Phân vùng hạn chế xe máy: 'Chống thì phải xây', 'xây phải đồng bộ'

Là một trong 5 địa phương cần tập trung nghiên cứu xây dựng Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy theo yêu cầu của Chính phủ, TP. HCM hiện đã có những bước chuẩn bị và lộ trình cụ thể theo nguyên tắc 'Chống thì phải xây' và 'xây thì phải đồng bộ'. Theo đó, dự kiến tới 2030, điều kiện đi lại của thành phố sẽ được cải thiện tốt hơn.

Hiện TP. HCM có 8,5 triệu phương tiện giao thông, trong đó có 7,7 triệu xe mô tô, chưa kể phương tiện các tỉnh thành khác vãng lai trên địa bàn.

Ông ĐỖ NGỌC HẢI, Trưởng phòng Quản lý Vận tải đường bộ, Sở GTVT TP.HCM:Việc kiểm soát phương tiện giao thông là cần thiết trong thời gian tới. Vì chúng ta cứ để phương tiện cá nhân tăng cao như hiện nay thì sẽ quá tải với hệ thống hạ tầng và gây áp lực càng lớn hơn các vụ ùn tắc giao thông”.

Bên cạnh rà soát tối ưu mạng lưới xe buýt; triển khai dịch vụ kết nối các trạm, tuyến; đề xuất vé điện tử tích hợp cho các loại hình giao thông công cộng và nhiều giải pháp khác, Sở GTVT TP. HCM đã đề ra lộ trình thực hiện cụ thể.

Ông ĐỖ NGỌC HẢI, Trưởng phòng Quản lý Vận tải đường bộ, Sở GTVT TP.HCM: “Chúng tôi sẽ nghiên cứu, thí điểm tổ chức ngưng phương tiện xe hai bánh trên một số tuyến, khu vực trung tâm từ đây đến 2025. Sau 2025 thì tiếp tục mở rộng trên một số địa bàn, sau 2030, xem xét ngưng hẳn hoạt động xe máy tại một số quận trung tâm.

Điều cần nhất hiện nay của TP. Hồ Chí Minh là phải đầu tư xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, phương tiện công cộng, nhất là hệ thống kết nối.

TS TRẦN DU LỊCH, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. HCM: ”Về nguyên tắc, chúng ta muốn chống thì phải xây, phải phát triển các phương tiện giao thông công cộng có sức chứa lớn, cái mạng lưới thuận lợi để người ta di chuyển, lựa chọn phương tiện công cộng."

Ông ĐỖ NGỌC HẢI, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở GTVT TP. HCM: “Chúng ta thực hiện nó phải đồng bộ, song song với việc tăng cường được vận tải công cộng bên cạnh kiểm soát xe cá nhân để làm sao đáp ứng được nhu cầu vận tải hành khách công cộng phủ khắp phục vụ người dân.”

Với đặc trưng quy hoạch đô thị của TP. HCM, để thực hiên được việc hạn chế xe gắn máy không phải là điều dễ dàng. Do đó, cần có sự quyết tâm, đồng lòng của lãnh đạo các cấp và nhân dân; đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông công cộng. Khi đó, áp lực giao thông, tình trạng ùn tắc kéo dài tại TP.HCM mới mong có thể giải tỏa./.

Thực hiện : Thùy Vân Tăng Sắc

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/han-che-xe-may-chong-thi-phai-xay-xay-phai-dong-bo