Phao cứu sinh của vùng 'rốn lũ' miền Trung
Thiết kế đơn giản, chi phí xây dựng phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân nông thôn, những ngôi nhà chống lũ đã và đang trở thành phao cứu sinh của người dân vùng 'rốn lũ' các tỉnh miền Trung.
Nhà chống lũ an toàn - giải pháp bền vững cho miền Trung
Nhà phao, nhà chống lũ đã chứng minh được hiệu quả trong mưa lũ với những vùng thường xuyên bị ngập lụt. Thiết kế đơn giản, chi phí xây dựng thấp, những ngôi nhà chống lũ đang trở thành phao cứu sinh của người dân các tỉnh miền Trung, đặc biệt tại tỉnh Hà Tĩnh.
Trong đợt lũ vừa qua, nhiều mô hình nhà chống lũ ở Hà Tĩnh đã phát huy hiệu quả, người dân có thể tự bảo vệ tính mạng và tài sản của gia đình mình, yên tâm sống trong ngôi nhà chờ cơn lũ đi qua. Dù nước lũ lên cao, địa phương bị cô lập nhưng người dân vẫn duy trì được cuộc sống. Nước lũ dâng lên, người dân lên những ngôi nhà chòi, nhà phao chống lũ… để trú ngụ, những ngôi nhà này đã được người dân chuẩn bị sẵn các nhu yếu phẩm cần thiết.
Theo người dân vùng “rốn lũ” xã Điền Mỹ (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh), mô hình nhà phao sẽ phù hợp với những vùng trũng như Hà Tĩnh, còn những nơi nước chảy xiết và có sóng gió to, dễ bị ngập sâu như Quảng Bình, mô hình nhà chống lũ với các trụ bê tông phát huy hiệu quả. Nhà kiên cố với bê tông, cốt thép có khớp nối chắc chắn.
Ông Nguyễn Văn Vinh (xã Điền Mỹ) chia sẻ với phóng viên: Gia đình chúng tôi ở đây từ bao đời nay rồi. Năm nào ít thì cũng có khoảng 3 trận lũ, nhẹ thì nước ngập hơn nửa nhà, có năm nước ngập tận nóc nhà. Có những năm nước lũ ngâm cả tháng trời. Trước đây, những khi nước lũ lên, cả gia đình thường mang đồ đạc lên chạn (trần nhà) để ở. Trận lũ lịch sử năm 2010, nước ngập hết cả mái nhà, năm đó may còn bảo toàn được tính mạng, còn tài sản của gia đình đều trôi theo dòng nước lũ. Năm 2014, gia đình quyết định vay tiền để làm nhà chống lũ. Từ đó đến nay, khi bước vào mùa mưa lũ là chúng tôi chuyển đồ đạc, các vật dụng lên trên chòi. Có nhà chòi chống lũ này người dân vùng lũ chúng tôi không phải sợ mỗi khi mùa mưa lũ đến nữa.
Ông Ngô Đức Giang (xã Điền Mỹ) chia sẻ: Năm 2012, tôi làm nhà chòi tránh lũ. Nhưng với những người già như chúng tôi, để mang được các vật dụng lên nhà chòi cũng rất khó khăn vì nhà chòi thường cao, cầu thang dốc đứng, bị ngã khi chuyển đồ là chuyện thường. Nên vừa rồi tôi làm nhà phao này, nhà phao tiện lợi hơn nhiều. Những vật dụng, nông sản… của gia đình đều được bỏ vào đó. Lúc không mưa lũ thì nhà phao trở thành một nhà kho, nhưng khi mưa lũ thì nước dâng đến đâu nhà nổi lên và chúng tôi vào ở trong đó và trong đó đã có đầy đủ mọi vật dụng cho sinh hoạt. Có nhà phao này, mỗi mùa mưa lũ hai vợ chồng tôi không phải mang vác đồ để chạy lũ, đỡ về sức lực cho con người rất nhiều.
Nhớ về trận lũ lịch sử tháng 10/2020, bà Trần Thị Quý, xã Tân Lâm Hương (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) vẫn chưa hết bàng hoàng: Trận lũ vừa qua, nước lũ lên rất nhanh và cả làng đều bị ngập sâu. May nhà tôi có chòi tránh lũ chứ không thì khó mà bảo toàn được tính mạng. Trận lũ vừa rồi, nhà chòi của tôi là nơi trú tránh lũ của hơn 10 người trong làng.
