Pháo binh Nga cải tiến bất ngờ với cú điểm huyệt gây khó cho Ukraine
Cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến lực lượng pháo binh Nga trở nên cơ động và tinh vi hơn. Đối với một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất là phản pháo – dùng pháo binh để đánh trả pháo binh của đối phương, Nga có rất nhiều kinh nghiệm thực chiến.
Pháo binh Nga ngày càng cải tiến trên chiến trường
Trong suốt cuộc xung đột tại Ukraine, Nga đã thể hiện sự linh hoạt trong chiến đấu, kết hợp giữa chiến thuật có từ thời Liên Xô với chiến thuật hiện đại, thêm sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến.

Pháo Giatsint-S của Nga. Ảnh: TASS
Nga sử dụng máy bay không người lái để phát hiện mục tiêu và dựa vào sức mạnh của bom lượn cùng với pháo binh mở đường cho bộ binh chiếm giữ đất. Mỗi yếu tố đều hỗ trợ, bổ sung cho nhau, nhằm tạo ra hiệu ứng “lăn cầu tuyết”, buộc Ukraine phải rút lui. Trong các đợt tiến công, lực lượng pháo binh Nga đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Pháo binh sở hữu nhiều tổ hợp pháo với tầm bắn xa và sức hủy diệt lớn, được mệnh danh là "vị thần chiến tranh" của Nga, có thể phá hủy nhiều mục tiêu kiên cố.
Theo báo cáo của Trung tâm Phân tích Lịch sử và Nghiên cứu Xung đột của Anh, các hệ thống pháo lớn của Nga đã trải qua quá trình hiện đại hóa sâu rộng, từ "những cỗ máy cồng kềnh có kích thước lớn thành những cỗ máy tinh gọn và chính xác hơn”.
Việc Nga cải thiện hỏa lực phản pháo đã khiến pháo binh Ukraine hoạt động kém hiệu quả. Đây là điều đáng lo ngại đối với Kiev.
"Kinh nghiệm thu được ở Ukraine sẽ dẫn đến những cải cách sâu hơn ở phía Nga. Điều đó đồng nghĩa với việc các lực lượng phương Tây có thể phải đối mặt với các loại vũ khí và chiến thuật lợi hại hơn trong trường hợp xảy ra xung đột với Nga", chuyên gia Sam Cranny-Evans lưu ý.
Lực lượng vũ trang Nga được cho là vẫn duy trì chiến thuật có từ thời Liên Xô. Trước đây, quân đội Liên Xô đã dành nhiều nguồn lực pháo binh để áp đảo các hệ thống pháo đối phương, triển khai nhiều tiểu đoàn lựu pháo và bệ phóng tên lửa để thực hiện nhiệm vụ này. Mục tiêu là "gây áp lực liên tục lên các tài sản hỏa lực của đối phương, hay còn gọi là hỏa lực phản pháo chủ động, giúp họ đảm bảo ưu thế vượt trội – vốn là một trong những yếu tố cần thiết để thành công”.
Đối với một đối thủ như quân đội Ukraine, chiến lược bắn phá liên tục và các cuộc tấn công trực diện trên diện rộng của Nga đã phát huy tác dụng. "Cách tiếp cận này tương đối hiệu quả vì nếu Ukraine tập trung các khẩu đội pháo binh hay các nút chỉ huy và kiểm soát tại một vị trí nhất định trên những vùng lãnh thổ rộng lớn", báo cáo của Trung tâm Phân tích Lịch sử và Nghiên cứu Xung đột nhấn mạnh.
Sự kết hợp giữa hệ thống pháo và UAV tạo ra “cú điểm huyệt” chính xác
Để đối phó với chiến thuật của Nga, Ukraine đã bắt đầu phân tán pháo binh, đặt các khẩu đội tại nhiều vị trí khác nhau. Điều này buộc Nga phải sử dụng số lượng lớn đạn pháo trong bối cảnh kho dự trữ đang cạn dần.
Tuy nhiên, Nga đã có giải pháp. Vào năm 2014, Moscow sử dụng máy bay không người lái cung cấp dữ liệu nhắm mục tiêu cho pháo binh, khiến 3 lữ đoàn Ukraine ở Donbass bị tổn thất nặng nề. Đây là ví dụ ban đầu về "tổ hợp hỏa lực trinh sát" của Nga, trong đó máy bay không người lái và các hệ thống trinh sát khác cung cấp dữ liệu, cho phép pháo binh và tên lửa tấn công lực lượng đối phương khi họ kịp phát hiện và rút lui. Mặc dù có một số hạn chế, giải pháp này đã mang lại hiệu quả đáng kinh ngạc cho Nga.
