'Phao cứu sinh' đầu tiên của doanh nghiệp chính là doanh nghiệp
Khá nhiều doanh nghiệp nhờ có sự hỗ trợ của VCCI mà đã vượt qua khó khăn, thậm chí chuyển bại thành thắng khi kinh doanh quốc tế. Song theo lãnh đạo VCCI, 'phao cứu sinh' đầu tiên của doanh nghiệp chính là doanh nghiệp.
Vượt qua khó khăn, chuyển bại thành thắng
Nhìn lại chặng đường đã qua, khá nhiều doanh nghiệp nhờ có sự hỗ trợ của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mà đã vượt qua khó khăn, thậm chí chuyển bại thành thắng.
Đơn cử như Tập đoàn Cao su Việt Nam, với ngành nghề chủ yếu là trồng và chế biến mủ cao su cũng như các sản phẩm gỗ cây cao su, chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, châu Âu, Mỹ, và Nhật Bản. Năm 2018, do một số điều kiện khách quan, một số diện tích rừng cao su thuộc Tập đoàn đã bị rút giấy chứng nhận quản lý rừng bền vững (FSC) – một trong những chứng nhận cần thiết để có thể xuất khẩu sang các thị trường “khó tính”. Điều này thực sự gây khó khăn cho các sản phẩm tiếp cận thị trường ngoại.
“Lúc đó, Tập đoàn biết đến Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI), bộ chỉ số mà VCCI với hạt nhân là Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) đã tâm huyết xây dựng, phát triển cùng với các chuyên gia hàng đầu trong nước, và được giới thiệu đến cộng đồng doanh nghiệp từ năm 2016 thông qua Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam. Việc áp dụng CSI trong thay đổi quản trị nội bộ, quản lý sản xuất từ cuối năm 2018 đã góp phần giúp Tập đoàn đạt được chứng chỉ PEFC (Giấy chứng chỉ rừng bền vững), cũng như từ năm 2019 đến nay luôn luôn có 10 - 15 công ty thành viên đạt được danh hiệu CSI 100. Kết quả của quá trình thay đổi tư duy mang tính hệ thống nhằm phát triển bền vững đã và đang giúp cho các sản phẩm cao su Việt Nam đến với nhiều thị trường khó tính có yêu cầu nghiêm ngặt”, ông Vinh nhớ lại.
Rất nhiều doanh nghiệp Việt khác như PNJ, SASCO, Tập đoàn PAN, Bảo Việt, Traphaco... cũng đã áp dụng Bộ chỉ số CSI trong nhiều năm và đều ghi nhận, đánh giá cao hiệu quả của Bộ chỉ số trong việc hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện hoạt động quản trị doanh nghiệp bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực chống chịu, phục hồi trước những thách thức như đại dịch Covid-19 vừa qua.
“Với sứ mệnh đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp để xây dựng “doanh nghiệp vững mạnh, quốc gia thịnh vượng”, 60 năm qua, những thành tựu mà VCCI đạt được trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đầu tư kinh doanh ra nước ngoài rất rõ ràng, được Đảng, Chính phủ, Quốc hội đánh giá rất cao. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, “phao cứu sinh” đầu tiên của doanh nghiệp chính là doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần phải đánh giá đúng thị trường, đúng nguồn lực của mình, để từ đó có thể xác định cho mình một chiến lược kinh doanh đúng đắn, đưa ra thị trường những sản phẩm hợp lý”, ông Vinh bày tỏ quan điểm.
Kiến tạo văn hóa kinh doanh gắn với phát triển bền vững
Thông tin về lộ trình đồng hành với doanh nghiệp Việt trong tương lai, Phó Chủ tịch Nguyễn Quang Vinh cho biết: VCCI sẽ tập trung ưu tiên xây dựng, đóng góp kiến nghị chính sách, đặc biệt là những chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng bền vững hơn, bởi “khai thông” được khuôn khổ pháp lý thì doanh nghiệp mới có thể chủ động, tự tin mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh bền vững, từ đó giúp doanh nghiệp không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh, tính chống chịu trước các thách thức mới, mà còn hội nhập kinh tế quốc tế tốt hơn, thu hút đầu tư hiệu quả và bền vững hơn.
VCCI sẽ đẩy mạnh các hoạt động nhằm thay đổi tư duy kinh doanh, chuyển đổi nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp, hướng tới kiến tạo văn hóa kinh doanh, chiến lược kinh doanh gắn kết với nội hàm phát triển bền vững.
Bên cạnh đó sẽ thúc đẩy, hỗ trợ xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc thực hiện mô hình kinh doanh bền vững và lập báo cáo theo khung môi trường - xã hội - quản trị (ESG), xây dựng văn hóa doanh nghiệp đa dạng, bình đẳng và bao trùm, thúc đẩy chuyển dịch sang mô hình kinh tế tuần hoàn, chuyển dịch năng lượng công bằng, cắt giảm phát thải carbon...
Thiết lập quan hệ hợp tác với gần 200 tổ chức xúc tiến thương mại và đầu tư trên thế giới, thời gian qua, VCCI đã tận dụng tốt kênh quan hệ này nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt tìm kiếm đối tác thương mại và đầu tư. Cập nhật thông tin, hướng dẫn và tư vấn nhằm tận dụng tối đa những lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết cũng là mảng việc VCCI đã và đang triển khai tích cực cho doanh nghiệp (hiện có 15 hiệp định mà Việt Nam đã ký kết và đang triển khai).
Theo nhiệm vụ được Chính phủ giao, VCCI đã và đang tích cực phát huy vai trò chủ trì đại diện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia những cơ chế hợp tác doanh nghiệp đa phương như: Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (APEC BAC), Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC), Hội đồng Kinh doanh Đông Á (EABC), Hội đồng Kinh doanh GMS (GMS BC) và nhiều cơ chế hợp tác doanh nghiệp đa phương khác…
“Trong vai trò là Chủ tịch Phân ban Việt Nam của Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN, Hội đồng Kinh doanh GMS, tôi đánh giá cao những cơ chế hợp tác này, đặc biệt thông qua các hoạt động lớn và nổi bật thường niên. Năm 2023, Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh và đầu tư ASEAN và Giải thưởng Doanh nghiệp ASEAN 2023 sẽ được tổ chức tại Jakarta, Indonesia vào tháng 9/2023, bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN 43. Tôi mong rằng doanh nghiệp Việt Nam sẽ tận dụng các cơ hội quý báu để tăng cường cơ hội mở rộng kinh doanh ra thị trường quốc tế’, Phó Chủ tịch VCCI chia sẻ thêm.