỗi nạn nhân còn củng cố rape culture (văn hóa hiếp dâm), việc xã hội bình thường hóa hành vi hiếp dâm và các hình thức tấn công tình dục khác.

Văn hóa hiếp dâm không xuất hiện trong một sớm một chiều mà có nguồn gốc lâu đời từ tư tưởng, chế độ gia trưởng.

Tuy nhiên, không chỉ phụ nữ gặp bất lợi, đàn ông cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Ví dụ, văn hóa hiếp dâm bỏ qua thực tế rằng cả nam và nữ đều có thể là nạn nhân của hiếp dâm và tấn công tình dục. Kết quả, các nạn nhân nam bị bỏ lại mà không có sự bảo vệ của pháp luật hoặc trợ giúp xã hội.

Làm thế nào để không trở thành người đổ lỗi

Về cơ bản, việc đổ lỗi cho nạn nhân có thể xuất phát từ sự kết hợp của việc không đồng cảm với nạn nhân và phản ứng sợ hãi được kích hoạt để tự vệ.

Phản ứng sợ hãi có thể là bản năng khó kiểm soát và thay đổi. Vì vậy, Hamby và Gilin đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng sự đồng cảm và cởi mở để nhìn (hoặc ít nhất là cố gắng nhìn) thế giới từ những quan điểm khác với quan điểm của chính mình.

Điều này giúp mọi người tránh rơi vào bẫy suy đoán về những gì một nạn nhân có thể đã làm khác đi để tránh bị tấn công, hành hung hoặc hãm hiếp.

Đại học Marshall (Mỹ) và Trung tâm nhận thức về lạm dụng mối quan hệ chỉ ra các cách giúp mọi người chống lại văn hóa hiếp dâm và đổ lỗi cho nạn nhân trên mạng xã hội như sau:

- Không xem nhẹ việc lên tiếng, tố cáo của một cá nhân

- Thận trọng, cân nhắc khi để lại các bình luận trên mạng xã hội

- Tránh sử dụng ngôn từ phản cảm hoặc hạ thấp phụ nữ

- Lên tiếng nếu thấy người khác đang đùa cợt xúc phạm hoặc coi thường hành vi hiếp dâm

- Suy nghĩ chín chắn về các thông điệp về phụ nữ, nam giới, các mối quan hệ và bạo lực trên phương tiện truyền thông

- Hãy cho các nạn nhân biết rằng đó không phải là lỗi của họ

- Yêu cầu những kẻ bạo hành, lạm dụng, tấn công phải chịu trách nhiệm về hành động: Không để họ đổ lỗi cho nạn nhân hay dùng rượu, ma túy... để bao biện cho hành động của mình

Lê Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phan-ung-the-nao-truoc-thong-tin-ve-mot-vu-hiep-dam-post1331777.html