Phan Vũ và lần đầu tiên đọc trường ca 'Em ơi! Hà Nội phố' ở Hà Nội

9 năm trước, Báo điện tử VOV tổ chức đêm thơ Phan Vũ - 'Em ơi! Hà Nội phố', mời nhà thơ 85 tuổi từ TP.HCM ra Hà Nội, chính thức ra mắt bài thơ của mình

“Tôi biết nhiều người Hà Nội họ thích bài thơ “Em ơi! Hà Nội -phố”. Tôi phải ra Hà Nội, đọc, chính thức giới thiệu với người Hà Nội trường ca “Em ơi! Hà Nội - phố” trong một không gian Hà Nội…” - nhà thơ Phan Vũ từng bày tỏ như thế.

Người mang tâm sự này của nhà thơ tới báo điện tử VOV là một cộng tác viên thân thiết hồi đó của báo- nhiếp ảnh gia Lê Bích. Ban biên tập đưa việc này ra bàn và cho rằng, nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, nếu tổ chức được một đêm thơ "Em ơi! Hà Nội- phố" để Phan Vũ chính thức ra mắt trường ca nổi tiếng này với công chúng, sẽ là điều vô cùng ý nghĩa.

Tuy nhiên, tổ chức đêm thơ không phải đơn giản. Phan Vũ sống ở thành phố Hồ Chí Minh và lúc đó đã 85 tuổi. Mặc dù ông có sức khỏe tốt nhưng dù sao tuổi cũng đã cao, không thể ra Hà Nội một mình mà phải có người đi cùng. Rồi địa điểm tổ chức ở đâu? Ai làm MC cho chương trình, ai đệm đàn cho ông đọc thơ?

Và trong bao cái khó, cái khó nhất là lấy kinh phí ở đâu để làm chương trình này khi đây là một chương trình ngoài dự kiến.

Rất may, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, tác giả của Con đường gốm sứ, đã biết được câu chuyện và đồng ý tài trợ vé máy bay, chi phí khách sạn cho nhà thơ Phan Vũ và người đi cùng (con trai của ông- đạo diễn Phan Điền).

Chúng tôi bàn với nhau chọn người đệm nhạc cho Phan Vũ đọc thơ. Đó phải là người có thể hiểu nhà thơ Phan Vũ, hiểu bài thơ và chọn phong cách đệm đàn phù hợp. Nhiều ý kiến được đưa ra và cuối cùng tòa soạn chọn mời nhạc sĩ Lê Minh Sơn.

Tôi và phóng viên Đặng Khanh (nay là Phó TBT của VOV.VN) đến gặp nhạc sĩ Lê Minh Sơn. Dạo đó anh đang rất bận rộn với, “đắt show” với nhiều chương trình lớn nhỏ... Chúng tôi cũng nói luôn là không thể trả thù lao xứng đáng cho anh, mà chỉ một số tiền rất “tượng trưng”, nhưng rất mong anh tham gia chương trình.

Nghe chúng tôi kể câu chuyện về nhà thơ Phan Vũ với mong muốn khắc khoải rằng được đọc bài thơ viết về Hà Nội ở Hà Nội, cho những người Hà Nội nghe, tâm sự về bài thơ ấy với những người Hà Nội... Mà nhà thơ tuổi cũng đã cao, nếu lúc đó không thực hiện chương trình thì e rằng khó có dịp nào nữa...; Lê Minh Sơn gật đầu, đồng ý dành thời gian cho đêm thơ Phan Vũ. Anh còn đề nghị ủng hộ tiền để mua nến, thắp trên sân khấu cho thêm phần cảm xúc. (Tuy nhiên, do không gian kín, đông người nên điều này về sau không thực hiện được).

Nhóm làm chương trình của VOV.VN lại cùng nhau sang gặp lãnh đạo Thư viện Hà Nội để xin mượn địa điểm. Ban Giám đốc Thư viện không những đồng ý, mà còn hỗ trợ phần trang trí phông nền sân khấu; và thông báo, phát thư mời đến đông đảo độc giả của thư viện.

20h, tối thứ Bảy ngày 25/9/2010. Sân khấu đơn sơ với hình ảnh phố cách điệu làm nền. Những bông sen cuối mùa cắm trong chiếc bình gốm ở một góc. Chỉ có vậy thôi..., nhưng cảm xúc thật đong đầy!