Chính sách đồng bộ, đồng hành nhân rộng nhà chống lũ
Hà Tĩnh là một trong những địa phương hằng năm chịu nhiều thiệt hại bởi thiên tai, bão lũ. Sống chung với lũ là điều đã quá quen thuộc với người dân các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Thạch Hà…Trong các đợt mưa lũ vừa qua, dù nước dâng cao nhưng nhờ thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, cùng với việc người dân và chính quyền địa phương đã triển khai nhiều mô hình sáng tạo trong công tác phòng chống bão lũ nên đã góp phần giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống ngay sau lũ rút.
Theo đó, người dân xây dựng kiểu nhà chòi bằng bê tông cốt thép, hoặc khi làm nhà mới họ sẽ thiết kế làm nhà cao lên và có gác lửng để làm nơi tránh trú khi nước lũ lên. Nhưng nếu làm nhà chống lũ kiên cố này đòi hỏi kinh phí lớn, phải từ 150 triệu đồng trở lên.
Với kinh phí ít hơn, nhiều gia đình tại vùng lũ lại làm nhà phao để tránh lũ, một số hộ sẽ làm nhà phao cố định hoặc nhà phao di động. Nhà phao cố định được người dân hàn khung sắt, kết những thùng phuy, mặt sàn được lát những thanh gỗ. Nhà phao này được cố định bằng những chiếc cột trụ được đổ bê tông, hoặc cột thép. Độ cao của những chiếc cột này tùy thuộc gia đình. Thường những chiếc cột này sẽ được làm cao hơn mốc đỉnh lũ lịch sử, có chức năng giữ và cố định nhà phao dù nước lũ dâng cao và chảy xiết.
Có nhiều hộ dân, do điều kiện kinh kế khó khăn hay vườn hẹp thì họ lại làm nhà phao được tháo rời. Khi có mưa lũ họ mới tiến hành lắp ráp, hết mưa lũ họ lại tháo rời các bộ phận ra…Với những ngôi nhà phao này chi phí ít hơn, phù hợp với điều kiện kinh tế của đại đa số người dân nông thôn. Kinh phí để làm một nhà phao từ 30 triệu đồng trở lên.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Hoàng Xuân Tần - Bí thư Đảng ủy xã Điền Mỹ cho biết: “Chúng tôi đang vận động để mỗi hộ có 1 nhà phao, nhà chống lũ để chủ động trong việc chống lũ. Làm được như thế thì người dân vùng ngập lũ mới cảm thấy yên tâm khi mùa mưa lũ về”.
Ông Phan Lê Hùng - Trưởng phòng quản lý nhà, thị trường BĐS và VLXD, Sở Xây dựng Hà Tĩnh cho biết: Một ngôi nhà chống lũ nếu hoàn thiện cũng từ 80 đến gần 150 triệu đồng, cùng với đó, việc hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương cho hộ nghèo làm nhà tránh lũ còn nhiều hạn chế, bất cập. Bên cạnh đó, nhiều hộ diện được hỗ trợ quá nghèo nên không nhận tiền làm nhà vì không dám vay vốn vì sợ không có khả năng trả nợ. Trong khi đó, nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp, nhà hảo tâm thì có hạn.
Giám đốc Sở LĐTB&XH Nguyễn Trí Lạc cho biết: Thực hiện Quyết định 22-QĐ/TU, ngày 20/11/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ và nhà ở kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai trên địa bàn tỉnh. Dự kiến trong quý I/2021, toàn tỉnh sẽ xây dựng 20 nhà văn hóa cộng đồng và 1.500 nhà cho hộ dân tại 13 huyện, thị xã, thành phố.
Những ngôi nhà chống lũ không chỉ hữu ích trong mùa mưa lũ mà với ngày thường nó cũng là một thành phần của ngôi nhà, như để làm nhà kho, bếp, nhà tắm, quán nước... ở trên làm mái che, tùy theo điều kiện gia đình có thể làm mái tôn hoặc che bạt... khi lũ lụt đến, những đồ đạc cần thiết có thể vận chuyển lên nhà chòi hoặc nhà phao. Cả người và gia súc có thể ở an toàn từ 7 - 10 ngày. Tùy từng điều kiện của mỗi hộ dân, có thể nâng mái, thêm tầng để tăng diện tích hoặc để tránh mực nước dâng bất thường so với đỉnh lũ lụt thường xuyên.
Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/phao-cuu-sinh-cua-vung-ron-lu-mien-trung-298980.html