"Lực lượng trực ban phòng không của Quân khu miền Đông phát hiện từ xa và liên tục theo dõi biên đội hai oanh tạc cơ B-52 Mỹ trên biển Okhotsk hôm 19-6. Các tiêm kích Su-30SM, Su-35S và MiG-31 đã được triển khai để theo dõi mục tiêu", Trung tâm Phòng thủ Quốc gia thuộc Bộ Quốc phòng Nga hôm qua (20/6) cho biết.
Quân đội Nga nêu rõ, máy bay Mỹ hoạt động trên vùng trời quốc tế và không xâm phạm không phận Nga.
"Các tiêm kích Nga cũng tuân thủ chặt chẽ quy định quốc tế về sử dụng không phận trên vùng biển trung lập và không xâm phạm biên giới các nước khác", theo Bộ Quốc phòng Nga.
Một biên đội B-52 hôm 17-6 cũng hiện diện ở vùng đông bắc Thái Bình Dương, được radar Nga theo dõi và duy trì khoảng cách 300 km với không phận Nga.
Biển Okhotsk được coi là sân sau của Nga bởi nó có ba mặt được bao quanh bởi lãnh thổ nước này, trong khi hướng còn lại được chốt giữ bởi quần đảo Kuril do Nga kiểm soát.
Không quân Mỹ cuối tháng 5 cũng điều một oanh tạc cơ B-1B bay vào biển Okhotsk qua vùng trời quốc tế rộng hơn 22 km giữa đảo Simushir và Chirpoy thuộc quần đảo Kuril, động thái được đánh giá là chưa từng có tiền lệ và có tính khiêu khích cao.
Moscow và Washington thường triển khai oanh tạc cơ, máy bay trinh sát áp sát không phận của nhau.
Máy bay Mỹ và Nga luôn chạm mặt trong các nhiệm vụ này, nhưng hai bên thường tiến hành hoạt động tiếp cận, giám sát một cách chuyên nghiệp và an toàn.
Việc "pháo đài bay" B-52 thường xuyên xâm nhập "sân sau" khiến Moscow không hài lòng.
Với sức mạnh vượt trội, đặc biệt là màn "ném bom rải thảm" của những "pháo đài bay" B-52 luôn tạo ra sự ám ảnh cho đối phương.
B-52 là loại máy bay ném bom phản lực hạng nặng do hãng Boeing sản xuất theo đơn đặt hàng của Lầu Năm Góc để làm nhiệm vụ ném bom hạt nhân trong chiến tranh toàn cầu.
Hai mẫu YB-52 và XB-52 bay thử lần đầu năm 1952. Sau đó, qua 8 lần cải tiến, Mỹ sản xuất tổng cộng 744 chiếc B-52 và đến nay, B-52 vẫn nằm trong lực lượng máy bay ném bom chiến lược Mỹ.
Cho đến thời điểm hiện tại B-52 vẫn là vũ khí chiến lược và được trang bị tên lửa hành trình loại AGM-86B để tiến công từ xa với cự ly 2.500 km.
Tải trọng vũ khí của B-52 khoảng trên 30 tấn bom. B-52 có thể mang 12-20 tên lửa hành trình ALCM hoặc 8 tên lửa hành trình ACM (tàng hình).
Máy bay B-52 được trang bị thiết bị tác chiến điện tử hiện đại với 16 máy gây nhiễu tích cực, những thiết bị này sẽ làm nhiễu sóng các hệ thống đánh chặn đối phương.
B-52 còn được trang bị tên lửa chống radar, 21 bộ thiết bị phóng nhiễu tiêu cực, 12 bộ thiết bị gây nhiễu hồng ngoại, hệ thống quan sát vô tuyến truyền hình, quan sát hồng ngoại, hệ thống dẫn đường từ vệ tinh, hệ thống quan sát quang điện tử, ra đa cảnh giới, máy tính điện tử...
B-52 có thể bay liên tục 9 giờ không cần tiếp dầu. Nếu được tiếp dầu, B-52 có thể bay đến bất kỳ đâu trên thế giới.
Trong cuộc chiến tại Afghanistan, những chiếc B-52 của Mỹ bay từ các căn cứ trong nội địa nước này để tấn công các căn cứ của Taliban.
B-52 được coi là thứ vũ khí linh hoạt nhất trong bộ ba vũ khí chiến lược của Mỹ bao gồm: tên lửa tầm xa, tàu ngầm hạt nhân và máy bay ném bom chiến lược.
B-52 được miêu tả là trút bom như mưa, tiếng bom rơi xé không khí, gầm rít ghê rợn như dông bão.
Dù ra đời đã lâu nhưng nhờ những nâng cấp liên tục, loại máy bay này vẫn trở thành cơn ác mộng cho đối phương.
Một phi vụ B-52 có thể hủy diệt cả một khu vực rộng lớn. Một tốp 3 chiếc B-52 sẽ biến một diện tích hơn 2 km2 thành bình địa...
Nhiều chuyên gia nhận định, khi B-52 ném bom rải thảm thì không một sinh vật nào có thể tồn tại nổi dưới sức công phá ghê gớm của lượng bom được ném xuống.
Đối phương sẽ cảm thấy khiếp đảm tinh thần trước sức mạnh tàn phá ghê gớm của B-52.
Mỹ sẽ duy trì loại “pháo đài bay này” tới tận năm 2040, như vậy số năm phục vụ của B-52 lên tới 88 năm, nhiều hơn bất kỳ loại máy bay nào khác của không quân Mỹ.
Việt Hùng (Tổng hợp)