Phản ứng trái ngược với vận động viên sinh ra ở Mỹ của đội Trung Quốc
Vận động viên nhập tịch của Trung Quốc sẽ được chào đón như người hùng nếu có màn trình diễn xuất sắc. Nếu không, họ có thể phải hứng chịu làn sóng chỉ trích kịch liệt.
Đám đông đã mong chờ liệu vận động viên trượt tuyết Eileen Gu (Cốc Ái Lăng) có thể đáp đất thành công một lần nữa hay không. Và cô đã làm được.
Trong một cuộc họp báo hôm 8/2, sau khi giành huy chương vàng Olympic đầu tiên, Gu, 18 tuổi, sinh ra ở California và hiện thi đấu cho Trung Quốc, đã khéo léo trả lời những câu hỏi khi luân phiên sử dụng hai ngôn ngữ khác nhau, theo Washington Post.
Với phóng viên nói tiếng Anh, cô khéo léo trả lời các câu hỏi về quyền công dân của mình. Khi nhà báo Trung Quốc hỏi liệu Gu có thể nói một cụm từ địa phương điển hình và tiết lộ món ăn yêu thích, Gu đã trả lời trôi chảy bằng tiếng Trung Quốc và cho biết đó là món vịt quay Bắc Kinh.
Ranh giới yêu ghét mỏng manh
Sau đó, cô đã được chào đón như người hùng cho màn trình diễn của mình. Tuy nhiên, nếu có một hình ảnh trái ngược với câu chuyện thành công của Gu, thì đó là trải nghiệm của Zhu Yi. Vận động viên này cũng sinh ra ở California và đang thi đấu cho Trung Quốc ở Olympic Bắc Kinh.
Zhu, 19 tuổi, đã ngã hai lần trong những ngày thi đấu liên tiếp, từ đó kéo theo làn sóng lăng mạ trên mạng xã hội nước này. Những người theo chủ nghĩa dân tộc đã xúc phạm việc cô không thông thạo tiếng Quan Thoại (tiếng phổ thông của Trung Quốc). Họ cũng đặt câu hỏi về sự phù hợp của cô với Olympic.
Hơn bao giờ hết, Trung Quốc dựa vào những vận động viên nhập tịch cho các sự kiện mà trước đây họ phải vật lộn để giành huy chương, bao gồm trượt băng nghệ thuật, khúc côn cầu trên băng và trượt tuyết.
Khi mọi thứ diễn ra suôn sẻ, khán giả đón nhận màn trình diễn của các vận động viên với sự tự hào. Trái lại, chỉ một cái trượt chân trong cuộc thi cũng có thể khiến họ hứng làn sóng chỉ trích mạnh mẽ.
“Các vận động viên nhập tịch là một con đường tắt để nước chủ nhà bắt kịp và cải thiện thành tích trong một lĩnh vực cụ thể”, Sean Wang, một nhà bình luận thể thao ở Bắc Kinh, cho biết.
Ông Wang cho biết việc tìm kiếm chủ yếu tập trung vào các vận động viên gốc Trung Quốc. Ông giải thích rằng “đối với người dân, họ khó có thể chịu đựng được nếu đội tuyển quốc gia hoàn toàn có những gương mặt không phải gốc Hoa, đặc biệt là trong Thế vận hội mùa đông trên sân nhà”.
"Trong một môi trường bảo thủ như thể thao Trung Quốc, khả năng chịu đựng sự khác biệt và niềm yêu thích đối với sự đa dạng vẫn còn rất hạn chế”, ông nói thêm.
Trong khi việc nhập tịch là phổ biến trong các môn thể thao cạnh tranh ở nhiều quốc gia khác, thông lệ này tương đối mới ở Trung Quốc.
"Thành thật mà nói, lý do mà điều này không xảy ra trước đây là việc bài ngoại”, Susan Brownell, một nhà nhân chủng học và chuyên gia về thể thao Trung Quốc tại Đại học Missouri ở St Louis (Mỹ), cho biết.
Chính sách không nhất quán của Trung Quốc
Một trong những vận động viên nhập tịch sớm nhất của Trung Quốc là Alex Hua Tian. Anh đã thi đấu cho nước này trong Thế vận hội mùa hè 2008 tại Bắc Kinh.
Hua là một ngoại lệ trong hệ thống thể thao được thống trị bởi các vận động viên được đào tạo trong các học viện nhà nước. Đối với nhiều môn thể thao mùa hè, nỗ lực nhằm xác định những trẻ em tài năng và đào tạo chúng trong một môi trường siêu cạnh tranh đã mang lại kết quả tuyệt vời cho Trung Quốc.
Nhưng các môn thể thao mùa đông đã đưa ra một loạt thách thức mới. Số ít những người trượt ván và trượt tuyết không đủ để Trung Quốc đào tạo ra những vận động viên tài năng.
Vào tháng 11/2018, cơ quan quản lý thể thao của Trung Quốc đã kêu gọi các hiệp hội và trường thể thao mùa đông nới lỏng những hạn chế về quốc tịch để khuyến khích Hoa kiều và người nước ngoài tham gia thi đấu.
Song giới chức vẫn thận trọng trước việc quốc tế hóa toàn diện các chương trình phát triển. Sự thiếu nhất quán của Trung Quốc về cách đối đãi với các cầu thủ nhập tịch dường như dẫn đến một số khoảnh khắc khó xử. Chẳng hạn, Zhou Jiaying, thủ môn gốc Canada của đội tuyển nữ, cho biết cô không được phép nói chuyện với họ bằng tiếng Anh.
Sự yêu thích của những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc được biết đến là không kiên định. Vào thời điểm mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đang ở mức căng thẳng nhất trong nhiều thập kỷ, nhiều vận động viên Mỹ gốc Hoa tại Thế vận hội đã gặp phải sự thờ ơ và chế nhạo.
Brownell, người đã tiến hành nghiên cứu thực địa sâu rộng ở Trung Quốc, cho biết lãnh đạo Trung Quốc nhận thức được rằng chủ nghĩa dân tộc có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát và sẽ can thiệp khi điều đó xảy ra.
Cô đưa ra ví dụ về Lang Ping, cựu tuyển thủ đội tuyển quốc gia Trung Quốc, người từng huấn luyện đội bóng chuyền nữ Mỹ trong Thế vận hội mùa hè 2008. Khi Brownell làm bình luận viên tại đài truyền hình nhà nước CCTV vào năm 2008, họ không khuyến khích đưa tin về Lang vì lo ngại sự phản ứng dữ dội ở Trung Quốc.
Sau đó, Lang đã gây dựng lại được hình ảnh trong mắt công chúng sau khi huấn luyện đội tuyển nữ Trung Quốc giành huy chương vàng ở Rio.
Brownell cho biết các quan chức có thể vẫn thận trọng về việc mở rộng sử dụng vận động viên nhập tịch, khi họ chờ xem kết quả của thử nghiệm năm nay. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều dấu hiệu khán giả sẵn sàng ăn mừng những câu chuyện như của cô Gu.