Ngoài việc sử dụng các cảm biến âm thanh và radar phản pháo để phát hiện hệ thống pháo của đối phương, Nga cũng bổ sung thêm nhiều loại máy bay không người lái trinh sát và tấn công. Quá trình phản pháo thường bắt đầu với việc máy bay không người lái Orlan của Nga tìm kiếm các tia lửa đầu nòng và dấu hiệu nhiệt của pháo Ukraine. Orlan-30 là UAV đặc biệt nguy hiểm. Nó được trang bị thiết bị chỉ thị laser, nó có thể dẫn đường cho đạn pháo thông minh Krasnopol 152 mm đến mục tiêu, cùng với radar nhanh chóng ước tính điểm bắn của đạn pháo.
"UAV Orlan-30 có thể truyền dữ liệu video lên đến 120 km và có khả năng hoạt động liên tục trong 8 giờ, cho phép nó xâm nhập sâu vào hậu cứ của Ukraine hoặc hoạt động thời gian dài trên tiền tuyến", báo cáo cho biết.
Sau khi xác định được vị trí chính xác của pháo binh Ukraine, quân đội Nga sẽ phóng tiếp UAV Lancet, truyền video trở lại cho binh sỹ vận hành. Binh sỹ này sẽ quyết định thời điểm máy bay không người lái tự sát tấn công mục tiêu. Chiến thuật này sẽ đẩy các xạ thủ Ukraine rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Theo quy trình, pháo binh Ukraine phải rời khỏi vị trí bắn ngay sau khi nhả đạn để tránh nguy cơ bị pháo binh Nga đáp trả. Nhưng việc di chuyển dễ khiến họ bị camera trên UAV Lancet phát hiện. Một khi bị lộ vị trí, lực lực lượng pháo binh Ukraine có khả năng bị UAV Orlan-30 trong khu vực tấn công bằng đạn pháo Krasnopol.
Lostarmour, trang phân tích thông tin tình báo dựa trên các nguồn công khai có trụ sở tại Nga cho biết, UAV Lancet Nga đã tiến hành hơn 2.700 cuộc tấn công tại Ukraine tính đến đầu tháng 1/2025, trong đó có 1.300 cuộc tấn công vào pháo binh Ukraine, khiến nhiều mục tiêu bị phá hủy hoặc hư hại. “Nếu đúng như vậy, điều này nêu bật tầm quan trọng của UAV Lancet trong vai trò phản pháo và tác động mà nó gây ra", báo cáo của Trung tâm Phân tích Lịch sử và Nghiên cứu Xung đột lưu ý.
Nga được cho là đã triển khai 5.000 khẩu pháo ở Ukraine, trong đó có pháo tự hành 2S19 Msta-SM2 152 mm với tốc độ bắn 10 viên mỗi phút, hay pháo tự hành M-1978 Koksan 170 mm của Triều Tiên. Với số lượng pháo lớn như vậy, Moscow vừa có thể tấn công mạnh mẽ vào quân đội và công sự của Ukraine, lại vừa tiến hành hoạt lực phản pháo.
“Hỏa lực phản pháo sẽ không làm giảm khả năng của tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn của lực lượng mặt đất, nhằm hỗ trợ cho hoạt động tấn công hoặc phòng thủ", báo cáo nêu rõ.
Ngoài ra, Moscow cũng triển khai các hệ thống tên lửa phóng loạt gắn trên xe tải (MLRS), trong đó có hệ thống Tornado-S mới với 12 tên lửa 300 mm và hệ thống BM-27 Uragan. MLRS hiện đại của Nga cũng có thể bắn tên lửa có điều khiển.
Theo các nhà quan sát, Nga đang tiếp tục nâng cấp khả năng phản pháo có khả năng tự động hóa và mạng lưới dữ liệu tiên tiến hơn giúp tăng tốc thời gian phản ứng. "Có một số sự kết nối trực tiếp giữa máy bay không người lái và lựu pháo, điều này có thể dẫn đến một hình thức xung đột phản pháo mới, trong đó, các hệ thống pháo đơn lẻ sẽ phối hợp với máy bay không người lái và sử dụng đạn dẫn đường để tìm kiếm và tấn công lựu pháo của đối phương", báo cáo nêu rõ.