Người đến rất đông, đủ các lứa tuổi, thành phần. Khách không đủ ghế để ngồi, nhiều người phải đứng ở cuối khán phòng. MC của đêm thơ- nhà thơ, nhà báo Vũ Quỳnh Hương (tác giả tập thơ Nếu yêu thì phải nói), duyên dáng trong tà áo dài, vấn tóc kiểu thiếu nữ Hà thành xưa, bước ra giới thiệu về nhà thơ Phan Vũ. Nhà thơ, con người nổi tiếng hào hoa lãng tử; run run nghẹn ngào trong giây phút ấy, bày tỏ nỗi xúc động của mình, rồi kể về hoàn cảnh bài thơ ra đời. Trường ca "Em ơi! Hà Nội- phố"được ông viết năm 1972 tại căn gác nhỏ nhà ông trên phố Hàng Bún, khi B52 của Mỹ dội bom khốc liệt xuống Hà Nội. Hà Nội trong đau thương đổ nát, vẫn lãng mạn và thanh lịch vô cùng. Phan Vũ cảm nhận điều đó và gửi gắm vào bài thơ dài gồm 443 câu thơ chia thành 24 khổ.

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn ngồi ở một bên sân khấu với cây đàn guitar trên tay. Từng thanh âm được đánh lên, lúc mạnh mẽ dữ dội, lúc thư thái trầm tư theo cảm xúc từng trường đoạn của bài thơ dài. Nhà thơ cất giọng đọc bản trường ca "Em ơi! Hà Nội- phố". Cả khán phòng im lặng lắng nghe.

Mỗi đoạn thơ như một bức tranh đầy những sắc màu nhung nhớ.
"... Ta còn em giàn thiên lý,
Năm xưa
Thơm mùi hò hẹn
Cuộc tình đầu ngọt lịm.
Những nụ hôn xanh ngắt trên cành...
Ta còn em chuỗi cười vừa dứt.
Nắng chiều vàng ngọn cỏ
Vườn hoang
Ngày cũ vui tàn theo mùa hạ...
Ta còn em tiếng ghita
Bập bùng tự sự
Đêm kinh kỳ một thuở
Xanh lơ..."

"... Ta còn em chiếc xe hoa
Qua hàng liễu rũ,
Điệp vàng rực rỡ.
Cánh tay trần trên gác cao khép cửa.
Những gót son dập dìu đại lộ.
Bờ môi ai đậm đỏ bích đào...
Ta còn em tà áo nhung huyết dụ.
Đất nghìn năm còn mãi dáng kiêu sa,
Phường cũ lưu danh người đẹp lụa.
Ngõ phố nào in dấu hài hoa...?..."

Không nhẹ nhàng như trong bài ca cùng tên quen thuộc mọi người thường nghe, Hà Nội phố còn là cả những hình ảnh của thời chiến tranh loạn lạc:

"... Em ơi! Hà Nội - phố!
Ta còn em mảnh đại bác
Ghim trên thành cũ.
Một thời thịnh,
Một thời suy,
Hưng vong lẽ thường.
Người qua đó,
Hững hờ bài học sử..."

Nhiều thính giả sau đó đã tâm sự với ông, rằng họ vốn chỉ biết ca khúc "Em ơi! Hà Nội -phố" mà nhạc sĩ Phú Quang phổ thơ của ông với lời ca và giai điệu nhẹ nhàng, lãng mạn, mà không biết rằng đó là một bài thơ dài, với những cảm xúc dữ dội, mạnh mẽ hơn thế. Nhiều người lại ngạc nhiên khi biết ông vốn sinh ra ở Hải Phòng chứ không phải người gốc Hà Nội, mà lại yêu Hà Nội từ trong tâm khảm đến thế. Trường ca "Em ơi! Hà Nội- phố" của ông khiến người ta thêm tự hào, thêm yêu Hà Nội.

Phan Vũ đã có một đêm thơ trọn vẹn, toại nguyện vì cuối cùng ông có thể đọc "Em ơi! Hà Nội- phố" tại Hà Nội. Đó cũng là một kỷ niệm đẹp của Báo điện tử VOV 9 năm về trước... /.

Nguyễn Thúy Hoa/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa-giai-tri/phan-vu-va-lan-dau-tien-doc-truong-ca-em-oi-ha-noi-pho-o-ha-noi-933372.vov