Phân vùng hạn chế hoạt động xe máy: Tập trung phát triển mạng lưới giao thông công cộng
Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đang lấy ý kiến đóng góp xây dựng đề án 'Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030'. Nhiều ý kiến cho rằng, để đề án thành công, trước tiên cần phát triển hệ thống giao thông công cộng.
Ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra tại nhiều tuyến đường của Thủ đô. Ảnh: Thái Hiền
Ông Phạm Anh Tuấn - Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải:
Đẩy nhanh tốc độ thi công các dự án đường sắt đô thị
Hiện thành phố có khoảng 6,6 triệu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, trong đó xe máy là chủ yếu với 6,01 triệu chiếc, chưa tính số lượng phương tiện đăng ký tại các địa phương khác thường xuyên lưu thông trên địa bàn. Với số lượng dân cư không ngừng tăng, việc xe máy tiếp tục tăng trưởng cao trong thời gian tới là nguy cơ gây ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố. Do đó, việc Hà Nội xây dựng đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy tiến tới dừng hoạt động của loại phương tiện này trên địa bàn các quận vào năm 2030 là cần thiết. Việc dừng hoạt động của xe máy có thể thực hiện theo giờ và theo ngày trong tuần, tùy theo từng khu vực.
Trong đó, khu vực không gian đi bộ sẽ hạn chế xe máy hoạt động từ 6h ngày thứ sáu đến 24h ngày chủ nhật hằng tuần và các ngày nghỉ lễ. Các khu vực khác chỉ hạn chế xe máy trong khung giờ hoạt động của vận tải hành khách công cộng (từ 6h đến 22h). Tuy nhiên, thành phố chỉ nên xem xét dừng hoạt động của xe máy khi hệ thống vận tải hành khách công cộng và các phương tiện thay thế đáp ứng được tối thiểu 60,6% nhu cầu đi lại của người dân. Để bảo đảm yêu cầu này, thành phố cần tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án đường sắt đô thị, phát triển thêm các tuyến buýt để đến năm 2030 đưa vào hoạt động 8 tuyến đường sắt đô thị, khoảng 200 tuyến buýt, 15-20 tuyến minibus... đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Chuyên gia giao thông Lê Đỗ Mười:
Các đô thị lớn đều có giải pháp hạn chế xe máy
Với góc độ chuyên gia, tôi hoàn toàn ủng hộ hai đề án hạn chế tiến tới dừng hoạt động của xe máy và thu phí ô tô vào nội đô mà Hà Nội đang nghiên cứu. Vì với một đô thị tiệm cận, đô thị tương lai, đô thị hiện đại thì chưa một thành phố nào để ô tô tràn ngập đường phố và xe máy phát triển rầm rộ. Đơn cử như Mátxcơva (Nga), dù lòng đường rộng, nhưng để ngăn phương tiện đổ dồn vào họ đã thu gọn lòng đường; hay như Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc… đều có giải pháp hạn chế xe máy.
Hai đề án trên sẽ tạo áp lực rất lớn cho Hà Nội trong những năm tiếp theo. Vì muốn thực hiện được phải tập trung mọi nguồn lực vào phát triển cơ sở hạ tầng. Bởi phương tiện cứ bùng nổ trong khi quỹ đất và nguồn lực dành cho giao thông hạn chế, nếu không có chính sách quản lý và giải pháp thiết yếu như hai đề án đưa ra, Hà Nội chắc chắn sẽ khó giải quyết tình trạng ùn tắc. Tuy nhiên, muốn thực hiện được hai đề án trên cần sự đồng lòng của người dân, chính quyền và các cơ quan chức năng trên địa bàn Hà Nội.
Ông Bùi Văn Hiền, phường Phương Mai, quận Đống Đa:
Cần thực hiện theo lộ trình phù hợp
Theo tôi, việc hạn chế tiến tới dừng hoạt động của xe máy cần thực hiện theo lộ trình phù hợp. Thứ nhất, nên hạn chế xe máy từ những tuyến đường hướng tâm hay xảy ra ùn tắc giao thông, các tuyến đường này phải có hệ thống phương tiện vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Thứ hai, nên hạn chế xe máy vào một số khung giờ cao điểm, ngày làm việc trong tuần... để tăng khả năng sử dụng phương tiện vận tải công cộng. Hà Nội phải sớm triển khai, bố trí hợp lý các điểm trông giữ xe máy để người dân thuận tiện sử dụng. Tránh tình trạng hạn chế xe máy vào nội đô mà người dân không biết gửi xe ở đâu hoặc có chỗ gửi nhưng bị các bãi trông giữ xe tự phát "chặt chém"...
Ông Trần Trí Dũng, tổ dân phố số 6, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên:
Tiến tới chấm dứt hoạt động của xe máy tại khu vực nội đô
Trong điều kiện hạ tầng giao thông đô thị quá chật chội, hầu hết các dự án giao thông lại đều trong tình trạng chậm tiến độ, vừa gây lãng phí ngân sách, vừa khiến nạn ùn tắc giao thông thêm nghiêm trọng. Song song với việc mở rộng xây dựng cơ sở hạ tầng; đẩy nhanh tiến độ các dự án; tập trung tối đa nguồn lực phát triển hệ thống giao thông công cộng… cơ quan quản lý cần tăng cường tuyên truyền, tạo thói quen, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng.
Ở nước ngoài, việc người dân đi bộ để đến các nhà ga, bến xe buýt… là hết sức bình thường, trong khi ở nước ta, đây là việc khiến nhiều người e ngại. Nếu có thể bố trí lối đi riêng hoặc quản lý tốt vỉa hè để dành không gian cho người đi bộ thì chắc chắn người dân sẽ quen dần với việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Ngoài ra, các giải pháp đề án nêu như: Dừng cấp đăng ký mới xe máy tại một số quận trung tâm; miễn, giảm giá vé sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng… sẽ góp phần khuyến khích người dân hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, dần tạo thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng.