NATO ngày 14/10/2022 thông báo cuộc diễn tập hạt nhân thường niên "Steadfast Noon" sẽ khởi động vào ngày 17/10 tại các thao trường ở Bỉ.
"Cuộc diễn tập dự kiến kết thúc ngày 30/10/2022, là hoạt động huấn luyện định kỳ và không liên quan đến bất kỳ sự kiện nào trên thế giới hiện nay", NATO cho hay.
Cuộc diễn tập có sự góp mặt của 14 trong số 30 quốc gia thành viên NATO, huy động khoảng 60 máy bay, gồm nhiều tiêm kích hiện đại và oanh tạc cơ chiến lược tầm xa B-52 của Mỹ, được triển khai từ căn cứ không quân Minot ở Bắc Dakota.
Các máy bay chiến đấu này sẽ bay qua Bỉ, Biển Bắc và Anh để diễn tập kịch bản sử dụng bom hạt nhân được Mỹ bố trí tại châu Âu.
Tuy nhiên, NATO cho biết bom hạt nhân thật sẽ không được sử dụng trong đợt diễn tập. "Cuộc diễn tập nhằm đảm bảo hoạt động răn đe hạt nhân của liên minh vẫn an toàn, đảm bảo và hiệu quả", phát ngôn viên NATO Oana Lungescu cho biết.
Ngày 11/10, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg xác nhận liên minh sẽ tiến hành diễn tập hạt nhân, bất chấp tình hình căng thẳng ở châu Âu liên quan tới xung đột Ukraine.
Ông đưa ra thông báo sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cảnh báo Nga sẽ đáp trả việc phương Tây ngày càng tăng can dự vào xung đột ở Ukraine, dù đối đầu trực tiếp với NATO không mang lại lợi ích cho Moscow.
Ra đời từ thập niên 1950 và từng tham chiến trên bầu trời Việt Nam, tuy nhiên cũng tại đây "pháo đài bay" đã nhận cái kết kinh hoàng khi bị bắn rơi khá nhiều.
Nhưng từ những kinh nghiệm xương máu đó, người Mỹ đã thay đổi chiến thuật tác chiến cũng như nâng cấp hệ thống điện tử, khiến loại máy bay này vẫn trở nên đáng sợ trong chiến tranh hiện đại.
Thậm chí xét về hiệu năng và tính kinh tế, "lão tướng" B-52H còn trên cơ cả máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit và B-1B Lancer.
Trong chiến tranh Việt Nam, B-52 thường phải đối chọi với hệ thống phòng không mà không có biện pháp bảo vệ hiệu quả.
Ngoài ra, các loại máy bay bảo vệ B-52 cũng chưa thực sự xuất sắc khi để đối phương len lỏi được vào đội hình, tiến đến gần B-52 để bắn phá.
Ngày nay, việc xuất hiện các máy bay chiến đấu tàng hình và tên lửa hành trình, cục diện tác chiến của không quân Mỹ đã đổi khác.
Mở đầu trận đánh là màn tấn công phủ đầu bằng các loại tên lửa hành trình Tomahawk vào các căn cứ phòng không của đối phương.
Tiếp đến là các máy bay tiêm kích tàng hình tràn tới tiêu diệt nốt các đài chỉ huy radar cũng như hệ thống phòng không còn sót lại.
Lúc này "pháo đài bay" B-52 mới xuất hiện để dội bão lửa lên đầu đối phương bàng màn ném bom rải thảm với sức hủy diệt khủng khiếp.
B-52 có thể ném bom rải thảm với tổng khối lượng bom lên tới 30 tấn, số bom này tạo ra những khu hủy diệt lớn.
Do các sân bay đối phương bị tên lửa hành trình tấn công khiến tiêm kích đánh chặn không thể cất cánh, mặt khác đội ngũ hộ tống bao gồm những chiếc tiêm kích cực mạnh có thể khống chế đối phương một cách hữu hiệu, tạo điều kiện cho B-52 ném bom.
Ngoài khối lượng bom khủng khiếp, B-52 còn được cải tiến nâng cấp để mang những tên lửa hành trình tầm xa tấn công.
B-52 có khả năng triển khai tên lửa hành trình chiến lược tầm xa AGM-86 hoặc Tomahaw, những tên lửa này đều có tầm bắn hơn 1.100km.
Những tên lửa này được phóng từ khoảng cách rất cao và rất xa nên rất an toàn cho máy bay B-52 trước các hệ thống phòng không của đối phương.
Với những nhiệm vụ ném bom ở các mục tiêu tầm xa, Mỹ luôn bố trí phi đội máy bay tiếp dầu để hỗ trợ cho B-52 trong suốt quãng đường bay.
Mỹ đang tiếp tục nâng cấp động cơ để gia tăng phạm vi hoạt động của B-52 thêm 20% đến 40%, từ mức 14.000 km lên đến 19.827km.
Với yêu cầu này, B-52 sau nâng cấp có thể bay đến bất kỳ vị trí nào trên trái đất mà không cần phải có máy bay tiếp dầu.
Việt Hùng